Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ loay hoay tìm đường đưa sản phẩm lên kệ siêu thị

DNVN - Việc tìm đầu ra cho sản phẩm tại thị trường trong nước được các doanh nghiệp, hợp tác xã rất quan tâm. Tuy vậy, họ vẫn đang loay hoay trong việc đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, kênh phân phối chuỗi cửa hàng thực phẩm uy tín trong nước, thay vì bán cho tư thương và các chợ đầu mối.

Dự án USAID LinkSME: Nền tảng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy giao thương / Xử lý rào cản, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu gạo mở rộng thị trường

Tại một diễn đàn mới đây ở Hà Nội, ông Duy Dương - đại diện Công ty Thương mại dịch vụ và phát triển Phúc Lâm chia sẻ, Phúc Lâm là doanh nghiệp (DN) chuyên về mặt hàng nông sản, có vùng trồng tại Lục Ngạn (Bắc Giang), đồng thời xúc tiến thương mại và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Tuy vậy, với thị trường trong nước, DN rất muốn được các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm về các tiêu chí để DN có thể đáp ứng điều kiện đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ.

Với vai trò là đơn vị thu mua sản phẩm từ DN và hợp tác xã, ông Trần Mạnh Chiến - CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng, công ty ưu tiên dòng sản phẩm hữu cơ. Theo đó, điều kiện để các DN, hợp tác xã (HXT) tiếp cận bao gồm 3 yếu tố: giấy chứng nhận, công nghệ và thương hiệu.

Thứ nhất, các DN, HTX phải đáp ứng được điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP), tức là các nhà sản xuất phải có giấy tờ, hồ sơ pháp lý, chứng nhận về ATTP của Nhà nước như VietGap, TCVN.

"Gần đây, chúng tôi ưu tiên TCVN và đặc biệt là ưu tiên những trang trại nào có chứng nhận uy tín hơn như chứng nhận của Mỹ hay của Nhật. Trên thực tế, hiện rất hiếm HTX đạt được những chứng nhận này", ông Chiến nói.

CEO Bác Tôm bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ trong việc xây dựng hệ thống chứng nhận phù hợp hơn với bà con nông dân. Những DN như Bác Tôm đang phải mất rất nhiều công sức trong việc tìm kiếm đối tác có đủ giấy chứng nhận. Và công ty phải đi chứng minh với khách hàng cũng như kiểm tra nhà sản xuất về giấy chứng nhận ATTP.


Sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã khó vào các kênh phân phối bán lẻ.

"Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp có chứng nhận VietGap rồi nhưng khi công ty đến kiểm tra thì phát hiện nhiều điều kiện chưa đạt so với VietGap chứ chưa nói đến là tiêu chuẩn về hữu cơ. Do đó, DN mất rất nhiều công sức, thời gian để hướng dẫn người dân, và kiểm tra để họ tuân thủ theo yêu cầu", CEO Bác Tôm cho hay.

Vì thế, ông Chiến khuyến nghị, nếu DN chưa có chứng nhận hữu cơ uy tín có thể tham gia vào mạng lưới PRS để có mức độ tin cậy cao hơn.

Thứ hai, các DN, HTX cần sử dụng thành thạo thương mại điện tử, áp dụng công nghệ nhiều hơn để đáp ứng với xu hướng sử dụng phần mềm là chính, hạn chế hóa đơn viết tay hiện nay tại các đơn vị phân phối, chuỗi bán lẻ... Việc DN, HTX sử dụng được những app cơ bản để giao dịch với đối tác sẽ được Bác Tôm ưu tiên hơn.

Thứ ba, DN, HTX cần làm tốt công tác xây dựng thương hiệu. Sản phẩm có thương hiệu tại chuỗi bán lẻ, kênh phân phối, siêu thị chắc chắn sẽ hút khách và khiến hàng khách hàng tin tưởng hơn, từ đó tăng khả năng mua hàng.

Trong khi đó, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) cho rằng, trong hoạt động liên kết mà đẩy khó khăn cuối cùng về người nông dân là không tạo ra được “sân chơi” và giá trị thực thụ cho chủ thể liên kết.

Theo lý giải của ông Hùng, DN phân phối, chủ thể bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nông dân, là người quyết định sản xuất gì, cho ai, đối tượng nào.

"Tuy nhiên, hiện nay, các DN phân phối lại muốn bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nhưng nhà sản xuất chưa biết tiêu chuẩn hữu cơ ra sao, mức độ và yêu cầu như thế nào, DN cần mẫu mã, bao bì sản phẩm như thế nào? Vì vậy, chúng tôi là nhà sản xuất rất muốn được là mắt xích, liên kết vùng nhưng chưa có cơ hội giao lưu với những chủ thể đầu ra. Muốn gặp được chúng tôi phải làm thế nào, phải tự tìm đến hay cơ quan quản lý chủ trì tạo ra sân chơi để chúng tôi tiếp cận thông tin và chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn", ông Hùng trăn trở.

Ngoài ra, việc hoạch định chính sách rất quan trọng. Tất cả chính sách có phù hợp, đúng và trúng hay không thì phải thông qua các mắt xích để có các quy định phù hợp.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, giờ là thời kỳ phải sản xuất gia tăng giá trị, bảo đảm chất lượng sản phẩm. DN sản xuất cần phải xác định trước là tiếp cận thị phần nào, xuất khẩu đi đến đâu. Đồng thời phải đặt vấn đề trong bối cảnh chuỗi trong nước đến đâu, chuỗi giá trị toàn cầu ra sao khi an ninh lương thực thế giới cũng đang đối mặt thách thức.

Vụ Thị trường trong nước đã tiếp cận, tham mưu cho cấp Chính phủ trong quá trình xây dựng chính sách cho hàng Việt vào hệ thống siêu thị và đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, Vụ Thị trường trong nước đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình sản phẩm OCOP… tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam, bảo đảm thông qua chuỗi liên kết đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, bản chất cuối cùng là gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm