Hỗ trợ doanh nghiệp

Lo ngại việc lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp

DNVN - VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số cơ quan Nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách tiếp cận doanh nghiệp nhưng không gọi là thanh tra, mà gọi là kiểm tra.

Lâm Đồng: Chi hội Doanh nghiệp Lâm Hà kỷ niệm 5 năm thành lập với nhiều kỳ vọng mới / Kiến nghị Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa trả lời công văn số 1113/UBPL15 ngày 16/9/2022 của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về việc lấy ý kiến Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Phúc đáp của VCCI có sự tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia.
Theo VCCI, Luật Thanh tra hiện nay đã có nhiều quy định tương đối chặt chẽ về thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục giúp hoạt động thanh tra trở nên minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đối tượng bị thanh tra. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số cơ quan Nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách tiếp cận doanh nghiệp nhưng không gọi là thanh tra, mà gọi là kiểm tra.
Hoạt động kiểm tra này hiện đang không có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng rất cao. Ví dụ, nhiều trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định cơ quan quản lý chuyên môn có quyền kiểm tra doanh nghiệp, nhưng không có quy định cụ thể về kế hoạch kiểm tra, thời hạn kiểm tra, căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra, đoàn kiểm tra, thủ tục thực hiện kiểm tra,… Như vậy, đây mới chỉ có quy định trao quyền chứ chưa có quy định kiểm soát quyền lực.

VCCI kiến nghị cần có những nguyên tắc tối thiểu làm định hướng để xây dựng các quy định về kiểm tra tại pháp luật chuyên ngành.
Dự thảo luật có đề cập đến hoạt động kiểm tra với hai nguyên tắc cơ bản là tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, đồng thời để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra. Quy định như vậy vẫn sẽ không giải quyết được vấn đề lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp như đề cập ở trên.
"Chúng tôi cũng hiểu rằng, hoạt động kiểm tra vốn rất đa dạng và việc để pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể là hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần có những nguyên tắc tối thiểu làm định hướng để xây dựng các quy định về kiểm tra tại pháp luật chuyên ngành", VCCI nêu.
Điều này đã được làm tương tự với việc kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, quy định cụ thể về từng thủ tục hành chính thì vẫn do pháp luật chuyên ngành, nhưng Nghị định về kiểm soát thủ tục hành chính đặt ra những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng và ban hành các quy định thủ tục hành chính. Đây là cơ sở để chấn chỉnh các quy định còn thiếu minh bạch tại pháp luật chuyên ngành. Nhờ có các quy định nguyên tắc như vậy nên cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra và thực hiện hoạt động kiểm tra.
Cụ thể, khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trao quyền kiểm tra cho các cơ quan Nhà nước thì cần có tiêu chuẩn tối thiểu của các quy định đó. Khi thực hiện việc kiểm tra thì phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau, trừ khi pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Cũng theo VCCI, một trong những lý do khiến cho việc thanh tra hiện nay còn chồng chéo, chưa thực sự minh bạch là vì chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung công khai về hoạt động thanh tra. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu triển khai một cổng thông tin điện tử về hoạt động thanh tra do Thanh tra Chính phủ quản lý, và bổ sung quy định vào trong Luật Thanh tra làm cơ sở cho việc triển khai.
Cụ thể, mỗi cơ quan nhà nước có quyền thanh tra sẽ được Thanh tra Chính phủ cấp tài khoản để chủ động đăng tải thông tin. Các cơ quan nhà nước khi ban hành Kế hoạch thanh tra định kỳ thì cần đăng tải công khai Kế hoạch trên cổng thông tin này. Các cơ quan Nhà nước khi ban hành Quyết định thanh tra cũng cần đăng tải công khai trên cổng thông tin.
Việc xây dựng một Cổng thông tin về hoạt động thanh tra như vậy sẽ mang lại nhiều ích lợi. Theo đó, việc đăng tải thông tin trên cổng có thể thay thế cho các quy định về công bố công khai khác trong dự thảo. Việc tập trung toàn bộ các cuộc thanh tra trên một cơ sở dữ liệu sẽ giúp bảo đảm loại bỏ toàn bộ chồng chéo, trùng lặp giữa các cuộc thanh tra. Đồng thời minh bạch hoá và tạo điều kiện để xã hội giám sát hoạt động thanh tra, bảo vệ quyền lợi của cả đối tượng thanh tra và các bên khác có liên quan, ngăn chặn tình trạng lạm dụng thanh tra để nhũng nhiễu.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm