Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất khẩu hàng đông lạnh "quay cuồng" do cước phí tăng phi mã

DNVN - Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, khó khăn của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng đông lạnh liên quan tới logistics được gói gọn trong "5T": cước tăng, phí tăng, thời gian vận chuyển hàng hóa trên biển tăng, thời gian đặt container và trì hoãn gia tăng, các loại phí phát sinh ngày càng tăng.

Tìm cách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ phát triển thương mại số / Tập đoàn F.I.T đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng kết hợp sân gofl tại Đắk Nông

Doanh nghiệp chịu áp lực lớn từ "5T"
Tại Diễn đàn "Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực Châu Âu - Châu Mỹ" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 17/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng trung bình 14 - 16% mỗi năm, đóng góp vào GDP khoảng 4 - 5%. Đến nay, cả nước có khoảng 30.000 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có khoảng 5.000 DN chuyên nghiệp.
Sự phát triển của ngành logistics Việt Nam gắn liền với nhưng thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các FTA. Từ đó, mang tới nhiều cơ hội cho cộng đồng DN Việt Nam nói chung và các DN logistics nói riêng. Với việc các FTA thế hệ mới đã và đang đi vào hiệu lực, các DN Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tăng cường trao đổi thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khu vực Âu - Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngành logistics đối mặt với nhiều thách thức.
"Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể có phần khởi sắc, ngành logistics Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề chi phí dịch vụ, ùn tắc trên các tuyến vận tải container và tình trạng thiếu container rỗng tiếp nối từ năm 2020. Những thách thức này vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu Việt Nam khi rủi ro dịch bệnh bùng phát vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn tại nhiều nơi trên thế giới", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.
Đánh giá vai trò của ngành logistics, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ngành logistics có vai trò huyết mạch đối với nền kinh tế. Nếu huyết mạch không thông, không chảy mạnh mẽ thì sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, một trong những thách thức lớn nhất của ngành logistics là giá cước vận tải.
"Không thể hình dung nổi giá cước container đi từ Châu Á sang Tây Hoa Kỳ, cảng Long Beach có giá 5.000 USD, chưa kể có thời điểm lên đến 10.000 USD. Trong khi đó, hơn 1 năm trước, giá xấp xỉ dưới 2.000 USD. Đây chỉ một ví dụ minh họa. Còn rất nhiều thay đổi, hệ lụy do COVID-19 tác động đến cộng đồng DN và ngành logistics", ông Hải nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, Châu Âu và Châu Mỹ là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, chiếm 38% thị phần Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Đây cũng là 2 khu vực thị trường mà ngành thủy sản có những đối tác lớn.
Trong suốt 1 năm qua, cộng đồng DN thủy sản liên tục phản ánh lên hiệp hội, các cơ quan chức năng và từ đó đến nay đã có nhiều diễn đàn, cuộc họp về tăng cước, tăng phí, không book được container và tình trạng tắc nghẽn vận tải.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP, doanh nghiệp thủy sản đông lạnh chịu áp lực lớn từ "5T".
"Những ngành hàng khô đã khổ, nhưng ngành đông lạnh còn đau khổ hơn rất nhiều. DN nhỏ càng khổ nữa bởi không có chân đặt được container để xuất khẩu hàng hóa. Khó khăn trong hoạt động logistics, cụ thể vận tải xuất khẩu và nhập khẩu, với các DN hàng đông lạnh được gói gọn trong 5T: cước tăng, phí tăng, thời gian vận chuyển hàng hóa trên biển tăng, thời gian book container và trì hoãn gia tăng, tự "đẻ" ra các loại phí ngày càng tăng. Những khó khăn này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN Việt", ông Nam bày tỏ.
Về cước tăng, trước tháng 11/2020, hầu hết giá cước vận tải đi hai thị trường Âu - Mỹ cao nhất là 3.500 USD. Hiện hàng từ Việt Nam sang Bờ Đông là 17.000 USD. Châu Âu có mức cước trung bình 12.000 - 14.000 USD tùy cảng chính hay phụ. Trong khi đó, hàng hóa sang Trung Đông hầu hết rơi vào khoảng 10.000 - 11.000 USD.
"Với việc giá cước tăng 5 - 7 lần so với trước đây đã tạo áp lực rất lớn cho DN xuất khẩu trong khi phải giao hàng cho khách hàng theo đúng điều khoản hợp đồng", ông Nam nói.
Trong khi đó, việc gia tăng các loại phí gồm: phí nguyên liệu sạch, phí cân bằng container, phí vệ sinh, phí kẹt cảng... khiến giá thành sản phẩm tăng cao.
Về thời gian vận chuyển, trước đây đưa hàng sang Âu - Mỹ thông thường tối đa là 30 - 35 ngày, nhưng giờ tăng thêm 7 - 10 ngày. Có những đơn hàng phải trễ đến 2 - 3 tháng khách hàng mới nhận được.
"Song, điều khủng khiếp nhất với DN thủy sản là tình trạng các hãng tàu bị kẹt cảng, thiếu container rỗng, việc trì hoãn ngày càng khiếp. Book container đã khó nhưng việc delay đến 20 ngày mà vẫn chưa chắc chắn thì thực sự tạo áp lực rất lớn cho DN", ông Nam phản ánh.
Mối quan ngại khác được ông Nam đưa ra là việc tự "đẻ" ra đến gần chục loại phí ngoài phí lưu container như trước đây. Cộng đồng DN thủy sản lo ngại một ngày nào đó sẽ loại phí gắn với COVID-19.
Doanh nghiệp phải linh hoạt tìm giải pháp
Trước những khó khăn trên, tại diễn đàn, các chuyên gia đều nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics là vô cùng cấp thiết, trong đó nhấn mạnh việc phát triển vận tải đa phương thức, trong đó cần phát triển vận tải đường sắt và đường thủy nội địa.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị DN thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành logistics, đặc biệt là logistics phục vụ thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.
Cho rằng TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc, các diễn giả đã đề xuất phát triển hệ thống e-logistics để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới.

Các diễn giả đưa ra nhiều đề xuất để tháo gỡ khó khăn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, các DN thủy sản trông chờ vào liệu pháp của Chính phủ để gỡ khó cho DN trong việc tận dụng “cơ hội vàng” trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm, thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu – Mỹ.
Với DN, ông Nam cho rằng, bản thân các DN phải chủ động trong sản xuất. Nếu không chủ động trong sản xuất DN sẽ "khóc ròng". DN không thể có những khó lạnh vô cùng lớn để trữ hàng. Khi DN sản xuất mà không book được container thì hàng phải nằm ở kho. Nếu hàng nằm chờ dài ngày ở kho thì sản xuất bị ngưng trệ.
"Chúng tôi khuyến nghị DN chủ động trong sản xuất, tìm ra giải pháp phù hợp trong khả năng của mình. Ngoài ra, DN nên cố gắng ký hợp đồng với các đối tác vận tải lớn để họ có thể sắp xếp khi xếp hàng chen chân trong bối cảnh khó khăn hiện nay", ông Nam đề xuất.
Đồng tình với ông Nam về lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam không cao, bà Tracy Đào - Giám đốc Thương mại Công ty CP Bee Logistics cho rằng, trong bối cảnh thiếu container rỗng hiện nay các DN phải nhanh chóng thích nghi, theo đó phải book trước 1 - 2 tháng để có giá cước tốt, tránh được phát sinh do tác động của dịch bệnh hay các thị trường khác mạng lại.
Ngoài ra, DN phải tìm ra những giải pháp tốt hơn ngoài logistics truyền thống. Theo đó, phải chủ động book các dịch vụ, chuyển hàng đến các Hub, không trông chờ phải sự sắp xếp của các hãng tàu...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm