Hỗ trợ doanh nghiệp

Lần đầu tiên Việt Nam có Liên minh Sáng tạo Nội dung số

DNVN - Sáng 21/12, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức Lễ ra mắt Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) nhằm tập hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có chung lý tưởng tạo ra nhiều sản phẩm nội dung “Make in Vietnam” có giá trị cao.

Lâm Đồng: Tìm giải pháp tháo gỡ các "điểm nghẽn" giúp phát triển du lịch canh nông / 4 trụ cột phát triển bền vững ngành hàng trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Lễ ra mắt, ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch VDCA cho biết, Liên minh Sáng tạo nội dung số (Digital Content Creation Alliance - DCCA) - đơn vị trực thuộc VDCA ra đời với sứ mệnh “Kết nối tạo giá trị trên toàn thế giới”; kết nối các doanh nghiệp, cá nhân trong ngành nội dung số, công nghệ thông tin và truyền thông, gắn kết cùng phát huy thế mạnh của nhau để cùng phát triển.
Tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa ngành sáng tạo nội dung số Việt Nam ngày một lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm nội dung “Make in Vietnam” có giá trị, không chỉ phục vụ cho thị trường Việt Nam mà còn cung cấp ra toàn thế giới.

Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch VDCA cho biết, DCCA là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam về sáng tạo nội dung số.
DCCA là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam về sáng tạo nội dung số, hướng tới mục tiêu tập hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có chung lý tưởng, chung mục tiêu phát triển, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, vươn ra toàn cầu. Liên minh sẽ quy tụ những cá nhân, tổ chức trên toàn cầu có chung chí hướng, cùng nhau làm những sản phẩm nội dung có giá trị cao, phục vụ cho người dùng trên thế giới.
Ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để những cá nhân, tổ chức kinh doanh vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì các nhà sáng tạo cần có tư duy chiến lược về kinh tế số, cần phải chuyên nghiệp hóa khâu quản lý, vận hành doanh nghiệp.
Hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số hoạt động phân tán, thiếu các định hướng xây dựng các mô hình doanh nghiệp bền vững, thực trạng nhận thức về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, và luật pháp quốc tế chưa cao, hình thành nên cộng đồng có độ tín nhiệm thấp trên môi trường kinh doanh quốc tế và trong mắt các nền tảng số đa quốc gia. Trong khi chưa có một tổ chức như Hội, Hiệp hội đại diện cho lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù này.

Ban điều hành Liên minh Sáng tạo nội dung số gồm ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch (đứng giữa), ông Hoàng Đình Chung (Phó Chủ tịch thường trực- thứ 2 từ phải sang), bà Quyên Phạm (Phó Chủ tịch - Tổng thư ký, ngoài cùng bên trái).
Trên thực tế, mặc dù số lượng các nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam ngày càng tăng, nhưng số lượng các nội dung có giá trị với cộng đồng chưa nhiều. Bên cạnh đó, đội ngũ làm nội dung hầu hết là các nhà sáng tạo tự do, tự phát triển. Nhiều người chưa có những kiến thức chuyên môn căn bản về nội dung số, chưa được đầu tư về marketing.
Việc phát triển nội dung chưa được hoạch định chiến lược về sản phẩm một cách bài bản, chưa có quy chuẩn sản phẩm, kế hoạch phát triển mơ hồ, thiếu tập trung. Không ít người chỉ coi việc sáng tạo nội dung số là phục vụ đam mê, giải trí dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa được tốt, lãng phí nguồn đầu tư. Nhiều sản phẩm đều mang tính chất giải trí, thiếu tính nhân văn, truyền cảm hứng, chưa có sự chỉn chu, chưa tạo được nhiều giá trị cho cộng đồng.
"Tất cả những lý do này đã thôi thúc VDCA hình thành một tổ chức nhằm mục đích tập hợp và kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh về sáng tạo nội dung số trong và ngoài nước. Các thành viên sẽ hợp lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài, chia sẻ nhiều hơn kiến thức về nền kinh tế số", Chủ tịch VDCA chia sẻ.
Sáng cùng ngày, Trung tâm Bản quyền số trực thuộc VDCA chính thức ra mắt Tổng đài tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền 1900.2685 (Tổng đài 1900.2685).
Tổng đài 1900.2685 ra đời sẽ tiếp nhận các thông tin báo cáo, phản ánh vi phạm bản quyền từ các cá nhân, tổ chức. Tổng đài sẽ có bộ phận hỗ trợ tiếp nhận thông tin và hướng dẫn cá nhân, tổ chức khai báo cung cấp bằng chứng vi phạm đúng cách.
Thông tin cung cấp sẽ được chuyển tới các đơn vị có thẩm quyền để kiểm tra, giải quyết và xử lý vi phạm (nếu có). Kết quả sẽ được thông báo lại cho cá nhân, đơn vị khai báo sau khi vi phạm được xử lý.
Phạm vi các lĩnh vực hỗ trợ tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền bao gồm: Mạng xã hội; báo chí, truyền hình; nghệ thuật, âm nhạc; sách báo, ấn phẩm, quảng cáo; các lĩnh vực sáng tạo nội dung khác …
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm