Doanh nghiệp tư nhân không muốn là đối tượng của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
DNVN - 8 hiệp hội vừa có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cùng một số bộ về việc kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nâng cao kỹ năng số cho doanh nghiệp nhỏ / Cần Thơ: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được lấy ý kiến tại Quốc hội và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 20/10 tới. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật này là quy định việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động.
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, 8 hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cùng 5 Bộ (Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch & Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).
8 hiệp hội doanh nghiệp gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xác Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy.
Các hiệp hội này cho rằng, doanh nghiệp (DN) là đối tượng chịu tác động lớn của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, đến nay, cộng đồng DN chưa nhận được bất cứ thông tin đề nghị, yêu cầu tham gia đóng góp ý kiến cũng như có các buổi họp, hội thảo giải thích, lấy ý kiến chính thức về dự thảo luật.
Theo các hiệp hội, việc áp dụng Luật Thực hiện dân chủ cơ sở sẽ gây nhiều khó khăn cho DN tư nhân.
Với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích của các DN thành viên, các hiệp hội đề nghị các cơ quan liên quan gửi bản dự thảo mới nhất, đồng thời tổ chức buổi giải thích, lấy ý kiến xây dựng Luật từ cộng đồng DN để DN được đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng, hoàn thiện luật.
Về quy định áp dụng Luật Thực hiện dân chủ cơ sở cho DN tư nhân, theo 8 hiệp hội, quy định này sẽ gây rất nhiều khó khăn và chưa phù hợp, cần phải bỏ DN tư nhân là đối tượng của luật.
Lý do được các hiệp hội đưa ra là cơ cấu vận hành của DN tư nhân khác hoàn toàn với DN nhà nước. Cụ thể, DN tư nhân tự đầu tư để gây dựng DN bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Vì vậy DN tư nhân có quyền quyết định trong việc quản trị DN mà không cần phải hỏi ý kiến người lao động.
Hiện nay, DN đang thực hiện quy chế dân chủ rất tốt theo Luật Lao động, Luật Công đoàn. Chưa có điều tra, khảo sát DN, người lao động, công đoàn để nói lên việc DN thực hiện không tốt theo quy định pháp luật, chưa có dân chủ trong DN để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Việc thêm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ gây ra sự chồng chéo, trùng lặp.
DN đã có công đoàn - tổ chức đại diện người lao động để đại diện cho người lao động, Công đoàn được trao nhiệm vụ trách nhiệm như được quy định trong Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn và các Nghị định liên quan. Đồng thời DN có quỹ công đoàn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy tổ chức công đoàn phải phát huy hiệu quả việc thực hiện dân chủ trong DN trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Không thể phát sinh thêm 1 tổ chức mới là thanh tra nhân dân hoạt động chồng chéo nữa gây tốn chi phí, tốn nhân lực cho công đoàn và DN.
Việc cung cấp và công khai hết toàn bộ thông tin của DN, đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị DN như tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình hoạt động, thang lương, bảng lương... cho toàn thể người lao động, công đoàn, ban thanh tra nhân dân là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của DN theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.
Việc trao quyền cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến cho người lao động dễ dàng phát sinh ra yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ DN.
Đa số các DN đang thực hiện theo đúng luật và chăm lo cho người lao động rất tốt. Không chỉ vì 1 vài DN thực hiện không tốt mà áp dụng chung Luật này cho toàn thể DN.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo