Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có Tổ phản ứng nhanh giúp dân tiêu thụ lúa gạo

DNVN - Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh. Đồng thời kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo.

Đồng Tháp: Phát huy vai trò đầu mối của Hợp tác xã trong cung ứng nông sản / Hơn 52 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, người lao động tại 3 tỉnh, thành phía Nam

Chiều 9/8, UBND tỉnh An Giang phối hợp UBND các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp kết nối tiêu thụ lúa, nếp giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

UBND tỉnh An Giang phối hợp UBND các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tổ chức cuộc họp trực tuyến

UBND tỉnh An Giang, UBND các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tại chức cuộc họp trực tuyến

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) của 4 tỉnh, thành phố trên, hiện nay, toàn vùng còn khoảng 3 triệu tấn lúa Hè Thu và Thu Đông sớm chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang.

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, đến nay, An Giang đã thu hoạch được 145.429/228.479 ha lúa Hè Thu 2021, đạt 63,65% diện tích xuống giống, ước năng suất 5,8 tấn/ha, sản lượng 843.488 tấn (nếp thu hoạch 16.096/27.617ha nếp, chiếm 54,37% diện tích xuống giống, tương đương 93.356 tấn).

Dự kiến đến đến hết tháng 8/2021, thu hoạch cơ bản dứt điểm vụ hè thu 2021 với diện tích còn lại 83.050 ha (ước sản lượng khoảng 481.690 tấn, trong đó có 66.821 tấn nếp). Hiện, giá thu mua lúa hiện nay đang có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức thấp, cụ thể, các giống lúa OM 9582, OM 5451, OM 18 giá giao động từ 4.200 - 5.000 đ/kg; IR50404 có giá từ 3.800 - 4.200 đồng/kg; nếp có giá từ 4.000 - 4.600 đồng/kg.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp, công ty thực hiện thu mua lúa với diện tích là 15.654 ha, trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết là 11.920 ha, các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện liên kết và thu mua lúa.

cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp kết nối tiêu thụ lúa, nếp giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang tại cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp kết nối tiêu thụ lúa, nếp giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19.

Còn đại diện Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo. Mặt khác, giá lúa đang thấp, nhưng giá phân bón, vật tư nông nghiệp lại tăng cao, do đó cần có kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương xem xét giảm giá bán phân bón, vật tư nông nghiệp để chia sẻ với người nông dân.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc khẳng định, Vinafood 1 sẵn sàng thu mua lúa cho nông dân thực tế, Vinafood 1 đang có đơn hàng 100.000 tấn gạo cần phải mua ngay để giao cho phía đối tác, nhưng “lực bất tòng tâm” vì chuỗi cung ứng logistics bị đứt gãy.

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà máy ở An Giang và Đồng Tháp phải tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp cũng không thuê được tàu, hoặc container để xuất hàng cho đối tác, dẫn đến hàng hóa ùn ứ ở cảng và kho rất lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, Vinafood còn tồn hơn 118.000 tấn gạo trong các kho, trữ lượng hàng tồn từ 70% đến 86% tổng diện tích kho của các công ty.

“Nếu các địa phương không sớm đưa 2 cảng Mỹ Thới và Thốt Nốt trở lại hoạt động bình thường, để giảm áp lực cho cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) thì bài toán đầu ra cho lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chưa có hồi kết”, bà Tâm nhấn mạnh.

Cũng theo bà Tâm, việc áp dụng sản xuất theo phương án “3 tại chổ” ở các nhà máy sản xuất lúa gạo là không khả thi, thay vào đó, các địa phương có thể cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương án “một cung đường, 2 điểm đến” để đảm bảo duy trì sản xuất. Đồng thời, ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy.

Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hoặc, vận chuyển lúa gạo, hàng nông sản trên địa bàn với điều kiện con người phải được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.

Theo đó, các doanh nghiệp phải cập nhập danh sách lực lượng nhân công ở các nhà máy gửi các địa phương để được cấp phép đi lại. Tỉnh sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy…).

Ngoài ra, các tỉnh, thành trên cũng thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh.

Đồng thời kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo. Cùng với đó, tỉnh An Giang và TP Cần Thơ sẽ làm việc với các cảng Mỹ Thới, cảng Thốt Nốt để có giải pháp nâng cao công suất đóng container, bốc dỡ hàng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm