Hỗ trợ doanh nghiệp

Đưa nông sản sang Iran: Tiềm năng lớn nhưng doanh nghiệp cần có phương án kinh doanh tối ưu

DNVN - Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản sang Iran nhưng các doanh nghiệp cần nắm vững thông tin cập nhật về thị trường này để có định hướng phát triển phù hợp, trong đó cần chuẩn bị phương án kinh doanh tối ưu...

An Giang hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình / Tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Iran

Tiềm năng lớn
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Iran do Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Iran (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 1/4, bà Nguyễn Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu của Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) cho biết, với dân số gần 86 triệu người, Iran là thị trường có dung lượng tiêu thụ lớn trong số các nước khu vực Trung Đông. Việt Nam và Iran có nhiều cơ hội hợp tác thương mại chưa được khai thác.
Tuy nhiên, những thông tin về thị trường Iran rất hiếm hoi và các hoạt động XTTM với thị trường này còn hạn chế. Do đó, Cục XTTM và Thương vụ Việt Nam tại Iran tổ chức phiên tư vấn này để các doanh nghiệp (DN), cơ quan và địa phương nắm được thông tin cập nhật về thị trường Iran để có định hướng phát triển thị trường phù hợp.
Theo ông Nguyễn Thành Long – Bí thư thứ Ba, Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria và Iraq), Iran sản xuất được 125 triệu tấn nông sản mỗi năm, trong đó xuất khẩu 8,8 triệu tấn. Hàng năm Iran nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD hàng nông sản. Nhu cầu nhập khẩu của Iran lớn do hạn hán, mất mùa thường xuyên. Tâm lý người tiêu dùng Iran là ưa chuộng hàng Việt Nam hơn hàng Trung Quốc. Đây là cơ hội cho hàng nông sản Việt thâm nhập thị trường Iran.

Theo ông Nguyễn Thành Long – Bí thư thứ Ba, Thương vụ Việt Nam tại Iran, có nhiều cơ hội cho nông sản Việt thâm nhập thị trường Iran.
Hiện các sản phẩm nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang Iran gồm một số sản phẩm tiêu biểu như trà, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo, hoa quả nhiệt đới, một số ít thủy sản và phần lớn là cá tra phile. Trong đó trà, cà phê, hạt tiêu, hạt điều chiếm phần lớn trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Iran.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 30 triệu USD hạt điều, 17 triệu USD cà phê, 14 triệu USD hạt tiêu và 7 triệu USD trà.
"Nếu so sánh với các đối tác thương mại khác cũng như so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam thì con số này còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu so sánh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm chỉ đạt dưới 100 triệu USD thì những mặt hàng này lại chiếm tỷ trọng rất lớn", ông Long nói.
Là người có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Iran, bà Nguyễn Thị Hiền Giang - Người sáng lập Ngôi nhà Ba Tư, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng chia sẻ, mỗi năm mỗi người dân Iran tiêu thụ trung bình khoảng 120kg hoa quả, trong khi con số này ở nước khác là 75kg/năm.

Bà Nguyễn Thị Hiền Giang (phải) chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với thị trường Iran.
Hàng năm Iran nhập khoảng 470 ngàn tấn hoa quả nhiệt đới trị giá 700 triệu USD. Một số hoa quả Iran hay nhập khẩu như chuối, dứa, và xoài vì sản lượng trong nước còn hạn chế hoặc không sản xuất được. Người Iran cũng thích ăn những loại quả mọng nước, hoa quả nhiệt đới.
"Nếu làm thị trường tốt DN Việt Nam hoàn toàn có thể xuất thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi sang thị trường Iran", bà Giang nhận định.
Người Iran có thói quen uống trà và cà phê từ lâu đời. Chè đen, chè xanh và cà phê nguyên hạt Robusta là những mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam có thể xuất qua Iran.
Theo bà Giang, hoạt động kinh doanh hợp tác giữa hai nước có nhiều thuận lợi khi lãnh đạo Việt Nam - Iran quyết tâm phát triển mối quan hệ kinh tế, thương mại và nâng cao kim ngạch trao đổi hai chiều lên nhiều tỷ USD.
Người Iran rất hâm mộ các sản phẩm giày thể thao, giày vải, quần áo mang thương hiệu Made in Vietnam. Hai bên đã ký kết một số hiệp định, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác và tạo một số hành lang pháp lý cơ bản để DN hai nước hợp tác.
Thêm vào đó, Việt Nam và Iran có nhiều điểm tương đồng trong truyền thống văn hóa lịch sử. Mối quan hệ kinh tế - thương mại giàu tiềm năng với các mặt hàng thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau.
Có phương án kinh doanh tối ưu
Chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kinh doanh với đối tác Iran, bà Giang cho rằng, các DN cần tìm hiểu kỹ đối tác và lựa chọn đúng sản phẩm thế mạnh phù hợp không cạnh tranh với các mặt hàng của Iran để xúc tiến thương mại. Tìm hiểu rõ kênh thanh toán trước khi ký hợp đồng, Làm hợp đồng pháp lý khi có mua bán.
DN cũng cần đa dạng hóa kênh kết nối xúc tiến thương mại. Đặc biệt, phải luôn có kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị những phương án tối ưu trong kinh doanh với thị trường Iran vì Iran có rất nhiều kỳ nghỉ lễ tôn giáo, nghỉ năm mới nên khi kinh doanh với Iran, DN phải nắm được điều này để có những kế hoạch cụ thể cho đơn hàng.
Ngoài việc luôn theo dõi tiến độ và liên hệ thường xuyên với đối tác qua các kênh liên lạc họ có kết nối mà không chỉ qua email thì DN cũng cần theo dõi sát sao tình hình chính trị ở Iran để có những phương án kinh doanh phù hợp và đón đầu những cơ hội kinh doanh. Sự khéo léo mềm mỏng trong việc đàm phán với Iran sẽ giúp DN có được những cơ hội kinh doanh tuyệt vời.
Có mối liên hệ với các cơ quan, bộ, ban, ngành để cập nhật những diễn đàn, hội thảo, hội chợ, tham gia kết nối với các DN Iran để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và tìm hiểu những quy định mới
Điểm cuối cùng bà Giang nhấn mạnh là vai trò của Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, và Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm thị trường Iraq và Syria) bởi đây là những kênh kết nối quan trọng và là cầu nối giúp các DN Việt nâng tầm quốc tế, giúp cho các sản phẩm Việt Nam được người dân thế giới biết đến nhiều hơn.
Trong khi đó, lưu ý về phương thức thanh toán, ông Nguyễn Thành Long cho biết, khi nói đến Iran, phần lớn các DN Việt Nam tỏ vẻ e ngại về các phương thức thanh toán. Khó khăn lớn nhất đối với DN nước ngoài khi làm việc với Iran là do các ngân hàng ở Iran bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế Swift.
Để bảo đảm an toàn trong giao dịch, ông Long khuyến nghị DN Việt Nam nên sử dụng phương thức thanh toán trực tiếp. DN có thể thoả thuận với người mua chuyển tiền trước từ 20-30% giá trị hàng hoá. Cùng đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu, thẩm định đối tác, yêu cầu đặt cọc cao, thậm chí 100% với khách hàng mới.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có nhân viên xuất nhập khẩu có kinh nghiệm và liên tục nâng cao kỹ năng để có thể nhận thấy bất thường trong đàm phán và kinh doanh quốc tế...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm