Hỗ trợ doanh nghiệp

Lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn để hóa giải thách thức

DNVN - Trong bối cảnh đối diện với những "cơn gió ngược", giải pháp ưu tiên nào để vượt qua khó khăn, tận dụng những "cơn gió xuôi" hiệu quả, nắm bắt được cơ hội trong năm 2023 là điều mà các chuyên gia, cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trăn trở, mong mỏi để duy trì tốc độ tăng trưởng, đặt nền móng vững chắc cho những năm tiếp theo.

Đà Nẵng: Thu hút vốn FDI tiếp tục giảm sút, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó / Đề nghị bổ sung quy định giới hạn số lần kiểm tra doanh nghiệp trong năm

Cơ hội đan xen thách thức
Năm 2023 được Chính phủ coi là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm tạo đà quan trọng hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030.
Trong khi đó, thời gian qua, giới chuyên gia đã nhắc nhiều đến cụm từ "cơn gió ngược" tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Nguy cơ xung đột địa chính trị trên thế giới, những bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt… đang là những thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam năm nay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lạc quan cho rằng, trong bối cảnh đối mặt với những "cơn gió ngược", nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những "cơn gió xuôi".
Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Ẩn số của năm nay là việc mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc, đây là một chủ thể vừa gây ra "gió ngược" và "gió xuôi" với nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ nổi lên như một trong những yếu tố quan trọng của năm 2023 mà cả thế giới phải theo dõi. Dù vậy, phải đến hết quý II/2023, việc mở cửa của Trung Quốc mới tác động đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc mở cửa của Trung Quốc có thuận lợi cho nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu của Việt Nam song thách thức là các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cạnh tranh với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Trong khi một số khu vực lớn được dự báo suy thoái thì Châu Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan, đặc biệt là khu vực ASEAN. ASEAN vẫn là thị trường lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, đây là "cơn gió xuôi" rất mạnh và rất có tiềm năng.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học FulBright Việt Nam cũng nhìn nhận, việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa, tạo cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam sang Trung Quốc và du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam.
Dự báo tăng trưởng quý I/2023 sẽ kém tích cực và quý II vẫn tiếp tục khó khăn, song "khe cửa hẹp” để Việt Nam có thể "đổi chiều" chính sách rơi vào giữa năm 2023. Nguyên nhân là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất và có thể tăng ba lần nữa. Nếu duy trì mức lãi suất cao trong cả năm sẽ rất khó khăn cho các DN. Vì vậy "khe cửa hẹp" vào tháng 5 là cơ hội để giảm lãi suất, hỗ trợ DN do áp lực tỷ giá qua đi.
Những lĩnh vực cần ưu tiên
Không nhấn mạnh kết quả kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 là nhất khu vực, tốc độ tăng trưởng cao trong lịch sử, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thành tựu năm 2022 rất đáng phấn khởi với những khó khăn chúng ta đã trải qua và vượt qua. Trong năm 2023, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục giữ vững tâm thế, kèm theo đó là hành động quyết liệt, minh bạch và có thể dự đoán trước.

Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.
"Chính phủ cần ưu tiên thực hiện 3 lĩnh vực trong năm 2023. Đầu tiên, phải biến giải pháp thành kết quả cụ thể. Có nghĩa là phải thực hiện một cách nhanh nhất có thể. Thứ hai, bám sát những khó khăn của DN và điều chỉnh chính sách cho phù hợp vì những khó khăn có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Thứ 3, nên giải quyết dứt điểm những khó khăn tiềm ẩn rủi ro của nền kinh tế như thị trường vốn. Trong đó, cơ cấu lại lĩnh vực tài chính ngân hàng phải giải quyết dứt điểm, minh bạch và có thể tiên đoán trước được", ông Phan Đức Hiếu nói.
Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng có 2 ưu tiên. Thứ nhất, Chính phủ cần hành động khẩn trương trong tạo dựng môi trường thể chế. Thể chế và môi trường kinh doanh không tốt thì khó tạo động lực cho nền kinh tế.
Thứ hai, cần tập trung vào khu vực DN. DN khó khăn sẽ không có tăng trưởng kinh tế. Phải có giải pháp hỗ trợ DN. "Cứu" DN chính là hành động tạo dựng ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển trong những năm sau. DN là chủ thể cần quan tâm trong thời gian tới. Bởi theo thống kê, cứ 10 DN mới tham gia thị trường và quay trở lại thị trường thì có tới 7 DN rút khỏi thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học FulBright Việt Nam.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học FulBright, những chính sách vĩ mô cần tập trung vào hành động rất ngắn hạn trong năm nay. Dù là "cửa hẹp" nhưng để có kết quả kinh tế không quá xấu trong năm 2023, đầu tiên chính sách tiền tệ phải rất chủ động để có khả năng chuyển hướng sang hỗ trợ cho tăng trưởng, nới lỏng hơn và hạ mặt bằng lãi suất. Ưu tiên trong quý I và II là bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, mạnh dạn nới lỏng tiền tệ từ giữa năm nay.
Về tài khóa, chính sách miễn giảm thuế là hữu hiệu vì không tạo ra thêm bộ máy nào, DN và người dân được hưởng lợi. Đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thúc đẩy đầu tư của DN. Như vậy về mặt tài khóa, chính sách miễn giảm thuế phải rất linh hoạt để kết nối giữa tài khóa và tiền tệ.
Và vấn đề ổn định tài chính vĩ mô, cần ưu tiên ổn định hệ thống ngân hàng. Kinh nghiệm cho thấy, nếu ngân hàng khó khăn thì kinh tế phải mất 5 - 10 năm mới có thể phục hồi.
Lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị, Chính phủ nên đưa ra thông điệp ổn định chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho DN. Khi bên ngoài bất ổn, bối cảnh khó dự đoán thì vấn đề cần làm là phải giữ sự ổn định tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN. Bất kỳ chính sách nào đi ngược lại điều này hay có xu hướng ảnh hưởng điều này thì cần phải qua quá trình kiểm duyệt, đánh giá, cân nhắc rất kỹ.
Chất lượng thực thi chính sách là điều rất đáng quan tâm. Việt Nam có nhiều chính sách tốt nhưng thực thi cũng cần phải tốt. Phải tạo ra động lực thực thi cho bộ máy chính quyền các cấp. Ngoài ra, chất lượng pháp luật cần phải giảm tình trạng chồng chéo, trùng lắp, phiền hà để người thực thi yên tâm và DN thực thi thuận lợi.
Ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op.
Ở góc độ DN, ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế để DN không chỉ tồn tại mà còn có cơ chế giúp họ "lớn" được. Cơ quan quản lý khi xây dựng cơ chế chính sách cần lắng nghe nguyện vọng của DN nhiều hơn để có chính sách sát và phù hợp hơn, qua đó giúp DN phát triển.
Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó TGĐ Tập đoàn Tân Long cho rằng năm 2022 DN rất bối rối khi lãi suất đột ngột tăng khiến DN gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó là khách hàng gặp khó khăn nên DN rất khó làm ăn kinh doanh.
"Chính sách về tỷ giá chỉ là vấn đề ngắn hạn, nhưng chỉ trong 1 đêm tỷ giá đã thay đổi vài % thực sự gây khó cho DN vì rơi vào thế bị động. DN mong muốn biết được chính sách sớm hơn để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguyện vọng của DN là chính sách bớt giật cục, bất ngờ - điều mà Thủ tướng Chính phủ đã từng chỉ đạo", ông Nguyễn Chánh Chung bày tỏ.
Cho rằng những dự báo khó khăn trong năm 2023 là tiên lượng được, không như năm 2022. Giới chuyên gia kỳ vọng, với sự chung sức đồng lòng, sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và DN, Việt Nam sẽ linh hoạt xoay chuyển trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Qua đó hóa giải, biến những thách thức thành cơ hội để bứt phá trong năm nay và những năm tiếp theo.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm