Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp quy mô lớn phía Nam đang rất cần hỗ trợ

DNVN - Khả năng chống chịu của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN phía Nam, ngày càng cạn kiệt do chuỗi sản xuất cung ứng đứt gãy bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Các DN tại những địa phương có quy mô công nghiệp lớn rất cần được nhanh chóng hỗ trợ để sớm hoạt động trở lại.

COVID-19 làm con đường khởi nghiệp sáng tạo càng thêm chông gai / Gỡ khó kinh doanh hậu COVID-19: Cần "cấp cứu" dòng tiền cho doanh nghiệp

Trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội Quý III và 9 tháng đầu năm 2021 do Tổng cục thống kê tổ chức ngày 29/9, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp - Xây dựng đã thông tin với báo chí. Theo ông Thúy, trong gần 2 năm đối mặt với dịch COVId-19, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và kết quả điều tra, đến nay sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN) đã gần cạn kiệt. Chưa năm nào tỷ lệ DN thành lập mới thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ DN phải ngừng sản xuất và giải thể như năm nay. Rõ ràng DN đang gặp rất nhiều khó khăn.
Có đến 94,3% DN gặp khó khăn nặng nề do dịch, trong đó tỷ lệ này của các DN tại 19 tỉnh, thành phía Nam là 98%. Đặc biệt, Đông Nam Bộ có tới 99,1% và Đồng bằng Sông Cửu Long với 98% DN gặp khó khăn.
"Với khó khăn lớn như vậy, việc đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng là chắc chắn xảy ra", ông Thúy nhấn mạnh.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp Quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi ngành công nghiệp hiện nay vẫn là điểm sáng và đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng đạt mức tăng trưởng rất thấp.

Doanh nghiệp khó khăn nặng nề do đứt gãy chuỗi cung ứng. (Ảnh: HSG)
Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp - Xây dựng, cũng vì đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng nên tăng trưởng 9 tháng năm 2021 của ngành công nghiệp rất thấp, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nhất là Đông Nam Bộ tăng trưởng rất thấp.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh giảm 13% trong 9 tháng đầu năm 2021 và giảm 47,1% trong Quý III/201. Bến Tre có mức giảm lần lượt là 11,2% và 44,8%, Cần Thơ là 9,8% và 41,9 %, Vĩnh Long là 4,5% và 36,8%. Trong khi đó, Đồng Tháp và Đồng Nai cùng có mức tăng 9,9% trong tháng 9 tháng năm 2021; còn trong Quý III mức giảm của hai tỉnh lần lượt là 5,6% và 5,3%.
Rõ ràng đợt dịch 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp và kinh tế của hầu hết các địa phương. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và nền kinh tế của tất cả các địa phương đều suy giảm. Khả năng rất cao là gần như tất cả các tỉnh, thành không hoàn thành mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế của cả năm 2021. Do đó sẽ ảnh hưởng đến hoàn thành mục tiêu kinh tế của cả nước trong năm nay.
Đánh giá thêm về tình hình đứt gãy chuỗi sản xuất, xuất khẩu của các ngành, ông Thúy dẫn kết quả khảo sát nhanh 6.600 doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp trong tháng 9 của Tổng cục thống kê. Theo đó, có tới 95% DN hoạt động trong ngành công nghiệp gặp khó khăn, trong đó 80% DN phải tăng chi phí đầu vào do dịch, 54,2% DN tăng chi phí do giá vật liệu tăng, 49,5% DN tăng chi phí về logistics, 40,8% DN thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, 33,4% DN thiếu lao động.
Riêng số lượng tỷ lệ DN thiếu vốn đến nay chỉ là 26,8%. Với tỷ lệ này, ông Thúy cho rằng, đây chưa phải là con số chính xác, chưa phản ánh thực tế bởi hiện ngoài các DN đã phá sản, giải thể, số DN còn lại có nhiều DN đang ngấp ngoải và gần như đình trệ sản xuất. Do đó, năng lực sản xuất rất hạn chế. Tuy nhiên, tỷ lệ 26,8% DN có nhu cầu vay vốn là tỷ lệ rất thấp bởi vì DN đã đứt gãy sản xuất, vay vốn bây giờ cũng không hoạt động được. Trong khi đó tỷ lệ vay vốn của các DN trong những năm không có dịch phải là 60 - 70%. Ngoài ra, có tới 86,7% doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm do giá nguyên vật liệu tăng.
Với những số liệu trên cho thấy khả năng chống chịu của DN ngày càng cạn kiệt. Các DN thuộc tâm dịch phía Nam, trong đó điển hình là TP Hồ Chí Minh đang gặp rất nhiều khó khăn do chuỗi sản xuất cung ứng đứt gãy vì phải chống chịu với dịch bệnh.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là đứt gãy chuỗi sản xuất do phải phòng chống dịch, thiếu lao động trầm trọng, chi phí sản xuất cao, chi phí logistics tăng rất cao trong khi hoạt động vận tải, logistics đóng băng, DN sản xuất được cũng không vận chuyển và tiêu thụ được.
Ông Thúy cho rằng, trước những khó khăn hiện nay, giải pháp cần thực hiện là nới lỏng dần khi dịch bệnh dần được khống chế để bảo đảm DN thuận lợi hơn trong nối lại chuỗi sản xuất cung ứng trong thời gian tới. Trong đó, biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh dập dịch càng sớm càng tốt, tiếp tục các gói hỗ trợ cho DN phục hồi kinh doanh, giãn - giảm thuế, giảm lãi suất, hỗ trợ người lao động thất nghiệp. Thực hiện giãn cách ưu tiên cho các DN có nhiều lao động ở phía Nam để họ phục hồi nhanh nhất có thể.
"Hoạt động công nghiệp đóng góp tích cực nhất cho nền kinh tế. Trong khi đó, dịch bệnh đã kéo dài 1 năm 9 tháng qua và khả năng sẽ kéo dài hết cả năm nay. Do đó, các DN tại những tỉnh, thành có quy mô công nghiệp lớn ở phía Nam rất cần được hỗ trợ nhanh chóng để sớm trở lại hoạt động", ông Thúy kiến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm