Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động còn nhiều "nút thắt"

DNVN - Việc hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg còn nhiều “nút thắt” cần gỡ bỏ để đồng hành với doanh nghiệp phục hồi sản xuất trước tác động của COVID-19.

Mới có Hậu Giang báo cáo theo quy định về đề nghị hỗ trợ người lao động do COVID-19 / Tiếp cận các chính sách hỗ trợ người lao động vẫn còn khoảng trống rất lớn

Tại hội thảo “Thúc đẩy Hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ”, sáng 18/5, chia sẻ dưới 2 góc độ (đại diện cho cả doanh nghiệp và nhà trường), ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Long Biên, đơn vị trực thuộc Tổng Công ty May 10 khẳng định: Gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là hết sức cần thiết cho doanh nghiệp và Trường Cao đẳng Nghề Long Biên đã tham gia đào tạo cho người lao động thích ứng với công việc mới.

Tổng Công ty May 10 hiện có 20 đơn vị thành viên trải dài 8 tỉnh thành phố cả nước, với khoảng 13 nghìn lao động. Từ năm 2019-2021, May 10 luôn quan tâm đến nguồn lực lao động, đóng bảo hiểm cho người lao động và duy trì sản xuất, kể cả trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19.

Với đặc thù ngành may, việc thay đổi công nghệ cũng như kết cấu sản phẩm là liên tục trong quá trình sản xuất. Mặc dù vậy, May 10 đã gặp không ít khó khăn trong việc thay đổi này trong thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19.

“Khi đó, hầu hết chuỗi cung ứng đều bị đứt gãy, các khách hàng đều yêu cầu dừng sản xuất mặt hàng truyền thống. Chúng tôi đã chuyển đổi sang các mặt hàng phi truyền thống như may khẩu trang, quần áo thể thao, hàng dệt kim. Việc tiếp cận các gói hỗ trợ an sinh xã hội, nâng cao trình độ cho người lao động của Chính phủ thông qua Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là hết sức thiết thực và nhân văn”, ông Hà nói.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động còn nhiều ‘nút thắt’.

Tuy nhiên, theo ông Hà, gói hỗ trợ này còn nhiều “nút thắt”. Trước hết là do cách hiểu trong thời gian mới ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Phía doanh nghiệp chưa hiểu và chưa nắm rõ hết được tinh thần và cách thực hiện chính sách hỗ trợ nên chính sách chưa mang lại hiệu quả cao.

Trong thời điểm dịch COVID-19 lan rộng, Trường Cao đẳng Nghề Long Biên đã tham gia rà soát người lao động cần được hỗ trợ đào tạo nghề thì nhận thấy chỉ có 40-50% các đơn vị thành viên đáp ứng đủ điều kiện của nghị quyết và quyết định để triển khai thực hiện.
Không những thế, trong quá trình thực hiện xin hỗ trợ, việc hướng dẫn cũng như triển khai các hồ sơ liên quan gặp không ít khó khăn vướng mắc.

Đó là việc chứng minh năng lực của cơ sở đào tạo nghề. Trường Cao đẳng Nghề Long Biên có nhiệm vụ đào tạo về ngành may sơ cấp nói chung (bao gồm nhiều loại sản phẩm may mặc sơ cấp, không riêng gì sơ mi, quần âu) nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) “cứng nhắc” yêu cầu đơn vị trong quá trình đào tạo là phải ghi vào giấy phép là đạo tạo sơ mi, quần âu. Trường phải giải trình đi, giải trình lại mới “thông”.

Về xác nhận doanh thu của các đơn vị được hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trong quá trình thực hiện, có những đơn vị, doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc vào công ty con mà công ty con lại gửi hạch toán công ty mẹ nên việc này cũng gặp khó. Nếu doanh nghiệp giao khoán độc lập sẽ rất dễ trong quá trình xác định về doanh thu.

“Việc triển khai chứng minh doanh thu còn nhiều vướng mắc nên chúng tôi mới chỉ triển khai được một đơn vị trong năm 2020, đến đầu năm 2021 chúng tôi triển khai được thêm một đơn vị ở Quảng Bình. Tuy nhiên, rà soát lại, yếu tố doanh thu chúng tôi lại không đạt yêu cầu là phải giảm 10% trở lên (vì năm 2021, các đơn hàng sản xuất đi vào ổn định, giá thành được nhà cung cấp tăng giá, nên doanh thu tăng, trong khi sản lượng không tăng). Chúng tôi đành phải chấp nhận không triển khai được để nhận gói hỗ trợ.

Đây là vấn đề cần xem xét đưa vào sửa đổi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Việc xác nhận để hỗ trợ doanh nghiệp nên tính vào doanh thu hay lợi nhuận hoặc sản lượng?”, ông Hà đề xuất.

Thêm “nút thắt” cần được gỡ là đối với đào tạo lao động, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định thời gian đào tạo tối đa là 6 tháng. Nhưng nghề may trong thời gian COVID-19 là đào đạo chuyển đổi vị trí làm việc nên chỉ đào tạo từ 1-2 tháng, vị trí công việc khó mới đào tạo tới 3 tháng.

Sở LĐTBXH các tỉnh, trong quá trình thực ra kế hoạch thực thi chính sách hỗ trợ đào tạo cần hết sức linh hoạt, tạo điều kiện đồng hành với doanh nghiệp. Làm sao tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đào tạo.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm