Gỡ điểm khó 'gọi vốn' cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Dịch vụ cho thuê xe của Mỹ lần đầu vào Việt Nam / Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Để start up vươn ra toàn cầu, điểm nghẽn là tiếng Anh"
Nhiều cơ sở pháp lý nền tảng cho doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng “gọi vốn”
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, qua trao đổi với một số tổ chức tiền tệ quốc tế, họ đánh giá chưa có quốc gia nào có tốc độ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh như Việt Nam.
Tuy nhiên, một DN khởi nghiệp luôn vấp phải nhiều khó khăn, trong đó, vấn đề vốn và giai đoạn vốn mồi được nhiều đại biểu đề cập đến.
Thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của nguồn vốn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngay từ khi thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025" (Đề án 844), là một thành viên, NHNN đã xác định vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp là vấn đề quan trọng nhất, quyết định thành công của các chương trình khởi nghiệp nhanh hay chậm và phát triển được tích cực hay không.
Hai năm qua, Quốc hội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, dành sự quan tâm rất lớn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn tín dụng đã được ban hành. Trong đó không thể không kể tới Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và vừa ban hành ngày 12/6/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 cùng nhiều Nghị định hướng dẫn đã quy định đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp được những điều kiện ưu tiên, ưu đãi về vốn như thế nào. ..
Bên cạnh đó, Luật khoa học công nghệ cũng xác định về quỹ đầu tư hỗ trợ cho lĩnh vực khoa học công nghê, trong đó có nhiều nội dung gắn với doanh nghiệp start up. Với nền tảng pháp lý của 2 văn bản luật này, hàng loạt Nghị định cũng đã ra đời, tạo bước ngoặt trong việc giải bài toán về vốn cho các doanh nghiệp start up.
Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều điểm mới, sẽ tạo “cú hích” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Theo đó, lãi suất áp dụng được đưa vào thuộc 1 trong 5 nhóm ưu đãi lãi suất được Chính phủ quy định, mức lãi suất cao nhất cũng chỉ là 6,5%.
Ngoài ra, Chính phủ còn có Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ quy định trong những điều kiện, hoàn cảnh hay thời điểm cụ thể sẽ có những hỗ trợ về lãi suất và Chính phủ sẽ cấp bù lãi suất đó cho 1 số đối tượng. Đây là 1 chính sách rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, sẽ thiết kế chính sách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và khởi tạo, tức là chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngành Ngân hàng khơi thông vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Bám sát các chủ trương của Chính phủ, NHNN đã và đang có những bước đi đúng đắn và kịp thời, luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận vốn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, khởi nghiệp...
Riêng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn Ngành đã rất tích cực để giải quyết bài toán về vốn. Lắng nghe các ý kiến, băn khoăn của đại biểu về vấn đề vốn tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã ban hành một số quy định để khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng chảy vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, một số lĩnh vực liên quan đến ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp nông thôn và ứng dụng công nghệ cao là đối tượng đang được ưu tiên, ưu đãi trong vay vốn tại các ngân hàng thương mại hiện nay. “Họ được hưởng ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay vốn và ưu đãi cả về thủ tục thế chấp. Thậm chí, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao có thể 70-80% giá trị dự án không phải thế chấp”, Phó Thống đốc cho hay.
Cụ thể hơn, Phó Thống đốc còn đưa dẫn chứng, trong ngành Ngân hàng hiện đang có nhiều gói tín dụng của các ngân hàng thương mại dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chẳng hạn như gói tín dụng 4.000 tỉ của BIDV dành cho 1 số đối tượng cần ưu tiên, ưu đãi thuộc lĩnh vực công nghệ cao…
Trên thực tế, vấn đề tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng đã được khơi thông. Quá trình tiếp cận giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng ngày càng tích cực hơn. Ngân hàng đã thực sự trở thành “bệ phóng” để nâng đỡ các ý tưởng khởi nghiệp của các start up.
“Thời gian tới, NHNN sẽ những quy định một cách cởi mở hơn cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong vấn đề cho vay vốn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các nước trên thế giới thường đến từ các quỹ đầu tư hay nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm. Do đó, ông cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn cần tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư nước ngoài và kêu gọi vốn từ các nguồn lực xã hội.
Làn sóng khởi nghiệp chưa bao giờ lan tỏa mạnh mẽ trong thế hệ trẻ như ngày hôm nay. Ngành Ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành “bệ phóng” vững chắc, tạo đà để đưa những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo vào hiện thực. Nhờ vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ phát huy được tiềm năng, sức trẻ và sức sáng tạo của mình để trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo