EVFTA đẩy doanh nghiệp Việt vượt hàng rào phi kinh tế
Yêu cầu tăng tốc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn / Lo “bùng phát” số lượng doanh nghiệp nhà nước nếu mở rộng khái niệm
Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể…, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU.
Điều mà nhiều DN Việt Nam quan tâm hiện nay chính là những tiêu chuẩn chất lượng cao từ phía EU, đặc biệt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như những hàng rào phi kinh tế đặt ra từ phía EU khiến nhiều DN cần đổi mới nhanh quy trình sản xuất cũng như tập trung đầu tư công nghệ mới.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam. |
Ông Nguyễn Minh Kế, Giám đốc Công ty CP Nhôm Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết, để đáp ứng được các tiêu chuẩn phi kinh tế từ phía EU cần phải có một quá trình nỗ lực lớn từ chính các DN.
Ông Kế chia sẻ, là DN đã từng làm việc với các đối tác của EU, trong quá trình tìm hiểu để kí hợp đồng xuất khẩu, phía DN của EU đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc và quy trình sản xuất ra sản phẩm. Đối tác từ EU đến tận DN Việt Nam chấm điểm từ xuất xứ của nguyên vật liệu cho đến quá trình sản xuất một cách rất chi tiết. Các yếu tố như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm lòng đất, ô nhiễm khí thải và cách xử lý đều được phía đối tác EU xem xét tỉ mỉ trong quá trình đánh giá sản phẩm của DN.
“DN của EU quan tâm đến cả điều kiện làm việc của người lao động, mức lương cũng như bữa ăn tập thể để làm cơ sở đánh giá và cộng điểm. Qua quá trình kiểm tra, DN chỉ đạt 450/1.000 điểm nên mặc dù sản phẩm có chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp, nhưng những tiêu chí phi kinh tế chưa đạt nên DN không kí được hợp đồng”, ông Kế chia sẻ kinh nghiệm.
Với kinh nghiệm từng trải, ông Kế cho rằng, khi EVFTA được thực thi sẽ xuất hiện hai “mặt trận” giữa các DN trong nước cạnh tranh với nhau và giữa các DN trong nước và các DN nước ngoài. Trong đó, các DN trong nước sẽ đứng trước sức ép cạnh tranh rất lớn từ các DN nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu, khi khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam so với các nước khác còn rất yếu cả về nguồn lực lẫn đầu tư công nghệ và cả kinh nghiệm sản xuất.
“Để có được sự thúc đẩy cạnh tranh và thành công, các DN trong nước rất cần có sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là đối với ngành sản xuất nhôm của Việt Nam còn rất non trẻ, công nghệ chưa phải là xuất sắc”, ông Kế đề xuất.
Lo ngại với việc bảo hộ hàng hóa trong nước khi Việt Nam thực thi EVFTA, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải đặt ra vấn đề bảo hộ đầu tư sản xuất hàng hóa của các DN trong nước bởi lúc đó thuế quan xuất - nhập khẩu đều bằng 0% và không có sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.
“Với mặt hàng ô tô hiện nay, Chính phủ đang bảo hộ quá nhiều tuy nhiên trong tương lai lâu dài mức độ bảo hộ này sẽ phải thay đổi. EuroCham khẳng định, khi có cạnh tranh tốt thì khi đó DN Việt Nam mới lớn mạnh, nếu cứ được bảo hộ như bao lâu nay thì DN trong nước sẽ khó phát triển được. Tuy nhiên, trong quá trình cạnh tranh điều quan trọng là phải làm sao gắn kết được giữa các DN đến từ nước ngoài để học hỏi và đổi mới công nghệ tốt hơn”, ông Minh khuyến cáo.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy. |
Với lợi thế tham gia nhiều FTA, DN Việt Nam cần phải tận dụng và lợi dụng để tạo nên lợi thế cho mình là quan điểm của chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy. Bà Thùy cho biết, khi vào EVFTA các loại thuế về 0% nếu DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ, trong khi quy tắc xuất xứ của nhiều ngành hàng của Việt Nam là không khó nên các DN hoàn toàn có thể tận dụng để xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam có FTA. Tuy nhiên theo bà Thùy, các DN vẫn nên ưu tiên phát triển sản phẩm ở thị trường nội địa phục vụ cho khách hàng trong nước bởi đây cũng là cơ sở tốt để giữ cân bằng được giữa thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
“Yếu tố hiệp hội ngành hàng hay còn gọi là “buôn có bạn, bán có phường” chưa khi nào lại trở nên quan trọng như lúc này. Việc thành lập các hiệp hội là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn cần có kết nối bền chặt giữa các thành viên của hiệp hội với nhau; giữa thành viên của hiệp hội cũng như các ngành hàng khác khi cùng xuất khẩu vào cùng một thị trường như EU và giữa hiệp hội với các cơ quan ban ngành cũng như bên thứ 3 có thể hỗ trợ giúp cho quá trình xuất và nhập khẩu của DN được thuận lợi”, bà Thùy tư vấn.
Đồng cảm với những đòi hỏi từ phía các DN trong việc thay đổi cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DN phát triển trong EVFTA, ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng tư vấn cải cách của Chính phủ (Ban 4) chia sẻ, do tốc độ hòa nhập kinh tế quốc tế nhanh hơn tốc độ hoàn thiện các thể chế chính sách nên ở đâu đó chính sách luôn đi sau với thực tiễn của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng tư vấn cải cách của Chính phủ (Ban 4). |
Do đó, Ban 4 sẵn sàng tiếp nhận các thắc mắc và yêu cầu của các Hiệp hội bằng những văn bản chính thống. Đồng thời, Ban sẽ có các buổi làm việc trực tiếp với các hiệp hội DN để cùng trao đổi và nắm bắt sâu hơn nữa tình hình thực tế từ phía các DN. Khi Ban 4 có đầy đủ các thông tin chính xác sẽ tham khảo các chuyên gia, tổng hợp thành báo cáo hoàn thiện để gửi lên Thủ tướng Chính phủ.
“Bên cạnh những kiến nghị đối với Thủ tướng, Ban cũng đưa ra những gợi ý giải pháp nên như thế nào đối với một vấn đề, quyết định ra sao là ở phía Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan và Ban sẽ đeo đuổi vấn đề đó đến khi có quyết định chính thức”, ông Tùng cho biết.
Về lâu dài, ông Tùng cũng cho rằng, các DN cần phải ứng dụng tốt hơn nữa công nghệ mới để đáp ứng được tiêu chuẩn hàng hóa từ phía EU. Khi nào hàng hóa của Việt Nam có được truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng nhất và đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cũng như yêu cầu của thị trường EU, lúc đó sẽ giải quyết được vấn đề hàng giả có hay không và hàng nhái có hay không ở ngay chính thị trường trong nước.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành: Điều quan trọng mà các DN cần lưu tâm trong EVFTA chính là hàng rào phi kinh tế. Câu chuyện không phải là sản phẩm đẹp và tốt mà quá trình sản xuất ra sản phẩm đó phải đảm bảo những tiêu chuẩn về môi trường, về lao động trước khi tính đến việc marketing sản phẩm.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Sao Thái Dương vinh dự đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc