Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi EVFTA sau cú sốc Covid-19

DNVN - Khi Việt Nam ký kết EVFTA với EU có nghĩa là chúng ta đã ra biển lớn với một cuộc chơi mới trong khi cộng đồng doanh nghiệp (DN) vừa trải qua dịch Covid-19. Vậy làm thế nào để sau cú sốc Covid-9, DN vẫn vững vàng lướt sóng vượt qua khó khăn, tận dụng được cơ hội mà hiệp định EVFTA mang lại để đi tới chân trời mới, đạt được thành tựu mới?

Hỗ trợ cộng đồng DNNVV nhận thức thực sự đầy đủ về EVFTA / "Chính phủ và các bộ, ngành sẽ đồng hành cùng DNNVV trong sân chơi thương mại EVFTA"

Đây là nội dung chính được lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như đại diện các vụ, cục, tổng cục thuộc hai bộ Công Thương và Tài chính đưa ra bàn thảo tại Hội nghị "Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19?" diễn ra sáng 29/6. Sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp (DN).
DN Việt Nam trong cuộc chơi mới
Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - người trực tiếp tham gia đàm phán hiệp định EVFTA đã nhấn mạnh cơ hội nhìn thấy được từ EVFTA mang lại cho Việt Nam trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vẫn đang căng mình chống lại đại dịch Covid-19.
"Khi Việt Nam ký kết EVFTA với EU có nghĩa là chúng ta ra biển lớn. Tuy nhiên, cần chú ý rằng khi chúng ta gia nhập tổ chức thương mại thế giới thì cách chơi của thế giới đã thay đổi và 1 trong những xu hướng quan trọng là chuyển đổi sang hợp tác với nhau thông qua các hiệp định song phương, với tiêu chuẩn cao. Việt Nam là một trong những nước đi đầu đón xu hướng này", ông Lương Hoàng Thái nói.
Theo ông Thái, một mặt chúng ta thay đổi cách đổi cách chơi bởi ngày xưa khi gia nhập WTO ta là người đi sau thì nay với xu hướng đó ta là một trong những người tham gia đầu tiên. Khi tham gia đầu tiên thì dự kiến cơ hội nhiều hơn nhưng thách thức cũng không ít. Do đó, EVFTA được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví như tuyến đường cao tốc kết nối với EU.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị "Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19?" sáng 29/6.
"Với con đường cao tốc mới này, chúng tôi hi vọng các DN sẽ chủ động tham gia và tận dụng được tối đa cơ hội, vượt qua những thách thức. Khi ra đường cao tốc, nếu không trang bị tốt thì khả năng tai nạn có khi còn cao hơn. Cộng đồng DN cần chuẩn bị tâm thế tốt nhất khi tham gia cuộc chơi mới," ông Thái khuyến nghị.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Theo Ủy ban châu Âu, GDP của châu lục này sẽ giảm 7,4%, và đến cuối 2021 mới phục hồi và sự phục hồi cũng không thể bằng giai đoạn trước đây là 6,1%. Thương mại dự kiến sẽ giảm 10%. Trong tháng 4/2020, NK của châu Âu giảm hơn 20%, tổng lượng NK trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm 9%.
Đối với Việt Nam, XK sang châu Âu cũng bị ảnh hưởng và giảm hơn 9,68, mức giảm này tương đương mức giảm cung cầu từ thị trường châu Âu. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tạ Hoàng Linh, 1 số nước làm tốt hơn Việt Nam, ví dụ Trung Quốc chỉ giảm 1,8 - 1,9%, Hàn Quốc giảm 3,8%. Những quốc gia này thích nghi tốt, bản thân DN của có năng lực cạnh tranh nhất định.
"Nhưng cũng cần phải nói là con số 9% mà Việt Nam đạt được tốt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng lần trước khi mà GDP của EU chỉ giảm 4,5%, nhưng XK của ta giảm 13,5%. Điều này chứng tỏ DN đã có năng lực cạnh tranh nhất định. Nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội này thì đây cũng là thời điểm Việt Nam có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác, như Trung Quốc không thể cạnh tranh với Việt Nam về thuế nhưng họ có thể cạnh tranh bằng những cái khác", ông Tạ Hoàng Linh phân tích.
Ông Linh cho biết thêm, nếu chúng ta quay lai xem những gì EU đang làm thì thấy không phải chỉ có EU đàm phán với Việt Nam mà họ còn đàm phán với các nước khác. Indonesia vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 10 vào tuần trước và một số nước chủ động đàm phán trực tuyến với EU.
"Đây là cuộc chơi mới nói như cách nói của ông Lương Hoàng Thái, theo đó các nước rất tích cực, chủ động làm thế nào chiếm được thị trường EU lên đến 2.000 tỷ USD về nhu cầu nhập khẩu. Chúng ta có tận dụng được hiệp định này hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố", ông Linh nhận định.
Sự quan tâm của DN đối với EVFTA chưa nhiều
Đánh giá về sự quan tâm của cộng đồng DN đối với EVFTA, cả Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đều cho rằng, sự quan tâm của DN thực tế còn chưa nhiều.
Theo Thứ trưởng Khánh, hiện Vụ Chính sách thương mại đa biên đã đăng tải các nội dung của Hiệp định EVFTA, trong đó có một mục là hỏi đáp. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này hiệp định đã kết thúc đàm phán 5 năm rồi nhưng vẫn chưa có câu hỏi nào.
"Sự quan tâm của doanh nghiệp đối với hiệp định là tương đối ít. Điều này cũng dễ hiểu vì 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số còn lại là hoạt động trong những lĩnh vực nội địa như xây dựng, sản xuất... Trong số 50% doanh nghiệp xuất nhập khẩu này chủ yếu là bán FOB và mua CNF tức là ngồi ở Việt Nam, chờ khách hàng đến mua mà không cần biết khách hàng ấy là ai. Chỉ những người nào trực tiếp trả thuế nhập khẩu bên châu Âu thì mới quan tâm", Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu.
Trong khi đó, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, những câu hỏi mà DN gửi đến Vụ Chính sách thương mại đa biên yêu cầu giải đáp đều chung chung, chưa cụ thể, và thậm chí không liên quan đến FTA.
Về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp tham dự hội nghị cho rằng giấy chứng nhận xuất xứ CO là mảng khó khăn, vất vả nhất của DN khi xuất khẩu. Thậm chí, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam còn "diễn giải" từ CO như hai từ "con ốm" để nói về mức độ khó khăn của DN.
"Chúng tôi muốn có CO điện tử để rút ngắn thời gian. CO chẳng khác nào là con ốm. Con ốm thì bố mẹ sợ. Không lấy được CO thì không có tiền, mà không có tiền không chữa bệnh cho con được", ông Nguyễn Tương chia sẻ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu, đối với các "từ khóa" mà các DN nêu, cần nêu thêm từ "quan trọng". CO là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. DN muốn được hưởng ưu đãi thuế quan phải đáp ứng được các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa.
Ông Mai Xuân Thành – Phó Cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết, với những vướng mắc liên quan đến C/O, cơ quan Hải quan sẵn sàng phối hợp đầu mối với Bộ Công Thương, VCCI để rút ngắn thời gian cấp C/O cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xin cấp C/O cần tuân thủ đầy đủ quy định và minh bạch.
Đưa ra những khuyến nghị khác cho DN, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, ngoài việc phối hợp và kết nối chặt chẽ với cơ quan đầu mối, DN cần thay đổi tư duy để đáp ứng tốt với những yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, cộng đồng DN cũng đừng quên còn hiệp định CPTPP và dư địa còn rất lớn, để cơ hội mà Chính phủ mang về được tận dụng tối đa và hiệu quả nhất.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, để hiện thức hóa các cơ hội cũng như hóa giải những thách thức từ EVFTA, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị. Về phía Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của hiệp định mà của cả thị trường EU...
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm