Doanh nghiệp Việt – Nhật giao thương, kết nối hợp tác đầu tư
Nghệ An: Yêu cầu tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp / Hơn 300 doanh nghiệp tham dự triển lãm ô tô, xe máy quốc tế tại TP Hồ Chí Minh
Với mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hai nước, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) thường xuyên hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan của Nhật Bản thực hiện các chương trình kết nối giao thương.
Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản ngày 27/5 tại Osaka, Nhật Bản là hoạt động quan trọng nhằm hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản, tạo đà cho xuất khẩu, đầu tư và chuyển giao công nghệ. Sự kiện giao thương do Bộ Công Thương Việt Nam (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka và chính quyền thành phố Osaka tổ chức.
Tại hội nghị, 28 doanh nghiệp của Việt Nam đã giới thiệu tới phía đối tác Nhật Bản rất nhiều sản phẩm như nông sản, thực phẩm (gồm tinh bột sắn, hải sản khô và đông lạnh, trà, cà phê, gia vị, nông sản tươi, bánh hạnh nhân,...); linh kiện cơ khí, điện tử, vật liệu xây dựng, các sản phẩm gia dụng, nước hoa,... để xúc tiến các cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Đông đảo doanh nghiệp tham gia giao thương tại hội nghị.
Bà Quyền Thị Thúy Hà - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka cho biết, Nhật Bản là thị trường quan trọng cho các sản phẩm nông sản Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chế biến sẵn (đặc biệt là trái cây tươi, thủy sản) sang Nhật Bản có xu hướng tăng mạnh nhờ vào các thỏa thuận mở cửa thị trường và các cải tiến chất lượng sản phẩm dần dần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao của Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang hợp tác để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như chăn nuôi, thủy sản, và sản xuất nông sản hữu cơ. Các công ty Nhật Bản cũng đang cung cấp các công nghệ tiên tiến trong quản lý chất lượng và bảo quản nông sản.
Ông Bùi Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Bùi Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại.
Theo ông Hưng, hiện nay, hai nước đang là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Theo đó, tạo rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa hai quốc gia.
Đặc biệt, năm 2025, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, như căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng của Mỹ đang có những tác động ban đầu đối với sự chuyển dịch dòng vốn FDI và cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Theo số thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản đạt 46,2 tỷ USD, tăng 2,77% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,55% so với năm 2023. Cơ cấu hàng hóa của hai nước chúng ta mang tính bổ sung, không cạnh tranh.
4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 8,5 tỷ tăng 12%; nhập khẩu đạt 7,9 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo