Hỗ trợ doanh nghiệp

Khoảng 60% doanh nghiệp có thể hồi phục nếu được hỗ trợ vay vốn kịp thời

DNVN – Theo đại diện Hiệp hội DNNVV tỉnh Sóc Trăng, các tổ chức tín dụng nên đánh giá lại tài sản của DN, từ đó cho DN vay bổ sung đối với các DN mà các tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng phục hồi và duy trì hoạt động. Nếu gói này được hỗ trợ đến DN thì có khoảng 60% DN có thể hồi phục được.

Vì sao doanh nghiệp nhỏ khó vay vốn hậu Covid-19? / Đã có những doanh nghiệp đầu tiên được vay vốn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Ở thời điểm hiện tại, nguồn vốn chính là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2022” diễn ra mới đây, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, hiện nay DN đang rất cần tiếp cận vốn. Thậm chí nhiều DN nói rằng họ sẵn sàng vay với lãi suất cao để cứu DN của mình.

Nhưng điều kiện để DN tiếp cận vốn ngày càng khó. Dưới tác động của dịch bệnh, nhiều DN đã phải tạm ngừng hoạt động một thời gian dài, hiện không có doanh thu, không có lợi nhuận, không trả được vốn thì sẽ rất khó vay. Điều này Chính phủ cần phải ưu tiên quan tâm, các chính sách tài khoá cần phải có những giải pháp giúp ngân hàng.

“Ngân hàng không thể hạ điều kiện cho vay xuống, vì họ vẫn cần phải đảm bảo an toàn. Nếu hạ thêm nữa sẽ gây rủi ro rất lớn cho ngân hàng”, ông Thiên nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Thiên cho hay hiện nay chúng ta có Quỹ hỗ trợ lãi suất cho DN. Nhưng với thực trạng DN khó tiếp cận được vốn vay như hiện nay thì Quỹ hỗ trợ này khó thực hiện. Vì vậy cần có Quỹ bảo lãnh vay cùng với sự tham gia tích cực của các bộ phận liên quan làm sao để giảm thiểu rủi ro nhất có thể. Đây chính là mấu chốt để giải quyết các vấn đề hiện tại.

Cũng tại sự kiện, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (HH DNNVV) tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong 2 năm qua, có trên 80% DNNVV của tỉnh đang trong tình trạng rất khó khăn và có thể rời bỏ thị trường bất cứ lúc nào. Nguyên nhân khách quan là do sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 làm cho các doanh nghiệp này không có doanh thu, không còn vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sức chiến đấu của DN vẫn còn nhiều, vì vậy rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

DN hiện nay đang rất khát vốn. Thậm chí nhiều DN sẵn sàng vay với lãi suất cao để cứu DN của mình.

DN hiện nay đang rất khát vốn. Thậm chí nhiều DN sẵn sàng vay với lãi suất cao để cứu DN của mình.

Liên quan đến vấn đề cơ cấu nợ, vị này cho biết, theo thống kê, trong 2 năm từ 2020-2021; các DN bị mất 15 tháng không có doanh thu. Hiện tại, các DN này đều đã rất kiệt sức và có nguồn vốn được đánh giá dựa trên tài sản hợp lý để có thể được vay vốn bổ sung để có thể trụ lại và duy trì sản xuất.

Nói về vấn đề hỗ trợ lãi suất cho DN vừa qua, theo đại diện HH DNNVV tỉnh Sóc Trăng, nhiều ngân hàng tổ chức tín dụng đã hy sinh lợi ích của mình để chia sẻ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, thời gian qua có những Dn hoạt động không liên tục và bị cơ quan thuế rút giất phép kinh doanh. Điều này đã làm cho DN gặp nhiều bất lợi.

Chịu tác động nặng nề nhất là ngành du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, DN sản xuất theo chuỗi giá trị bị đứt gãy. Làm thế nào đó, trong gói hỗ trợ mới nhất của chính phủ, các tổ chức tín dụng nên đánh giá lại tài sản của DN, từ đó cho DN vay bổ sung đối với các DN mà các tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng phục hồi và duy trì hoạt động. Nếu gói này được hỗ trợ đến DN thì có khoảng 60% DN có thể hồi phục được.

Cùng đó, đại diện HH DNVVN Sóc Trăng dựa trên tình hình thực tiễn của doanh nghiệp cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể:

 

Thứ nhất: Đề nghị NHNN xem xét tiếp tục kéo giãn nợ gốc đến hết năm 2022. Cụ thể, DN chỉ hạch toán tiền lãi còn tiền gốc sẽ để DN thanh toán vào năm 2023 trở đi để giúp DN có sức mạnh và nguồn vốn đề tiếp tục kinh doanh.

Thứ hai: Đối với các DN cần nguồn vốn hoặc vẫn có khả năng tiếp tục kinh doanh được thì đề nghị các ngân hàng cho kéo giãn phần lãi suất vay. Đề nghị các NHNN cho phép các NHTM được tính lãi trên phần lãi được kéo giãn đó. Các DNNVV cần có nguồn vốn để tiếp tục kinh doanh.

Đồng thời, các ngân hàng nên cố gắng tiết kiệm chi phí, tinh giảm nhất có thể để giảm thêm từ 0,5 -1% cho DN.

Thứ ba: Đề nghị các ngân hàng nên xem xét cơ cấu đánh giá lại tài sản của DN. Đánh giá lại để có thể nâng hạn mức lên để các DN có nhu cầu kinh doanh đang cần vốn, giúp các DN và các ngân hàng có mối quan hệ tốt hơn.

Có thể nói, DN có tồn tại được hay không thì những chính sách của nhà nước rất quan trọng và là bệ đỡ giúp DN phát triển. Những hỗ trợ DN ở thời điểm này tuy không lớn nhưng chính là những động viên giúp DN có được sự an ủi trong lúc khó khăn.

 

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm