Hướng dẫn DNNVV Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ qua thương mại điện tử
DNVN - Với sự bùng nổ của internet và thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam giờ đây có thể bán sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ. Chi nhánh thương vụ Việt nam tại Houston biên soạn tài liệu hướng dẫn tiếp cận thị trường Mỹ thông qua kênh thương mại điện tử cho các DNNVV của Việt Nam muốn bán hàng trực tuyến vào Mỹ.
Công bố 2 thủ tục hành chính hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa / Triển khai Cuộc vận động Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tại 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng
Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Mỹ là một thị trường lớn với dân số trên 300 triệu người, cùng với văn hóa tiêu dùng đã tạo nên một thị trường có sức mua lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, với một thị trường lớn và nhiều cạnh tranh, việc bán hàng thông qua các kênh trung gian và phân phối truyền thống không đơn giản và thường chịu chi phí cao, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ, nhất là khi 98% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa.
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston cho biết, có 4 kênh chính để bán hàng thông qua thương mại điện tử. Theo đó, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng một hoặc kết hợp những phương thức sau: Website, các chợ trực tuyến, nhà phân phối là bên thứ ba và mạng xã hội.
Mỹ là nơi có thị trường thương mại điện tử tinh vi nhất thế giới. Theo số liệu thống kê năm 2018, khách hàng Mỹ đã tiêu 517,36 tỷ USD cho việc mua sắm online với tổng giá trị hàng hóa được bán trực tuyến đạt khoảng 3.63 nghìn tỷ USD. Giá trị mua hàng trực tuyến tăng khoảng 15% mỗi năm. Hiện tại ở Hoa Kỳ, rất nhiều cửa hàng, chuỗi bán lẻ truyền thống đã đóng cửa do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Chợ bán lẻ trực tuyến chiếm 14.3% tổng lượng bán lẻ và liên tục tăng trưởng trong các năm gần đây.
Với số liệu này, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Housto nhận định, thương mại điện tử cung cấp một tiềm năng tuyệt vời cho các DNNVV Việt Nam để tăng doanh thu thông qua xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ qua con đường này.
Theo đó, DNNVV Việt Nam cần phải cân nhắc các chiến lược tiếp thị, thanh toán, tính hiệu quả, thuế và các khoản phí khác. Đây là một phần không thể tách rời cho chiến lược thương mại điện tử của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: uwlcd.com)
Về tiếp thị sản phẩm và dịch vụ: Doanh nghiệp cần có một chiến lược tiếp thị rõ ràng, có tính đến các yếu tố địa phương của nhóm khách hàng mục tiêu. Khi tiếp thị hàng hóa hoặc dịch vụ cho khách hàng Mỹ, doanh nghiệp cần phải cung cấp chi tiết và rõ ràng về phương thức thanh toán và giao hàng; Các bước liên quan đến việc đặt hàng; Tổng chi phí đơn hàng (bao gồm giá hàng hóa, giá vận chuyển, thuế và các phụ phí nếu có) hoặc phương cách tính chi phí giao hàng; Các điều kiện và thời gian tối thiểu cho một đơn hàng.
Ngoài ra, cần bổ sung các yếu tố sau: Doanh nghiệp có thể sử dụng các trang truyền thông, mạng xã hội như Facebook, Twitter hoặc YouTube để quảng bá sản phẩm của mình và phát triển cơ sở khách hàng ở Hoa Kỳ; Khuyến khích sử dụng phiếu giảm giá, khuyến mại và khuyến mại bán chéo (nghĩa là mua mặt hàng này thì có thể được giảm giá mặt hàng khác mà doanh nghiệp bán kèm nếu trong cùng một đơn hàng) - những phương thức này có sức hấp dẫn đặc biệt với khách hàng Mỹ; Cung cấp trải nghiệm của khách hàng tin cậy đối với sản phẩm của doanh nghiệp - bao gồm cung cấp dịch vụ khách hàng trực tiếp nếu có thể.
Về thanh toán: Người tiêu dùng Mỹ chủ yếu sử dụng thẻ tín dụng (credit card), thẻ ghi nợ (debit card) và PayPal để thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, American Express, Discover Card và các loại thẻ thanh toán địa phương cũng rất phổ biến (thẻ thanh toán địa phương là các thẻ tín dụng do các công ty, nhà bán lẻ phát hành, như thẻ tín dụng của Amazon, Costco, HEB, macy…). Các doanh nghiệp cần cố gắng cung cấp phạm vi thanh toán tùy chọn rộng nhất có thể.
Để thực hiện đơn hàng, DNNVV Việt Nam cần cân nhắc sử dụng một chợ trực tuyến có thể xử lý việc vận chuyển (ví dụ như Amazon) hoặc sử dụng công ty dịch vụ hậu cần là bên thứ ba để quản lý việc giao hàng và trả lại sản phẩm của doanh nghiệp. Hiện nay Amazon đã ký kết hợp tác với Bộ Công Thương để hỗ trợ các DNNVV của Việt Nam bán hàng trên Amazon, bao gồm cho thuê kho và sử dụng dịch vụ vận chuyển của Amazon. Tuy nhiên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham khảo và làm việc với các công ty giao nhận để vận chuyển hàng hóa của mình tới tay người mua hàng Hoa Kỳ.
Lưu ý các điều kiện cụ thể về bán hàng trực tuyến, các điều kiện trả lại/miễn trả lại, khuyến cáo rõ ràng để khách hàng biết trước khi đặt lệnh mua. Trước khi đặt lệnh mua, doanh nghiệp cần làm rõ: Khách hàng phải trả tiền trước mới chấp nhận đơn hàng; Phương thức thanh toán (các loại thẻ có thể được chấp nhận), các lựa chọn về phương thức giao hàng (nhanh, chậm,..) và giá cả; Liệt kê các bước liên quan đến việc khách hàng đặt hàng; Cho phép khách hàng sửa lỗi trong quá trình đặt hàng nếu họ có nhầm lẫn; Đảm bảo khách hàng có thể lưu trữ các điều khoản đặt hàng và hóa đơn như cho phép họ in ra file, ra máy in; Cho địa chỉ email để có thể liên hệ; Mô tả hàng hóa rõ ràng, trung thực; Tổng chi phí: bao gồm giá hàng hóa, giá vận chuyển và thuế,…
Sau khi đặt hàng, doanh nghiệp nên: Xác nhận đơn hàng đã đặt càng sớm càng tốt qua email, và nhất thiết phải sớm hơn thời gian giao hàng; Cung cấp bản sao hợp đồng, đơn hàng qua email và các định dạng khác miễn là có thể lưu giữ để tham chiếu trong tương lai hoặc cho các tranh chấp nếu có sau này; Nếu có thể được, có thể cung cấp hành trình giao hàng và thời gian dự kiến hàng đến tay người nhận
Về thuế, phí hải quan và các phụ phí: Doanh nghiệp có thể thuê các công ty làm dịch vụ hậu cần có giấy phép (broker) hoặc làm việc với các đại lý thông quan tại cửa khẩu mà hàng hóa của doanh nghiệp sẽ nhập cảnh. Các đại lý và công ty dịch vụ này sẽ thay mặt doanh nghiệp làm các thủ tục hải quan, nộp các giấy tờ cần thiết và thanh toán thuế, phí.
Doanh nghiệp có thể tra cứu các đại lý thông quan tại đây.
Các doanh nghiệp cần lưu ý tính bảo mật thông tin khách hàng và không được chuyển thông tin cá nhân của khách hàng Hoa Kỳ cho một bên thứ ba, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ các ràng buộc pháp lý về vấn đề này.
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston cho biết thêm, việc tiếp cận một thị trường mới nhiều cạnh tranh luôn gặp nhiều bỡ ngỡ ban đầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm sự giúp đỡ và hỗ trợ phù hợp từ các cơ quan chính phủ, các hiệp hội, các cơ quan thương mại cũng như các chương trình hỗ trợ thông quan hội thảo, tập huấn và học hỏi từ các doanh nghiệp, bạn hàng đã có kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo