Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tiếp cận thị trường Mỹ, Trung Quốc

DNVN – Để xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ và Trung Quốc được bền vững và phát triển, các chuyên gia và nhà quản lý khuyến cáo doanh nghiệp cần coi trọng công tác quản lý sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quy cách mẫu mã… theo quy định của Việt Nam và của nước nhập khẩu.

Cục Xúc tiến thương mại "giải cứu" hàng ngàn tấn nông sản Hải Dương, cấp phát cho các đối tượng khó khăn / Xúc tiến thương mại thay 'áo mới'

Ngày 25/8, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch (XTĐTTM&DL) tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương tổ chức hội nghị hướng dẫn thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nông sản khu vực miền Trung, Tây Nguyên tiếp cận, áp dụng và tuân thủ các quy định xuất khẩu vào thị trường nước ngoài.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Đà Lạt và trực tuyến tại Văn phòng XTTM Việt Nam tại New York (Mỹ), Văn phòng XTTM Việt Nam tại Trùng Khánh (Trung Quốc), thu hút hơn 120 doanh nghiệp tham gia trực tiếp và trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom.
ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại hội nghị.

Ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh Lâm Đồng, trong xu thế hội nhập, đặc biệt trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện ký kết nhiều hiệp định thương mại với các nước trên thế giới, đã tạo cơ hội cho sản phẩm của Việt Nam nói chung, sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, tiếp cận với các thị trường lớn.

Tuy nhiên, để các sản phẩm nông sản tiếp cận các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển… nói riêng, thế giới nói chung, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nắm vững những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của các nước, từ đó, có chính sách phù hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Việc hướng dẫn thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng và tuân thủ các quy định xuất khẩu là hết sức cần thiết. Để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin mới nhất liên quan đến các quy định, tiêu chuẩn trong hoạt động xuất khẩu nói chung và đặc biệt là xuất khẩu vào các nước có các quy định rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, như: Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Thủy Điển… Từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Dương Quốc Anh nhấn mạnh.

Ông Bùi Xuân Lịch - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Ông Bùi Xuân Lịch - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, phát biểu tại hội nghị.

 

Theo ông Bùi Xuân Lịch - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong những năm qua, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Hiện nay, Mỹ đã trở thành thị trường nhập khẩu dẫn đầu với kim ngạch lên đến gần 12 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 27,5% thị phần trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN và đứng thứ 11 trong số các thị trường nhập khẩu của Trung Quốc.

Tận dụng những cơ hội, lợi thế từ ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc cùng tham gia và ký kết, trong thời gian tới, Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ lớn từ hai thị trường này.

Doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị.

Doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị.

 

“Tuy nhiên, để xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Mỹ, Trung Quốc hướng đến bền vững và phát triển, công tác quản lý sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quy cách mẫu mã… cần phải được các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người nuôi trồng đặc biệt coi trọng và quan tâm thực hiện theo quy định của Việt Nam và của nước nhập khẩu”, ông Bùi Xuân Lịch khuyến cáo.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng đại diện Văn phòng XTTM Việt Nam tại New York đã hướng dẫn một số quy định tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của Mỹ đối với các mặt hàng nông sản có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Bà Triệu Thúy Nga – Trưởng đại diện Văn phòng XTTM Việt Nam tại Trùng Khánh (Trung Quốc) phổ biến các điều kiện để nông sản Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tiến sĩ Trà My - đại diện Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc giới thiệu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc.

Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại Trung Quốc.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn được ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ về tình hình nguồn cung rau quả tươi và vấn đề xúc tiến xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ và Trung Quốc. Ông Lê Anh Trung – Giám đốc vùng nguyên liệu Công ty CP xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, chia sẻ những kinh nghiệm triển khai xây dựng và quản lý giám sát chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ theo quy định của nước nhập khẩu. Đồng thời được các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp trong công tác xuất khẩu hàng hoá vào thị trường nước ngoài, cụ thể là thị trường Mỹ và Trung Quốc…


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm