Hỗ trợ doanh nghiệp

Tìm cách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ phát triển thương mại số

DNVN - Kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ dự kiến đạt 100 tỷ USD trong năm nay. Để tạo ra chu kỳ phát triển mới, việc ứng dụng kỹ thuật số và nền tảng số là yếu tố quyết định nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Để đạt được mục tiêu, hai nước cần tham vấn để tìm biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hai bên.

Đà Nẵng: Quảng bá hàng Việt kết hợp kích cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 / Hơn 45% doanh nghiệp phải trả lương cao hơn để giữ chân lao động

Tiềm năng phát triển kinh tế số
Thông tin này đã được các diễn giả nhấn mạnh tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2021 diễn ra mới đây. Ông Sarthak Luthra - Tổng Thư Ký Liên minh Internet Châu Á (AIC) khẳng định, sử dụng các nền tảng số trong thương mại là xu thế toàn cầu. Quan hệ thương mại Việt - Mỹ cũng không ngoại lệ.
Nền tảng số và chuyển đổi số trong nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng với cả Chính phủ và DN. Theo báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, ước tính tốc độ tăng trưởng của kinh tế số đối với thương mại toàn cầu có thể đóng góp thêm cho tốc độ tăng trưởng khoảng 2,1%.
Ông Sarthak Luthra đánh giá, thời gian vừa qua, tốc độ tăng trưởng về ngành công nghệ số, công nghệ thông tin nói chung ở Việt Nam rất cao. Hai nước cũng đã hợp tác trong một số lĩnh vực như số hóa thuế, an ninh mạng, thương mại điện tử (TMĐT), tiêu dùng và thanh toán điện tử...

Ông Sarthak Luthra - Tổng Thư Ký Liên minh Internet Châu Á (AIC) phát biểu tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ.
"Về cơ bản, Chính phủ và DN Việt Nam đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế số. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển nền kinh tế số", ông Sarthak Luthra đánh giá.
Đó là các chính sách và khung chính sách tạo thuận lợi của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam cam kết cao hỗ trợ phát triển kinh tế số. Theo đó, đã đưa ra chương trình chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, có những nội dung lớn như thúc đẩy 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và thiết lập các DN công nghệ số có năng lực toàn cầu.
Phát triển kinh tế số trở thành mục tiêu chính của Việt Nam. Kinh tế số của Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Việt Nam cũng đã phát triển kế hoạch tổng thể về TMĐT giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đặt mục tiêu 55% dân số sẽ tham gia vào mua sắm trực tuyến, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong hơn 50% các hoạt động về thương mại số.
"Xu thế hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, mua sắm trực tuyến gia tăng, các hoạt động trực tuyến, kinh tế số và nền kinh tế tăng trưởng rất mạnh. Việt Nam cũng tận dụng được cơ hội chuyển đổi số từ các nền kinh tế phát triển lân cận. Kinh tế số làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm của con người. Mọi thứ đã chuyển đổi rất mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng Thư Ký AIC cho biết.
Cùng quan điểm, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, COVID đã mang lại những bước chuyển sâu sắc, là cú huých chưa từng có trong tiền lệ đối với thương mại số, dịch vụ số. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các DN phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, đặt ra nhu cầu cho người tiêu dùng phải thay đổi hành vi. Qua đó, đặt ra yêu cầu cho cả cơ quan quản lý Nhà nước phải thích ứng trước những đòi hỏi về cách thức quản lý mới với mô hình kinh doanh mới. Từ đó, bảo đảm sự vận hành của hoạt động thương mại, kinh doanh trước những yêu cầu đặc thù do COVID-19 đưa lại.
Vai trò của Mỹ
Đánh giá cao vai trò của DN Mỹ trong nền thương mại số của Việt Nam, bà Lại Việt Anh cho biết, việc sử dụng các công cụ, dịch vụ số để phục vụ hoạt động kinh doanh, vài trò của các DN Mỹ là rất lớn. 87% DN hiện đang sử dụng facebook, Google, Youtube, Skype, viber, Email, Whatsapp để thực hiện các quy trình giao tiếp, hoạt động điều hành nội bộ DN. Qua đó, DN thực hiện các giao dịch tiếp thị, quảng bá trực tuyến, mang sản phẩm, dịch vụ ra thị trường hiệu quả hơn.
Tiềm năng của thị trường Việt Nam mang lại cho DN Mỹ cũng không nhỏ khi 65 triệu người Việt Nam dùng facebook (đứng thứ 7 thế giới) với 60 triệu người dùng Youtube, 10 triệu người dùng Instagram. Dù chưa có số liệu chính thức nhưng một số đơn vị khảo sát cho biết, hiện Facebook và Google chiếm 80% doanh số quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam.

Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số.
Ở chiều ngược lại, vai trò của DN Mỹ đối với thương mại số và chuyển đổi số tại Việt Nam rất lớn. Họ đã và đang mang lại những nền tảng giúp các DN nhỏ và vừa Việt Nam có thể chuyển đổi số và có thể kinh doanh online. Qua đó, tạo ra thu nhập cho DN và hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận được với hàng hóa và thị trường dịch vụ rộng lớn hơn. Đây là những đóng góp không thể phủ nhận của DN Mỹ đối với thương mại số và dịch vụ số tại Việt Nam.
Trong mối tương quan quan hệ giữa DN Việt Nam và Mỹ, có một số thách thức đặt ra với cơ quan quản lý Nhà nước và DN trong hoạt động thương mại số.
"Với cơ quan Nhà nước, Việt Nam đang đối mặt với thách thức về việc điều chỉnh xây dựng pháp luật sao cho phù hợp với những mô hình kinh doanh mới chưa có tiền lệ trước đây. Việt Nam đang đối mặt với việc điều tiết và làm thế nào để hài hòa được giữa thách thức, yêu cầu đặt ra về an ninh mạng, bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng cho DN trong bối cảnh phạm vi cạnh tranh đã vượt ra ngoài biên giới. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạnh tranh. Do đó, làm sao để hỗ trợ DN có thể tận dụng công cụ, nền tảng số để phát huy tốt nhất vai trò cạnh tranh của họ là rất cần thiết "- Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số chia sẻ.
Cần sự hợp tác từ doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ
Trong bối cảnh đó, bà Lại Việt Anh bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác từ phía các DN số, các đơn vị cung cấp dịch vụ số cũng như Chính phủ Mỹ trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và DN Việt Nam trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Làm sao để Việt Nam có thể hài hòa giữa mục tiêu của cơ quan quản lý Nhà nước và bảo đảm lợi ích cộng đồng trước những yêu cầu từ hội nhập mang lại.
"Chúng tôi cũng mong muốn có sự hợp tác từ phía Mỹ trong việc đo lường nền kinh tế số. Hiện quy mô cụ thể của thương mại số và dịch vụ số giữa Việt Nam và Mỹ vẫn chưa có. Chúng tôi mong muốn có con số, số liệu, qua đó giúp cho quá trình làm chính sách hợp lý", bà Lại Việt Anh bày tỏ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng mong các DN của Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đưa những sản phẩm trí tuệ, những nội dung số do người Việt Nam sáng tạo ra tiếp cận được với các thị trường quốc tế thông qua các kênh tiếp thị, quảng cáo trực tuyến.
Và một điều rất quan trọng nữa là sự hợp tác của các DN số Mỹ trong việc thực thi các quy định pháp luật của Việt Nam khi triển khai những hoạt động thương mại số trên lãnh thổ Việt Nam. Việc thực thi pháp luật sẽ bao gồm cả góc độ DN cung cấp nền tảng của Mỹ cũng như việc phối hợp với Chính phủ Việt Nam để bảo đảm được sự tuân thủ pháp luật các đơn vị, cá nhân đang hoạt động và sử dụng những nền tảng số đó ở Việt Nam.
Ngoài ra, phía Việt Nam hi vọng nhận được sự phối hợp từ phía Mỹ với mục tiêu cùng hướng tới phát triển thị trường thương mại số tại Việt Nam trên cơ sở lành mạnh, bình đẳng, có tính cạnh tranh và mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng trong nước cũng như DN hai bên.
Trong khi đó, Tổng Thư Ký AIC đánh giá cao sự phát triển của thương mại Việt Nam - Mỹ từ con số chỉ từ hơn 400 triệu USD năm 1991 - 1992 cho đến con số 100 tỷ USD trong năm 2021.
Do vậy, để tạo ra chu kỳ phát triển mới, nền tảng mới cho bước phát triển tiếp theo của thương mại song phương, việc ứng dụng kỹ thuật số và nền tảng số là yếu tố quyết định nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là tạo ra môi trường pháp lý, quy định pháp lý cho DN, tạo thuận lợi cho DN. Các DN khi tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, họ đặc biệt quan tâm đến yếu tố cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN.
Trong phát triển kinh tế số, sự minh bạch, linh hoạt, công bằng và cởi mở là những yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra, cho phép sự di chuyển tự do đối với dòng dữ liệu, quản lý dữ liệu là những yếu tố cơ bản của TMĐT. Đây là vấn đề lâu dài, là yếu tố sống còn đối với TMĐT và là chất xúc tác đối với quá trình đổi mới sáng tạo.
"Tôi mong muốn giữa Việt Nam và Mỹ có cơ chế tham vấn để tìm ra chính sách, cách làm phù hợp với hai quốc gia", ông Sarthak Luthra đề xuất.
Về an ninh mạng, để giảm thiểu rủi ro cũng như chi phí kinh doanh, cần xây dựng luật nội địa của mỗi nước.
Đối với các DN nước ngoài, ông Sarthak Luthra kiến nghị Việt Nam giảm bớt quy định về giấy phép và tiếp tục đổi mới, cải cách hành chính. Qua đó, các công ty đi đầu về công nghệ mới thấy có cơ hội và môi trường thuận lợi để đầu tư vào Việt Nam, từ đó tạo ra nhiều giá trị mới hơn.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm