Hỗ trợ doanh nghiệp

Kết nối ngân hàng, doanh nghiệp nhằm gỡ khó tiếp cận tín dụng

DNVN - Trước tình hình tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tại Thái Nguyên có xu hướng giảm, ngày 4/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức “Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh nhằm đưa ra các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.

Điều hành linh hoạt, hướng nguồn tín dụng đến lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội / Doanh nghiệp sẽ phá sản nếu không nới room tín dụng

Từ đầu năm 2023 đến nay, với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, NHNN đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Bên cạnh việc điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt như bất động sản, nông sản.

Trong khuôn khổ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tính đến cuối tháng 8/2023, NHNN đã hỗ trợ lãi suất (HTLS) hơn 169.000 tỷ đồng. Dư nợ HTLS đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền HTLS lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng.

Tính riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 30/9/2023, dư nợ cho vay đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022. Tuy nhiên, tình hình tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 6,28%.

Cần đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để gỡ khó cho việc tiếp cận tín dụng.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, NHNN cho rằng, ngành ngân hàng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh.

Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). Xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, trọng tâm là Chương trình HTLS 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực. Tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.

Cần đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm