Hỗ trợ doanh nghiệp

EVFTA: Bộ Công Thương sẽ hợp tác thường xuyên hơn với VINASME để hỗ trợ SME

DNVN - Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác thường xuyên hơn với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) trong hàng loạt lĩnh vực từ phát triển, mở cửa thị trường cho đến XTTM, xây dựng thương hiệu và thậm chí cả phòng vệ thương mại để hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng DNNVV trong bối cảnh EVFTA sắp có hiệu lực.

VINASME và EuroCham tìm giải pháp hỗ trợ DN Việt Nam tận dụng cơ hội từ EVFTA / Doanh nghiệp làng nghề trước cơ hội từ Hiệp định EVFTA

Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” do Bộ Công Thương phối hợp với VINASME tổ chức mới đây.
Tại hội nghị quy mô lớn diễn ra theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu ở 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME cho rằng, để các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý, thực thi một cách hiệu quả Hiệp định EVFTA, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đề xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng để phù hợp với các quy định của hiệp định này. Bên cạnh đó cần tăng nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các SME tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất cho vay ưu đãi để triển khai các dự án EVFTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (trái) và Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân nghe đề xuất từ cộng đồng SME.
Đại diện cộng đồng DNNVV tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh, 1 chủ doanh nghiệp XK hàng thủ công mỹ nghệ cho biết, mục tiêu xây dựng các ngành CN hỗ trợ để hỗ trợ cho các ngành CN XK thực sự là điều cần thiết. Dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã gây ra sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, và điều này đem lại thiệt hại cho DN XK Việt Nam. Đứng trước yêu cầu của EU, tỷ trọng sản phẩm nội địa phải đáp ứng được yêu cầu của EU. Đây là điều rất thiết thực để có thể phát huy nội lực và có được lợi ích tiềm năng.
Trong khi đó, đại diện HH DNNVV Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến kinh tế tư nhân, biến khu vực này thành động lực chính để hiện đại hóa nền kinh tế, bởi theo vị này khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Đa số DN tư nhân là các DN nhỏ, siêu nhỏ, thậm chí tỷ trọng các DN siêu nhỏ đã thăng bằng trong những năm gần đây. Do quy mô vốn nhỏ, nhân sự hạn chế, nguồn lực tài chính yếu kém nên năng lực cạnh tranh của các DN tư nhân thường thấp hơn so với các DN Nhà nước và các DN FDI.
Ngoài ra, Chính phủ và các bộ ngành cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN, hiệp hội DN tư vấn hỗ trợ DN, nhất là các SME trong việc tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ trong tình hình mới. Khi ban hành chính cơ chế chính sách trong lĩnh vực kinh tế và DN, Chính phủ cố gắng rút ngắn độ trễ tại các văn bản, thông tư hướng dẫn để DN nhanh chóng nắm bắt, tránh tuột mất cơ hội kinh doanh.
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, những ý tại sự kiện sẽ giúp bổ sung vào nội dung cho Chương trình hành động của chính phủ, cũng như Chương trình hành động của Bộ Công Thương, đặc biệt là những kinh nghiệm, yêu cầu đặt ra trong quá trình triển khai tổ chức hoạt động các chương trình hành động này.
"Từ những kết quả của hội nghị hôm nay, chúng tôi sẽ xây dựng một số kế hoạch cụ thể để phối hợp với VINASME tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới. Chẳng hạn như câu chuyện về XTTM, nguồn lực và cách thức tổ chức; hay vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu để phục vụ cho điều hành hành hoạt động và cộng đồng DN; tổ chức thực thi hướng dẫn cụ thể cho một số ngành hàng mà SME có điều kiện phát triển tại EU. Chưa kể đến những vấn đề liên quan đến XTTM quốc gia, hay hỗ trợ DN mà trong hiểu biết về hiệp định này, chúng tôi sẽ bàn bạc cụ thể để phối hợp với VINASME triển khai chương trình cụ thể hướng đến SME", người đứng đầu Bộ Công Thương nói.
Theo đó, Bộ Công Thương và VINASME sẽ phối hợp làm sớm các cuốn cẩm nang hướng dẫn về tổ chức thực thi hiệp định EVFTA dưới hình thức là thông tin khái quát nhưng lại cụ thể trong từng lĩnh vực, và dưới hình thức của câu hỏi và trả lời để giúp DN nắm bắt dễ dàng những thông số, tiêu chí, yêu cầu cụ thể; nhưng đồng thời có những hướng dẫn của các cơ quan Chính phủ cung cấp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ rà soát các chương trình hành động mà các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo với Bộ Công Thương để trình lên Chính phủ, từ đó chọn lọc ra một số nhiệm vụ, công việc cần thiết để phối hợp với VINASME, cùng với các địa phương để bàn kế hoạch triển khai thực hiện. Như vậy sẽ có cơ sở, đóng góp thực tế và hiệu quả cho các SME cũng như cho quá trình thực thi EVFTA.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn, nhất là việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua những thách thức của Covid 19, Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa các chương trình hợp tác, làm việc với một số bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính... sớm có văn bản hướng dẫn tổ chức thực thi EVFTA và tái cơ cấu lại hàm lượng sản xuất để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh nguồn lực hơn nữa phối hợp với EU và các đối tác của EU để một mặt đưa hiệp định vào sớm thực hiện ngay nhằm tranh thủ thời gian. Tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho Chính phủ, các bộ, ngành nâng cao năng lực thể chế để thực thi hiệp định nhưng đồng thời có những khoản hỗ trợ cần thiết và có khả năng để hỗ trợ cho cộng đồng DN và đặc biệt là các SME như dưới hình thức cơ sở dữ liệu, hợp tác kỹ thuật để giúp DN khắc phục những điểm yếu, kể cả về quản trị DN.
"Và chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác thường xuyên hơn với VINASME cũng như với các DN trong hàng loạt lĩnh vực từ phát triển thị trường, mở cửa thị trường cho đến câu chuyện XTTM, xây dựng thương hiệu và thậm chí cả phòng vệ thương mại để xử lý những tranh chấp thương mại và tất nhiên trong đó không thể thiếu được công tác phổ biến pháp luật và nâng cao kiến thức về công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ quản trị DN của các SME cũng như DN nói chung", Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cam kết sẽ luôn luôn tinh thần cải cách và có những nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước, kể cả trong hội nhập quốc tế để thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng SME và kinh tế đất nước.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm