Xúc tiến thương mại trên nền tảng số: Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã
DNVN - Một trong những điểm nhấn mang lại hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của Bộ Công Thương năm 2021 là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổ số cho các địa phương, doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã.
Đà Nẵng, Quảng Nam quảng bá sản phẩm đặc trưng dịp lễ 30/4 - 1/5 / Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP: Khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy phát triển sản phẩm vùng
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 vừa được Bộ Công Thương công bố, hoạt động XTTM đã được triển khai mạnh mẽ trong năm 2021, trong đó tập trung vào Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tại thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần xây dựng uy tín hình ảnh thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Năm 2021, Chương trình cấp quốc gia về XTTM được phê duyệt 136 tỷ đồng phân bổ cho các hiệp hội DN, tổ chức XTT của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 160 đề án hỗ trợ DN đẩy mạnh XTTM.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động không nhỏ đến công tác tổ chức, thực hiện, Bộ Công Thương đã định hướng cho các đơn vị chủ trì Chương trình cấp quốc gia về XTTM chủ động, linh hoạt triển khai hoạt động này theo hướng kịp thời đổi mới, đa dạng hóa phương thức. Qua đó, hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương kết nối cung-cầu, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác XTTM.
Các phương thức XTTM đã được đổi mới trong năm 2021.
Cụ thể, Cục XTTM đã chủ động tham mưu cho Bộ trưởng xây dựng và triển khai các công cụ, nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM nhằm đổi mới phương thức, nhất là đáp ứng nhu cầu xúc tiến trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19.
Các ứng dụng đang được lên kế hoạch phát triển, hoặc đang được từng bước thiết kế gồm: nền tảng hệ sinh thái XTTM số; nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế; nền tảng hội chợ, triển lãm; nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp XTTM,... nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số.
Một số nền tảng đã phát triển như hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM; hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning) với một số mô-đun cơ bản, tích hợp các kho học liệu nhằm nâng cao năng lực XTTM; hệ thống truy xuất nguồn gốc XTTM (iTrace247); nền tảng bản đồ XTTM sản phẩn nông sản có tiềm năng xuất khẩu.
Một số nền tảng được phát triển dưới dạng liên kết và hợp tác với các đối tác quốc tế như Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hóa cho DN, Hệ thống cảnh báo thương mại phiên bản tiếng Việt.
Liên quan đến tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực XTTM trên nền tảng số cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, Cục XTTM đã phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế (Lazada, Tiki, Foodmap, Postmart, Voso, Shopee, Sendo, Amazon.com, Alibaba.com) tổ chức 25 khóa huấn luyện tại các địa phương về tham gia các nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh và marketing.
Qua đó, giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực XTTM trên môi trường số, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, mở rộng thị trường.
Đồng thời, Cục XTTM đã tổ chức hàng chục khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã tại Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu. Khoá đào tạo tập trung vào cách thức tham gia thị trường thương mại điện tử và các công cụ như tiếp thị kỹ thuật số, tiếp thị trực tuyến, tiếp thị trên mạng xã hội cho người sản xuất, chủ trang trại.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo