Đề xuất tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tháo gỡ khó khăn cho DN và người lao động
DNVN - Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và tác động mạnh hơn đến nền kinh tế, nhưng lực lượng lao động trong quý II/2021 vẫn tăng 1,7 triệu so với cùng kỳ năm trước. Song lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, con số 1,7 triệu lao động không phải là thành quả.
3 lời khuyên của sếp Savills Hà Nội giúp doanh nghiệp bất động sản tăng tốc chuyển đổi số / Từ tháng 7/2021 Việt Nam ngừng nhập khẩu điện thoại 'cục gạch'
Thị trường lao động - việc làm nhiều biến động
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình lao động - việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 6/7/2021, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2021 là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2021 là 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II/2021 là 57,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ phi chính thức khu vực thành thị là 48,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 64,5%, tăng 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước.
Thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2021 là 1,1 triệu người, tăng 173,5 nghìn người so với quý trước và giảm 137,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2021 là 2,60%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: NDO)
"Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,80% và 2,49%). Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy được qua các năm trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị. Xét theo ba khu vực kinh tế, tỷ trọng lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2021 ở khu vực dịch vụ là cao nhất với 35,8%, tiếp theo là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 35,6%", ông Nam thông tin.
Thống kê cũng cho thấy, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số lao động sản xuất tự sản tự tiêu là 4,2 triệu người (tăng gần 0,6 triệu người so với quý trước và 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn.
"Nhìn chung, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý II năm nay đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng thời gia qua. Những khó khăn này là thách thức rất lớn khi Chính phủ chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch", ông Nam đánh giá.
Vì sao lực lượng lao động vẫn tăng 1,7 triệu so với cùng kỳ năm trước?
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và dường như tác động mạnh hơn đến nền kinh tế nhưng lực lượng lao động quý II/2021 vẫn tăng 1,7 triệu so với cùng kỳ năm trước.
Phân tích về số liệu này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số & Lao động cho biết: Qua quan sát của Tổng cục Thống kê, sự ứng phó trước đại dịch của chúng ta có sự khác biệt trong hai năm qua. Năm 2020, việc cách ly trên diện rộng đã khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) yếu kém và DN không cần thiết đã phải đóng cửa, kéo theo hàng loạt lao động bị mất việc, rời khỏi thị trường lao động. Khi đó, lực lượng lao động rơi vào trạng thái suy thoái với mức giảm mạnh mẽ chưa từng có, cụ thể giảm gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, đến quý III và IV/2020, Việt Nam đã ghi nhận một số sự phục hồi trong thị trường lao động, khiến lực lượng lao động tăng trở lại. Kết quả này có được do chúng ta thay đổi cách ứng phó với dịch bệnh, thực hiện các giải pháp cách ly và khoanh vùng để dập dịch chứ không triển khai trên diện rộng như trước đây. Do đó, bước sang Quý III và IV/2020 lực lượng lao động đã có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Từ đầu năm 2021 đến nay, chúng ta trải qua hai đợt dịch nghiêm trọng và dịch đã ảnh hưởng nhiều đến các khu công nghiệp. Tại các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ứng phó của người lao động và người sử dụng lao động cũng có khác biệt. Trước đây, khi có dịch, người sử dụng lao động có thể lập tức sa thải lao động không cần thiết. Trong đợt dịch thứ tư, một số DN tại các KCN xây dựng lều trại để công nhân ở lại KCN tiếp tục sản xuất chứ không dừng sản xuất. Do đó, lực lượng lao động năm nay được duy trì và không giảm như năm trước.
"So với nền năm ngoái, lực lượng lao động tăng 1,7 triệu. Tuy nhiên, con số này không có nghĩa là thành quả mà chẳng qua do chúng ta so sánh với mức nền rất thấp vào năm 2020. Nếu so với trạng thái cân bằng ban đầu, cần ít nhất 3,4 - 3,5 triệu người gia nhập thị trường lao động trong năm nay. Trạng thái năm nay vẫn thấp hơn trạng thái năm 2019 - năm chưa có dịch - 300.000 người, tức là thấp hơn nhiều mức cân bằng", bà Mai nhận định.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến còn khó lường, Tổng cục Thống kê đề xuất tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đang gặp khó khăn do dịch theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo