EVFTA: Doanh nghiệp không nên quá hồ hởi với việc giảm thuế quan
Quỹ sáng tạo Vingroup tài trợ 124 tỷ đồng cho 20 dự án khoa học và công nghệ / Tập đoàn HAGL khẳng định vẫn nắm quyền kiểm soát HAGL Agrico dù tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới 50%
Cơ hội rộng mở
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 22,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 17 tỷ USD tăng nhẹ 0,6%, còn nhập khẩu đạt 5,8%, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Để thúc đẩy xuất khẩu sang EU trong thời gian tới, các Bộ ban ngành đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn rào cản an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu các sản phẩm trái cây, rau, gạo, chè; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường Châu Âu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HT)
Tại hội nghị: “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý”, vừa diễn ra tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đầu năm 2019, bối cảnh, cục diện chung của thế giới đang diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn đang đặt ra cho Việt Nam. Cầu của thế giới suy giảm, có dấu hiệu suy thoái, cùng với đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, hàng loạt vấn đề liên quan đến chủ nghĩa đơn phương... đã có tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam.
Dù vậy, sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp đạt những thành công nhất định. Nông nghiệp luôn là lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm, đồng thời là lĩnh vực sẽ quyết định sự thành công trong công tác hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, trong các chương, nội dung cơ bản của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có những nội dung quan trọng về mở cửa thị trường, tạo điều kiện ưu đãi cho nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đều có những nội dung quan trọng về mở cửa thị trường, tạo điều kiện ưu đãi trong lĩnh vực nông thủy sản.
"Theo đánh giá, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành nông sản, đặc biệt là hàng thủy sản và cà phê, là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp sẽ hưởng lợi khi thuế xuất khẩu vào EU còn 0%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực sẽ quyết định sự thành công trong việc hội nhập và phát triển của Việt Nam. Năm 2018 Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 27 thế giới về quy mô, sản phẩm. Riêng lĩnh vực nông thủy sản, Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới.
"Chưa bao giờ có FTA nào chưa được phê chuẩn mà đã nhận được sự quan tâm, quyết liệt triển khai như EVFTA. Trước đây, các hiệp định khác cứ ký xong là xong, tự chuyển đổi, nhưng nay đã khác nên cần sự chuẩn bị kỹ càng.
Đặc biệt, với EVFTA, lĩnh vực nông nghiệp được hưởng nhiều lợi thế trong xuất khẩu và hầu hết các nhóm thuế đều đưa về 0% trong một lộ trình ngắn nhất. Để đạt được những hành tựu mới hơn, DN cần chuẩn bị chiến lược căn cơ, bài bản nhằm tận dụng cơ hội, ứng phó thách thức...", ông Nguyễn Xuân Cường trình bày.
Nhưng không dễ vào
Các sản phẩm nông nghiệp được cho là có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu sang EU khi Hiệp định EVFTA được áp dụng. Thế nhưng ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam lo ngại, không nên quá hồ hởi với việc giảm thuế quan của EU.
"Bởi lẽ các nước sẽ áp dụng hàng loạt hàng rào kỹ thuật mới, khắt khe hơn nữa. EU vốn đã quy định rất khắc khe về việc dùng các loại hóa chất. Do vậy, hóa chất có trong sản phẩm nông nghiệp là câu chuyện không thể thờ ơ. EU vốn là một trong những thị trường đòi hỏi về tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới", ông Nam nhận định.
EVFTA đối với ngành nông sản Việt Nam không chỉ đơn thuần là cơ hội mà còn dẫn đến thách thức, không hề nhỏ.
Đồng quan điểm trên, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng các lợi ích cho cả Việt Nam và EU, nhưng để đạt được điều này thì doanh nghiệp phải tuân thủ mọi yêu cầu từ các nước EU đặt ra.
"Doanh nghiệp phải tuân thủ các thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS), sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững… Để làm được, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác, thay đổi tư duy, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn…", ông Lương Hoàng Thái nói.
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Trưởng phòng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) bổ sung: Quy định SPS/TBT, hay quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế nên doanh nghiệp phải chú ý tới các tiêu chuẩn này.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin; đồng thời tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu không chỉ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động…
Trong khi đó, ngành nông nghiệp vẫn còn manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ, hệ thống phân phối trong nước thiếu liên kết… nên sẽ phải nỗ lực rất nhiều để khắc phục các điểm yếu này.
Nêu những công việc cần triển khai của ngành nông nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Để doanh nghiệp hiểu rõ các cam kết trong EVFTA, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phổ biến và hướng dẫn những quy định của EU. Tập trung chỉ đạo triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia…”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo