Doanh nghiệp gặp khó khi đầu tư dự án du lịch canh nông
Du lịch canh nông "nở hoa" ở vùng đất Hà Nội trên Cao nguyên / “Thủ phủ” du lịch canh nông Lâm Đồng tạm thời dừng chấp thuận đầu tư dự án mới
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, chiều ngày 20/12, tại Trung tâm trưng bày sản phẩm SUNFOOD (TP Đà Lạt), Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì tổ chức Hội nghị đánh giá và đề xuất giải pháp phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 về việc phê duyệt đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông, đã có 33 tổ chức, cá nhân đăng ký triển khai và được công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông”, với tổng vốn đầu tư khoảng 377 tỷ đồng.
Sản phẩm du lịch canh nông đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đồng thời từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, nên năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 933 về việc ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Đã có 3 doanh nghiệp được cấp quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư dự án du lịch canh nông kể từ khi triển khai quy chế tạm thời này.
Du lịch canh nông đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh Lâm Đồng.
“Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, nên hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện. Dẫn đến công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp, nhất là tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỉ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp...”, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc, nêu thực trạng.
Doanh nghiệp gặp khó khi triển khai dự án
Ông Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt, cho biết, đã theo đuổi mô hình du lịch canh nông trong mấy năm nay với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 2 ha. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn khó khăn trong việc xây dựng khu vực nhà vệ sinh và khu dừng chân cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt, phát biểu ý kiến.
“Bên cạnh đó, để phát huy chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất đến bàn ăn, ngành chức năng cần nghiên cứu phương án tạo điều kiện cho các dự án du lịch canh nông được xây dựng khu vực trưng bày sản phẩm tại khu vực trải nghiệm. Qua đó tăng giá trị niềm tin cho du khách trong việc tiếp cận và mua sắm sản phẩm”, ông Phạm Ngọc Thạch đề nghị.
Ông Nguyễn Lam Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng (huyện Lạc Dương), cho biết, doanh nghiệp đã ấp ủ triển khai dự án du lịch canh nông rất lâu nhưng khi bắt tay triển khai gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do thủ tục hành chính không có hướng dẫn cụ thể. Hồ sơ đăng ký nộp cho ngành chức năng xong bị trả lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Nếu không kiên trì có khi đã “nửa chừng đứt gánh”.
Ông Nguyễn Lam Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng, chia sẻ tại hội nghị.
“Làm du lịch canh nông, chúng tôi phải gánh 2 vai: Vừa phải bảo đảm sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - đẹp, ứng dụng công nghệ cao, vừa phải tổ chức dịch vụ du lịch bài bản mới có thể thu hút khách. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư, ngành chức năng cần xem xét hỗ trợ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch… để doanh nghiệp sớm triển khai hoàn thiện mô hình, nhằm đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Nguyễn Lam Sơn nêu ý kiến.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê tại huyện Lâm Hà, bà Đoàn Ngọc Bích – Giám đốc điều hành Công ty Cà phê tám Trình, cho biết, khi đề xuất phát triển thêm sản phẩm du lịch, bà đã nghĩ ngay đến mô hình du lịch canh nông và đã triển khai được khoảng 6 tháng nay. Vì theo bà, đây là thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng và khi được đầu tư, chăm chút đúng mực, du lịch canh nông sẽ giúp thương hiệu Việt vang xa. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện các hồ sơ, giấy tờ mới thấy gặp rất nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Bà Bích cũng chỉ ra rằng, theo quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông của tỉnh Lâm Đồng, dự án du lịch canh nông không được kinh doanh dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị du lịch phải bao gồm ăn - uống – di chuyển – lưu trú.
Bà Đoàn Ngọc Bích – Giám đốc điều hành Công ty Cà phê tám Trình, nêu kiến nghị.
“Khi đón tiếp các đối tác và khách nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản… bên cạnh việc tham gia trải nghiệm sản xuất, thu hái, chế biến cà phê với người dân, họ đều quan tâm và đề nghị được lưu trú ít nhất một đêm tại nông trại để được trải nghiệm không khí nông thôn Việt Nam. Nếu du lịch canh nông không có lưu trú sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chuỗi giá trị du lịch. Rất mong ngành chức năng xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi đủ điều kiện được triển khai”, đại diện Công ty Cà phê tám Trình đề nghị.
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Viết Vân – Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, cho biết, tại hội nghị đã có 14 ý kiến, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và một số cơ quan, địa phương liên quan đến mô hình du lịch canh nông. Là cơ quan đề xuất, tổng hợp, tham mưu thực hiện mô hình du lịch canh nông, Sở tiếp thu, tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Viết Vân – Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp.
“Từ khi ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông, đã có 3 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư. Sở sẽ lấy mô hình thủ tục của các dự án này để mẫu hoá, cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham khảo để triển khai thực hiện được nhanh gọn, dễ dàng. Trong quá trình thực hiện, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng khẳng định.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã yêu cầu Sở VH-TT&DL tổng hợp tất cả các ý kiến của các doanh nghiệp đã nêu trong hội nghị để tỉnh có kết luận điều chỉnh nhằm triển khai tốt hơn loại hình du lịch này trong năm 2023. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá loại hình du lịch canh nông gắn liền với thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lạnh” dưới nhiều hình thức đa dạng phong phú, đặc biệt trên nền tảng số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở VH-TT&DL rà soát các “Điểm du lịch canh nông” đã công nhận trước đây, để tiếp tục cấp phép cho các điểm đủ điều kiện tiếp tục hoạt động. Giao các sở, ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư… cần có các hướng dẫn chi tiết, cụ thể để làm sao giúp các doanh nghiệp, HTX rút ngắn các thủ tục đầu tư ngắn gọn nhất, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo