Trong tiết trời thu tuyệt đẹp của tháng doanh nhân Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Hữu Đoan - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương.
Phóng viên: Tôi thấy rằng hoạt động của các Tổ chức Hội, nếu người lãnh đạo không tâm huyết, không có chương trình hành động thật cụ thể, thật sâu sắc thì hoạt động Hội cuối cùng chỉ mang tính hình thức. Ông có thể chia sẻ quan điểm này thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Tôi có thể khẳng định ngay là quan điểm đó hoàn toàn đúng. Bởi vì trải qua 20 năm hoạt động trong Tổ chức Hội có liên quan đến doanh nghiệp và các ngành nghề, tôi thấy tất cả các Hội, Hiệp hội trên địa bàn có người lãnh đạo chủ chốt tâm huyết, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để chia sẻ được với hội viên, với doanh nghiệp thì đều thành công và đều có chỗ đứng trong xã hội. Còn ngược lại, có một số Hội lãnh đạo chỉ mang tính chất hình thức để lấy danh, lấy diện là chính, nên sự trăn trở, hy sinh, hỗ trợ cho doanh nghiệp còn hạn chế. Chính vì vậy, sự hấp dẫn của các doanh nghiệp với Hội đó rất kém, hay nói cách khác làm cho Hội đó yếu đi. Hoạt động Hội không mang lại những điều gì hữu ích cho công việc cụ thể của hội viên mà chủ yếu là giao lưu, hội hè mang tính hình thức, còn cái cốt lõi sống còn là hỗ trợ doanh nghiệp thì chưa đáp ứng được.
Phóng viên: Một thực tế ai cũng hiểu, có thể doanh nghiệp đăng ký vào Hội rất đông, có những Hội đến vài trăm người, nghìn người nhưng thực chất để các doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động Hội thì rất khiêm tốn.Như ông vừa nói, doanh nghiệp không phải họ tiếc tiền hay không phải họ không có tiền để đóng, vấn đề là họ thực sự chưa nhìn thấy quyền lợi của mình trong các Tổ chức Hội. Đây là bài toán luẩn quẩn, cứ hô hào rằng hoạt động Hội phải tâm huyết, phải hy sinh, nhưng không có kinh tế thì sự tâm huyết, hy sinh đấy không phải là dễ. Cộng với nữa, tôi tin rằng tiền ngân sách hay tiền hỗ trợ hoạt động Hội từ phía chính quyền hầu như là con số 0. Vậy theo ông, giải bài toán mâu thuẫn này theo cách gì?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Theo quan điểm của tôi, nếu làm Hội mà lúc nào cũng nghĩ đến có tiền thì có lẽ sẽ không có Hội nào tồn tại, phát triển được. Chúng ta phải đặt ngược lại là phải làm những công việc vì hội viên, vì doanh nghiệp, thì lúc bấy giờ sẽ có tiền để Hội hoạt động. Tôi nói ví dụ như Hội diễn nghệ thuật “Doanh nhân- Doanh nghiệp toàn quốc của Trung ương Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với mức chi tiêu lên đến hàng tỉ đồng đâu phải là ít. Nhưng tại sao vẫn tổ chức được mà không chỉ tổ chức ở một miền mà là cả ba miền đất nước cùng với đêm công diễn rất hoành tráng và ấn tượng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến phương cách tổ chức, huy động nguồn lực tài chínhcủa Ban Tổ chức. Nếu như hoạt động nào đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, khát khao của doanh nghiệp, doanh nhân tất tự nó sẽ bùng lên và chúng ta thực rất dễ dàng và hiệu quả.
Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, khi doanh nghiệp, doanh nhân đặt ra công việc gì, tôi sẵn sàng lao vào việc để cùng tháo gỡ, giải quyết và từ đó lại có những nguồn kinh phí để hỗ trợ, tạo điều kiện cho những hoạt động ấy. Có nghĩa là mình phải lấy các hoạt động để nuôi dưỡng và thúc đẩy các hoạt động, chứ không phải như toán kinh doanh là nếu không có lãi thì không làm nữa. Cho nên hoạt động Hội mà chỉ nghĩ đến đồng tiền, bát gạo để chúng ta dấn thân vào việc này thì rõ ràng là không thể thành công được.
Phóng viên: Một quyết sách của Nhà nước, một quyết định của Chính phủ thay đổi chính sách vĩ mô hay một điều Luật, một Nghị định thì doanh nghiệp là đối tượng phải chịu điều chỉnh nhiều nhất. Ông đã thấy câu chuyện doanh nghiệp gặp đến Hội, hay gặp đến các tổ chức chính quyền thì chủ yếu cần một sự giãi bày, sự thông cảm, can thiệp để tháo gỡ khó khăn từ vĩ mô đến vi mô, đến cả nội tại doanh nghiệp. Nhưng Hội lại là tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc chính quyền, nếu hoạt động không khéo, không thực sự vì cộng đồng doanh nghiệp thì Hội là cánh tay nối dài của chính quyền. Trong quá trình làm thủ lĩnh của Hội Doanh nghiệp địa phương, ông giải quyết các xung đột mâu thuẫn của doanh nghiệp với chính quyền thế nào để giúp được doanh nghiệp, mà lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành thấy rằng qua Tổ chức Hội, doanh nghiệp và chính quyền gần được nhau hơn và công việc giải quyết tháo gỡ các nút thắt sẽ hợp lý hơn, thuận lợi hơn?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Tôi có thể so sánh môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp cũng rất cần như một môi trường nước cho các loài sinh vật đang sống. Khi nước bị ô nhiễm thì các loài sinh vật sẽ chậm phát triển, thậm chí là sinh bệnh mà chết, vì vậy phải xử lý, cải tạo môi trường nước cho các loại sinh vật phát triển một cách tự nhiên. Đối với môi trường đầu tư kinh doanh cũng vậy, tất cả các cơ chế, chính sách dù là cấp nhà nước hay cấp địa phương đều ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và chính những sự ảnh hưởng đó có thể theo chiều tốt lên hoặc theo chiều ngược lại là khó khăn, thậm chí bế tắc thì với vai trò của Hội là một tổ chức xã hội trung gian, cũng có thể nói là cánh tay nối dài của nhà nước và có thể nói là cánh tay nối dài của doanh nghiệp đều đúng. Bởi vì nếu như để cho các cơ quan nhà nước tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cơ quan nhà nước thì có thể nói rất hạn chế vì phải qua rất nhiều thời gian, tham mưu, đề xuất (các khâu hành chính).
Nhưng nếu các Tổ chức Hiệp hội thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ với doanh nghiệp và hiểu rõ được bản chất của vấn đề, mình có quan điểm rõ ràng là ủng hộ cho doanh nghiệp để phát triển hay là khuyên doanh nghiệp cần khắc phục khó khăn hay là như đề xuất kiến nghị cụ thể cái gì mà mình đại diện được cho doanh nghiệp mình chuyển được đến cho các cơ quan nhà nước cũng như lãnh đạo tỉnh thì hiệu quả giải quyết rất là tốt, rất thuận cho doanh nghiệp. Có những ý kiến của doanh nghiệp mà chúng tôi chắp nối gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo tỉnh thì trong vòng một tuần đã giải quyết được mà thậm chí vừa tổ chức họp sinh hoạt Cà phê doanh nhân buổi sáng thì hôm sau giải quyết được ngay. Như vậy là vấn đề vai trò kết nối của Hiệp hội Doanh nghiệp rất quan trọng.
Phóng viên: Vậy để thành công thì phải xây dựng một tổ chức Hội làm thế nào cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương thấy Hội thực sự hấp dẫn. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương là một trong những điểm sáng trong các Hội phía Bắc về hoạt động cũng như thu hút hội viên. Tôi muốn ông chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong hoạt động Hội?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Tôi cho rằng quan trọng nhất là lòng tin đối với doanh nghiệp. Bất kể một doanh nghiệp nào dù mới, dù cũ nếu mà gặp tôi hay tôi đã xuống tiếp xúc thì dứt khoát gia nhập Hiệp hội. Vì người ta thấy việc làm của mình thực sự hỗ trợ được cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho người ta. Tiếp đến là năng lực, kinh nghiệm, khả năng cụ thể của mình, mặc dù anh có thể nói không hay, không khúc chiết, nhưng việc làm của anh đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người ta thì đã tạo lòng tin, chỗ dựa cho người ta. Cho nên việc thu hút hội viên vào Hội phải bằng chính việc làm.
Phóng viên: Những việc làm đó phải được thể hiện bằng sự thường xuyên đổi mới, sáng tạo chứ?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Đúng như thế. Trước hết không được làm theo lối mòn, mình phải đi trước đón đầu, những cái gì thuận lợi phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp để họ tránh những khó khăn, rủi ro và chớp được thời cơ. Nếu doanh nghiệp đứng trước nhiều lựa chọn thì mình phải tư vấn cụ thể cho họ. Khi doanh nghiệp đã đặt ra kế hoạch, họ hào hứng, tâm huyết muốn theo đuổi đến cùng vì đã đầu tư công sức, tiền bạc, bởi vậy anh phải làm thế nào thổi hồn, truyền cảm hứng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi làm công việc đó. Cuối cùng, muốn thu hút được hội viên dứt khoát anh phải sáng tạo, có nhiều hình thức tập hợp, phải đi trước. Ví như tổ chức kỷ niệm ngày Doanh nhân, trong khi các nơi thường làm mùng 8, mùng 10 thì chúng tôi làm đầu tháng để không lặp lại. Nếu mình tổ chức sau thì hội viên sẽ thấy nhàm chán.
Phóng viên: Trước ông đã từng làm Tổng Biên tập tờ báo, sau đó ông lại làm công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Khi ông làm Tổng Biên tập thì câu chuyện doanh nghiệp, doanh nhân được thể hiện trên các trang báo của mình, trên cương vị quản lý thì câu chuyện doanh nghiệp, doanh nhân là câu chuyện chính sách, và khi nghỉ hưu ông lại sang làm thủ lĩnh của Tổ chức doanh nghiệp. Ở vai của người đang nằm giữa lòng doanh nghiệp và đang là một doanh nhân, ông sẽ có thêm cái nhìn kỹ lưỡng hơn, sâu sắc hơn đối với doanh nhân và doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Tôi có thể khẳng định là nếu ai trân trọng doanh nhân, doanh nghiệp thì phải trân trọng chủ doanh nghiệp, mà nếu trân trọng chủ doanh nghiệp thì phải trân trọng doanh nghiệp. Nếu ai đã trụ vững và phát triển được với doanh nghiệp đã phát triển và có thương hiệu rồi thì tôi cho rằng đấy là con người toàn diện, rất có bản lĩnh và có trí tuệ, lòng dũng cảm. Bởi những ai không làm doanh nhân thì hết giờ, hết ngày chúng ta có thể về ăn một bữa cơm ngon, ngủ một giấc say, sáng hôm sau dậy có thể vui vẻ với bạn bè cà phê rồi đi lo công việc cảm thấy rất là thanh thản và vô tư. Nhưng đối với một chủ doanh nghiệp, để có một nụ cười là rất khó khăn, bởi vì trong mọi lúc, mọi nơi họ đều nghĩ đến cái được cái mất thậm chí ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nghĩ đến đáo hạn ngân hàng, lúc nào cũng nghĩ đến trả nợ, nghĩ đến lương công nhân, cơ chế, chính sách tăng lên như thế này thì lấy đâu ra tiền trả lương cho công nhân, cái gì đóng bảo hiểm cho người lao động . Một doanh nhân ngủ dậy, nếu buổi sáng mà không nhìn thấy hôm nay thu về được một trăm triệu, mấy trăm triệu thì coi như thất bại, bởi vì doanh nghiệp không thu được nhưng vẫn phải chi, thậm chí là chi nhiều hơn. Đối với doanh nhân thực sự, ít người vô tư lắm. Còn những người vô tư thì do đã vượt qua được ngưỡng đấy rồi, đã tận dụng được cơ hội lúc còn tranh tối, tranh sáng, cơ chế nọ, cơ chế kia, thế rồi có chống lưng, có hậu thuẫn để vượt lên... Nhưng số đấy không nhiều, còn hầu hết phải nói là có nụ cười của doanh nhân là khó lắm.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm trong suốt quãng thời gian ông làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có tình huống, sự vụ nào làm cho ông phải suy nghĩ?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Tôi có 2 tình huống. Tình huống thứ nhất mình bất lực vì mình không tư vấn giải quyết đến cùng cho doanh nghiệp và cuối cùng doanh nghiệp phải bỏ cuộc thì đấy là trường hợp nuối tiếc nhất. Các cụ nói của đau con xót, nếu như mình là người ngoài cuộc, mình hỗ trợ, có trách nhiệm chia sẻ cho doanh nghiệp thì người ta đỡ xót hơn, người ta sẽ tin cậy gắn bó với mình. Thế nhưng mình không làm những việc ấy thì mình sẽ buồn, mình cảm thấy lời tuyên thệ trong điều lệ của mình đã xa với thực tế. Trường hợp thứ hai là khi tôi hỗ trợ người ta từ đầu đến cuối, người ta thành đạt rồi thì chẳng khác gì như những ông thầy tâm linh, có khi ông nói mò lại đúng thế. Dù chẳng giúp gì cho người ta nhiều nhưng mà người ta lại mang lợn, mang gà đến biếu tặng. Thực ra, vấn đề vật chất không nhiều nhưng mình cảm nhận được cái tình cảm của hội viên và chính điều đó làm cho mình gắn bó với Hội. Tôi làm công tác Hội từ khi nghỉ hưu, từ năm 2010 đến 2014 không hưởng một đồng phụ cấp nào. Có người hỏi ông lấy tiền đâu ra hoạt động, tôi bảo, đơn gian là lấy chính hiệu quả công việc mà mình giúp cho doanh nghiệp để mình hoạt động.
Phóng viên: Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có những cái cải cách đột phá để tập trung cao độ cho khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể là cộng đồng doanh nghiệp. Vậy thông qua các công việc của Hội và chính quyền, ông có cảm nhận được sức nóng đó đã được chuyển hóa đến địa phương đúng theo kỳ vọng của Trung ương hay chưa? Hay vẫn có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Có thể nói, chưa thời kỳ nào kinh tế Việt Nam sôi động, hoạt động của Chính phủ, các Bộ, ngành hăng hái trách nhiệm và khẩn trương như bây giờ. Nhưng tại sao chưa đến được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân một cách thực sự như kỳ vọng bởi vì chính là thủ tục hành chính, nhiều tầng, nhiều nấc trung gian và các nguồn lực của nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện ban đầu cho doanh nghiệp không có, cho nên dừng ở đấy. Cơ chế đó thực ra là cơ chế của địa phương, cơ chế của các khâu trung gian còn tư tưởng chỉ đạo của trung ương đã rất là rõ ràng…
Phóng viên: Có nghĩa là ông đang nói đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đúng không?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Đúng vậy, và đến được cấp tỉnh rồi nhưng cấp huyện rất hạn chế, thậm chí là cấp xã rất lơ mơ.
Tôi nói ví dụ như một doanh nghiệp làm dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thị xã Chí Linh, chỉ có bản đồ giải thửa thôi mà 3 tháng Chủ tịch phường không ký. Khi Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức Cà phê Doanh nhân mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến dự và sau khi nghe xong những vướng mắc bất cập của doanh nghiệp, đồng chí Bí thư tỉnh đã làm việc và chỉ đạo chính quyền Thị xã giải quyết luôn. Vấn đề không ký chẳng qua là “bôi trơn” chưa đủ hoặc ít, không có lý do gì cả.
Phóng viên: Với vai trò là thủ lĩnh Hội địa phương, ngày đêm ông vẫn đang trăn trở vì cơ chế, chính sách tôn vinh, khen thưởng cho các doanh nghiệp ở địa phương. Ông có thể chia sẻ vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Thực ra hoạt động tôn vinh cho doanh nghiệp hiện nay đang bị lạm dụng, khen thưởng nhiều quá và thậm chí chưa đúng thực chất, chưa thực sự đi vào tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ. Tôi cho đó là lạm dụng. Do vậy, nên nên cân nhắc trong việc xét tôn vinh khen thưởng thông qua kênh của nhà nước. Kênh của Hội mang tính chất phong trào thì không nên khen toàn diện, bởi vì khen toàn diện là phải hết năm và xét nhiều tiêu chí mới khen được. Nhiều tiêu chí thì dứt khoát phải có tiêu chí châm chước, mà đã châm chước thì mọi người sẽ coi thường hình thức khen của Hội, được khen người ta cũng không mặn mà.
Tôi nghĩ, Hội nên khen chuyên đề, khen theo việc thì không ai thắc mắc. Tôi phát động ủng hộ đồng bào lũ lụt, doanh nghiệp nào ủng hộ nhiều, doanh nghiệp nào đi trước tôi khen, còn đơn vị nào không đi, dù có ủng hộ tiền tỷ cho các phong trào khác cũng không được khen. Để rút kinh nghiệm khen thưởng cho doanh nghiệp, Hiệp hội cũng đề xuất khen thưởng chuyên đề là chính, còn khen thưởng toàn diện theo năm thì tập trung vào những doanh nghiệp còn thiếu điều kiện đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen, thiếu điều kiện để Chủ tịch nước khen thì mình phải tập trung bồi dưỡng ngay từ đầu năm.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Lan Hương (Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)