Hỗ trợ doanh nghiệp

Hướng dẫn viên du lịch khó tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng do điều kiện "phải có hợp đồng lao động"

DNVN - Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng Chính phủ mới ban hành được kỳ vọng giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn trước mắt. Hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) là một trong những đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều HDVDL cho rằng, điều kiện có hợp đồng lao động thực sự gây khó cho họ, theo đó rất khó tiếp cận gói hỗ trợ.

Cần Thơ: Tạm giữ 1 tài xế làm giả giấy xét nghiệm âm tính / Thủ tướng: Ưu tiên số một là bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu bởi dịch bệnh

Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do COVID-19, từ Điều 31 đến Điều 34 quy định hướng dẫn cụ thể điều kiện, quy trình hỗ trợ đối với nhóm đối tượng là HDVDL.
HDVDL được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Có thẻ HDVDL theo quy định của Luật Du lịch; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDVDL tại điểm. Mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người, được trả 1 lần cho người lao động.
Theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để nhận được số tiền hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng, nếu không có hợp đồng lao động thì hướng dẫn viên phải là hội viên của hiệp hội về hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra, các hướng dẫn viên còn phải có Thẻ hướng dẫn viên được cấp lần đầu trước ngày 1/5/2021 và còn hạn sử dụng.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch không có hợp đồng lao động
Ông Lê Cường, hướng dẫn viên tự do từ năm 1996 ở Đà Nẵng cho biết, trong một năm rưỡi nghỉ việc vì COVID-19, ông phải xoay đủ nghề, thậm chí có lúc phải ra đường làm xe "ôm", miễn là có tiền để tồn tại và nuôi con. Đối mặt với đại dịch, cũng như ông Cường, nhiều hướng dẫn viên du lịch đã đổi nghề khác, mỗi người đều phải tự tìm cách kiếm sống.
"Tôi may mắn đáp ứng được 2 yêu cầu: có Thẻ hướng dẫn viên được cấp lần đầu trước ngày 1/5/2021 và là hội viên của Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu, phần nào giúp chúng tôi trang trải chi phí hàng ngày. Hơn 35 năm làm nghề, tôi chưa khi nào thấy tình cảnh bi đát như hiện nay", ông Cường buồn bã nói.
Tuy vậy, không phải ai cũng may mắn như ông Cường khi có đủ điều kiện để được Nhà nước hỗ trợ. Đa phần các HDVDL hiện nay đều ở dạng làm việc tự do theo tour, không có hợp đồng lao động hoặc không phải là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Là HDVDL cho Công ty Hòa Bình Travel từ năm 2017 và trước đó là nhiều công ty khác, ông Nguyễn Tuấn Khang đến từ Khánh Hòa chỉ có hợp đồng thời vụ.

Theo các HDVDL, đa phần họ không có hợp đồng lao động.
"Tôi nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa nói rằng, nếu HDVDL có thẻ hội viên của Hiệp hội HDVDL thì với hợp đồng lao động thời vụ cũng sẽ là đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, do đó tôi đã gửi hồ sơ cho sở", ông Khang chia sẻ.
Theo ông Khang, làm cho Hòa Bình Travel chi nhánh ở Khánh Hòa, ông chủ yếu phục vụ tuyến từ Quy Nhơn về Buôn Ma Thuột, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sài Gòn.
"Dịch bệnh COVID-19 khiến tôi phải nghỉ việc từ năm 2019 đến nay. Tôi ở nhà trông con nhỏ, chỉ một mình vợ đi làm. Trong đợt đầu nghỉ dịch, doanh nghiệp hỗ trợ 1 triệu đồng, nhưng từ đợt 2, DN thua lỗ nên chúng tôi không đòi hỏi gì. Khi dịch bùng phát, tất cả HDVDL mất việc, theo đó người đi phụ hồ, người làm cơ khí, người ở nhà trông con như tôi", ông Khang cho biết.
Ông Khang kể thêm: "Khi chưa có dịch, tôi ký hợp đồng theo tour với công ty. Đi tour nào về nhận thù lao tour đó. Thông thường, mùa hè cao điểm, mỗi tháng tôi đi khoảng 3 - 5 tour, mỗi tour dài ngày là 6 - 7 ngày. Mỗi tour công ty trả cho từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. 13 năm theo nghề, giờ dịch bệnh kéo dài, không biết tương lai sẽ như thế nào".
"Đang thất nghiệp nên nếu được hỗ trợ thì gia đình đỡ phần nào. Câu nói "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" thực sự có ý nghĩa với tôi và nhiều anh em làm nghề HDVDL như tôi lúc này. Còn nếu Nhà nước cứng nhắc với điều kiện có hợp đồng lao động thì đúng là... đánh đố HDVDL tự do. Phần nhiều anh em HDVDL chỉ có hợp đồng theo tour," ông Khang bày tỏ.
Cũng là HDVDL tự do nhưng làm việc ở khu vực miền Bắc, ông Hoàng Sơn cũng chỉ có hợp đồng theo tour với công ty.
"Tôi có biết thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, nhưng đọc thông tin về điều kiện để nhận tiền hỗ trợ thì thấy không vui. Điều kiện để nhận tiền hỗ trợ là có hợp đồng lao động hoặc là hội viên của hiệp hội về HDVDL thì hầu như tất cả chúng tôi đều không đáp ứng được. Tôi không có cả hai điều kiện này. Với các đơn vị lữ hành, hai năm nay không có khách, chắc họ cũng phá sản, tìm việc khác để làm rồi, thì lấy đâu ra hợp đồng cho hướng dẫn viên. Bản thân họ cũng phải chuyển đổi ngành nghề khi du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh", ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, đa phần anh em HDVDL đều đã chuyển sang công việc khác để chăm lo cuộc sống. Bản thân ông chuyển sang làm lái xe công nghệ lấp khoảng trống, chờ khi dịch bệnh qua đi để quay lại với nghề. .
"Không nỗi buồn nào lớn hơn khi yêu nghề mà không được làm đúng nghề. Mất bao nhiêu thời gian học tập, đào tạo và tích lũy kinh nghiệm, làn sóng COVID-19 đánh bay tất cả, khiến các HDVDL rơi vào cảnh lao đao. Giờ điều kiện để nhận hỗ trợ là có hợp đồng lao động thì thực sự gây khó cho chúng tôi, bởi bản thân HDVDL không chỉ làm việc với một công ty mà thực tế họ ký hợp đồng thời vụ với rất nhiều đơn vị", ông Sơn buồn bã nói.

Nhà nước nên linh động
Cho rằng phần nhiều HDVDL không có hợp đồng lao động, ông Cường kiến nghị Nhà nước nên linh động xử lý bởi dịch bệnh là lý do bất khả kháng.
"Tôi nghĩ chỉ cần thẻ HDVDL do Tổng cục Du lịch cấp là đủ. Đáng lẽ với gói hỗ trợ này, cơ quan quản lý chỉ cần search trên mạng là tổng hợp được tất cả số lượng HDVDL nội địa và quốc tế. Tất cả HDVDL đã được cấp thẻ đều đã có trên mạng với mã QR Code, không cần phải thêm thủ tục phức tạp nào", ông Cường nêu.
Ông Cường cho biết thêm, bản thân các HDVDL đều có số tài khoản. Khi xác định được những HDVDL có thẻ do Tổng cục Du lịch cấp, cơ quan Nhà nước chỉ cần chuyển tiền hỗ trợ vào tài khoản cho họ. Cách thức này phù hợp với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.
Trong khi đó, ông Khang đề xuất, với những HDVDL có thẻ hết hạn chưa đăng lý lại được thì các cơ quan quản lý cũng nên linh hoạt để hỗ trợ phần nào khó khăn cho họ. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thủ tục hành chính cần giảm bớt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và tiền hỗ trợ đến với những đối tượng chịu tác động sớm nhất.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm