Hỗ trợ doanh nghiệp

Hiệp hội Nhựa Việt Nam nói gì về việc tồn 4.480 container nhựa phế liệu tại Tân Cảng Sài Gòn

Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), so với lượng nhựa phế liệu (NPL) xuất khẩu toàn thế giới 15,5 triệu tấn/ năm thì khoảng 70.000 tấn NPL tồn trong 4.480 container tại Tân Cảng Sài Gòn, tính đến 26/06/2018 tại Việt Nam là không đáng kể.

Do chồng chéo các quy định

Trước thực tế, Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hàng phế liệu tồn cảng tại Hải Phòng và Cát Lái có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Hiệp hội Nhựa Việt Nam vừa tổ chức Họp báo thông tin về việc này.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam lý giải, kể từ ngày 01/01/2018, Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập 24 loại phế liệu thì lượng NPL nhập vào Việt Nam sáu tháng đầu năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017. Thực chất năm 2017 tổng lượng NPL nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 90.000 tấn. Lượng tồn tại Tân Cảng Sài Gòn tính đến 26/06 là 70.000 tấn. Con số này là “không đáng kể”.

PGS Đinh Xuân Thắng cho rằng, quá nhiều quy định khiến doanh nghiệp ngành nhựa gặp nhiều khó khăn trong tái chế nhựa phế liệu.
PGS Đinh Xuân Thắng cho rằng, quá nhiều quy định khiến doanh nghiệp ngành nhựa gặp nhiều khó khăn trong tái chế nhựa phế liệu.

PGS Đinh Xuân Thắng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng môi trường Hoa Lư đưa ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là do thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ TN&MT, hàng tồn do quy chuẩn QCVN 32 - Bộ TN&MT khó thực hiện trong thực tiễn, do các văn bản quản lý mới của Tổng Cục Hải quan, do các cảng không làm được thủ tục thông quan mặt hàng nhựa đã qua sử dụng như trước đây, do phí lưu container quá cao, do tồn các mặt hàng khác tích tụ từ nhiều năm trước, và do quản lý cảng biển.

Với nguyên do thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ TN&MT, PGS Đinh Xuân Thắng cho rằng, trước năm 2017 các doanh nghiệp không mặn mà gì với việc nhập khẩu NPL, do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Do đó, năm 2016-2017 rất ít doanh nghiệp xin cấp giấy phép theo quy định mới của Bộ TN&MT.

Tuy nhiên, đầu năm 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu NPL, doanh nghiệp tái chế NPL vội vàng xây dựng nhà máy đáp ứng điều kiện cấp phép nhập khẩu của Bộ TN& MT. Tuy nhiên để đầu tư bài bản theo đúng yêu cầu của BTNMT thì cần thời gian ít nhất là 12-24 tháng. Hàng nhập đang trên biển, Sở TN& MT không có chức năng cấp phép, hạ tầng kỹ thuật của nhà máy chưa hoàn thiện, nên dẫn đến tình trạng tồn hàng tại cảng.

“Hai tiêu chí của QCVN 32:2010/BTNMT là, NPL phải sạch và tạp chất không quá 2% đã làm khổ doanh nghiệp, sạch là một khái niệm ước lệ khó đo đếm. Con số 2% là con số đánh đố bởi, thực chất khó có thể tách tạp chất trong lô hàng ra để cân đo 1% hay 2% hoặc 3%”, PGS Đinh Xuân Thắng nói.

Tổng lượng nguyên liệu nhựa được sản xuất trong nước, tính đến tháng 05/2018
Tổng lượng nguyên liệu nhựa được sản xuất trong nước, tính đến tháng 05/2018

Cũng theo Quy chuẩn này, chỉ có 4 loại hình NPL được phép nhập khẩu, còn rất nhiều loại khác hiệu quả tái chế cao nhưng không được phép lẫn.

Ông Thắng cho rằng, đã là phế liệu thì bên bán không thể lúc nào cũng đóng hàng đúng 100% theo quy chuẩn của Việt Nam, nếu bên bán đóng hàng vào container lẫn một ít loại khác, cả lô hàng sẽ bị định nghĩa là chất thải không được phép nhập khẩu. Và doanh nghiệp phải ngậm đắng nuốt cay không dám đến nhận hàng.

Lại là “cơ hội trăm năm mới có một lần của ngành nhựa”

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam khẳng định, ngành nhựa là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Trong 10 năm qua, với mức tăng trưởng 15-20% năm nhưng phải nhập khẩu đến 80% lượng nguyên liệu.

Năm 2017 ngành nhựa nhập khẩu 4,9 triệu tấn hạt nhựa, tổng kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa và sản phẩm nhựa là 12,68 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 2.5 tỷ USD.

“Cũng nên biết năm 2017 ngành dầu khí rất cố gắng mới có thể xuất khẩu được 2,9 tỷ USD. Chúng ta tiết kiệm từng đồng ngoại tệ nhưng lại dễ dàng chấp nhận con số nhập khẩu lên đến 12,68 tỷ USD của ngành nhựa, đó là một câu hỏi lớn”, ông Hồ Đức Lam nói.

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 477 nghìn tấn nhựa, trong đó xuất khẩu đi Trung Quốc chiếm 50% tỷ trọng, tăng 99,87% về lượng so với năm 2016. VAP cho rằng, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu NPL sẽ buộc các doanh nghiệp của họ phải nhập hạt nhựa tái sinh để phục vụ sản xuất, đây là cơ hội chưa từng có cho ngành nhựa Việt Nam.

Đại diện này còn khẳng định, thời điểm này là cơ hội trăm năm mới có một lần của ngành nhựa và có thể trở thành một trong những ngành đứng đầu nền kinh tế, với trị giá hàng trăm tỷ USD trong 10 năm tới.

Nghĩa là, Chính Phủ cần hỗ trợ ổn định cho việc nhập khẩu NPL, đồng nghĩa với việc Việt Nam có nguồn nguyên liệu giá thành thấp. Các đối tác có công nghệ tái chế NPL tiên tiến như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc đang chờ đợi để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Và, hàng nghìn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa thành phẩm và nhựa kỹ thuật cao tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước lớn mạnh.

Theo Báo đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo