Hỗ trợ doanh nghiệp

Lâm Đồng: Công ty Sunfeel Việt Nam khắc phục nửa vời quyết định xử phạt vi phạm môi trường

DNVN – Với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam, bên cạnh mức phạt hành chính với số tiền 522 triệu đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng còn yêu cầu phải đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường 4 tháng để khắc phục hậu quả, nhưng doanh nghiệp này đã không tuân thủ.

Lâm Đồng: Tiếp thu ý kiến dư luận, Liên Minh Group tạm đóng cửa Khu du lịch Quỷ Núi từ 16/7 / Lâm Đồng: Tập đoàn Novaland tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP. Bảo Lộc

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, ngày 31/7/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1628/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam (Công ty Sunfeel Việt Nam), trụ sở tại Khu Công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng), do ông Li Chun (quốc tịch Trung Quốc) làm Giám đốc.

Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam.

Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam.

Theo quyết định này, Công ty Sunfeel Việt Nam đã có hành vi vi phạm hành chính về pháp luật Bảo vệ môi trường, đó là: Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thài từ 100m3/ngày đến dưới 200m3/ngày (24 giờ); quy định tại Điều 13 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Với hành vi vi phạm đó, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định xử phạt Công ty Sunfeel Việt Nam với số tiền 522 triệu đồng và đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường 4 tháng, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt.

Bên cạnh đó còn yêu cầu, trong thời gian 30 ngày, Công ty Sunfeel Việt Nam phải thực hiện khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), kết quả khắc phục.

Thế nhưng, theo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, ngày 18/8/2020, Công ty Sunfeel Việt Nam có Công văn số 76/SVN gửi Sở về việc khắc phục hậu quả với một số nội dung chính, đó là: (1) Đã nộp tiền xử phạt: 522 triệu đồng; (2) Khắc phục sự cố rò rỉ của hệ thống xử lý nước thải; (3) Di dời khu vực sản phẩm phụ sang vị trí mới giáp khu vực để xe, cách xa văn phòng Công ty Appolo; (4) Tiếp tục vận hành nhà máy và test kết quả thường xuyên để kiểm tra mức độ ổn định của hệ thống xử lý nước thải.

 

Qua các nội dung báo cáo của Công ty Sunfeel Việt Nam, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: “Mặc dù hiện nay, Công ty Sunfeel Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, việc công ty này vẫn đang tiếp tục sản xuất bình thường là chưa thực hiện đúng các nội dung yêu cầu tại quyết định xử phạt của UBND tỉnh Lâm Đồng”.

Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, kết quả thực hiện các nội dung khắc phục (của Công ty Sunfeel Việt Nam), chưa được cơ quan thẩm quyền kiểm tra, đánh giá xác nhận đảm bảo theo quy định.

Bên cạnh đó, khu vực sản phẩm phụ được di dời sang vị trí mới giáp khu vực để xe, cách xa văn phòng Công ty Appolo (không phải khu vực C5-KCN) là chưa đúng yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như cam kết của công ty.

Ngoài ra, việc bố trí, lắp đặt công trình bảo vệ môi trường (xử lý mùi, xử lý nước thải…), cho khu vực nấu kén đảm bảo các quy định về xả thải, vẫn chưa được công ty báo cáo.

Văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng chỉ ra việc khắc phục ô nhiễm môi trường một cách nửa vời của Công ty Sunfeel Việt Nam.

Văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng chỉ ra việc khắc phục ô nhiễm môi trường một cách nửa vời của Công ty Sunfeel Việt Nam.

 

Trước việc thực hiện các biện pháp khắc phục mang tính nửa vời của Công ty Sunfeel Việt Nam, ngày 21/8/2020, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp này: “Tạm ngừng các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, di dời khu vực sản phẩm phụ (khu vực nấu kén) đến vị trí khu vực C5-KCN và các nội dung yêu cầu khác của Quyết định 1628 và Công văn 5557 của UBND tỉnh Lâm Đồng”.

“Khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, báo cáo kết quả khắc phục ô nhiễm đính kèm các hồ sơ có liên quan về Sở TN&MT theo quy định. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét đối với việc cho phép được hoạt động trở lại”, văn bản do Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Trãi ký ban hành nêu rõ.

Theo thông tin phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam có được, trước đó, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản gửi Sở TN&MT, báo cáo tình hình chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường của Công ty Sunfeel Việt Nam.

Qua đó cho thấy, Công ty Sunfeel Việt Nam vẫn đang duy trì hoạt động các công đoạn sản xuất có phát sinh nước thải tại khu vực ươm tơ và khu vực sản phẩm phụ. Khu vực sản phẩm phụ đã được di dời sang vị trí gần nhà để xe – giáp với lô C5-KCN và nước thải của dự án vẫn được xả vào hệ thống thoát nước chung của KCN Phú Hội.

 

Từ thực tế trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng khẳng định, Công ty Sunfeel Việt Nam đã không chấp hành yêu cầu ngừng hoạt động gây ô nhiễm môi trường 4 tháng theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh; hoạt động xả thải ra môi trường vẫn diễn ra khi chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận đảm bảo quy chuẩn xả thải theo quy định.

“Do vậy, đề nghị Sở TN&MT thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với Công ty Sunfeel Việt Nam, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lâm Đồng”, trong báo cáo của mình, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh.

Trụ sở Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam tại Khu Công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Trụ sở Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam tại Khu Công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Được biết, Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam, do ông Li Chun (quốc tịch Trung Quốc) làm Giám đốc, được thành lập từ năm 2017, đặt trụ sở tại KCN Phú Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), với ngành nghề chính là sản xuất sợi.

 

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty này liên tục bị một số đơn vị hoạt động cùng trong KCN Phú Hội phản ánh, kiến nghị đến ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm