Gỡ điểm nghẽn, khai mở động lực tăng trưởng mới
Phát triển du lịch bền vững gắn với cuộc cách mạng 4.0 / Phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động kết nối kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản
Tại diễn đàn doanh nghiệp 2024 với chủ đề "Khơi thông động lực tăng trưởng mới" ngày 12/4 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 01, 02 do Chính phủ ban hành hồi tháng 1 năm nay không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng mà còn được xem là “chìa khoá” làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai mở, tận dụng những động lực mới của năm 2024.
"Với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện", ông Phòng nêu.
Cùng góc nhìn, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ.
Cần chú ý đến nội lực khác của nền kinh tế gắn với quy mô dân số đã vượt 100 triệu dân, gắn với tầng lớp thu nhập trung bình có thể đạt hơn 50 triệu người vào năm 2050, thế hệ “Gen Z” đang ngày một mở rộng, và nguồn tài nguyên dữ liệu nhiều tiềm năng.
Viện trưởng CIEM khuyến nghị, Việt Nam cần cân nhắc một số định hướng chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế. Để tạo động lực liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp, cần hướng theo tư duy chuỗi giá trị “cùng hợp tác, cùng thắng”.
Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với 5 khó khăn.
Trong đó 52% DN cho biết thiếu đơn hàng, 32% khó tiếp cận vốn, 25% phản ánh thủ tục hành chính còn rườm rà, 9% lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế, 41% DN nói thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Do đó, ông Quốc Anh kiến nghị tập trung khơi thông các điểm thiếu sót nêu trên. Cụ thể, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông các đơn hàng. Khơi thông các nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ còn chưa hiệu quả.
Cùng với đó cần rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà. Có các biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tư nhân cũng như khơi thông nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhấn mạnh việc tận dụng tối đa lợi thế của các FTA trong khơi thông động lực tăng trưởng, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế cho rằng, việc đánh giá tác động và tình hình thực hiện FTA tại thời điểm này là thực sự cần thiết đối với cả các doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ và giúp cho công tác thực thi trong thời gian tới được hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nước ta.
"Nhìn vào những thay đổi của thị trường, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán ‘xanh’ trong hoạt động sản xuất", ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
Để thực thi hiệu quả FTA , theo ông Trịnh Minh An, cần chiến lược, chủ động, đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.
Đặc biệt, cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động nhằm góp phần khơi thông và thúc đẩy các động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo