Hỗ trợ doanh nghiệp

Liên kết hợp tác xã thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm

DNVN - Từ ngày 31/5 đến 2/6, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Đà Nẵng chủ trì tổ chức phiên chợ sản phẩm HTX lần 1 và tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và liên minh HTX 17 tỉnh, thành trên cả nước.

Đà Nẵng: Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản đối với đầu tư, kinh doanh / "Bàn" giải pháp phát triển bền vững vận tải biển ASEAN

Dịp này, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Công Chính - Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các HTX.

Ông Phạm Công Chính, Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng (ngoài cùng, áo trắng, đeo kính) đến thăm gian hang và động viên các HTX của Đà Nẵng tham gia phiên chợ sản phẩm HTX lần 1

Ông Phạm Công Chính - Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng (áo trắng, bên trái) đến thăm gian hàng và động viên các HTX của Đà Nẵng tham gia phiên chợ sản phẩm HTX lần 1.

Xin ông cho biết khái quát về tình hình chung của khu vực kinh tế tập thể, HTX hiện nay?

Ông Phạm Công Chính: Tính đến cuối năm 2022, cả nước có gần 30.000 HTX, 125 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác. Có thể nói, các loại hình kinh tế tập thể đã và đang sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa rất lớn, không chỉ tạo ra giá trị về kinh tế mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài số ít HTX lớn, có thương hiệu tìm được hướng đi ổn định cho sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu thì còn lại đa phần các tổ chức kinh tế tập thể vẫn hết sức lúng túng trong giải quyết đầu ra, khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Trước thực tế đó, tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể” hướng tới mục tiêu gì?

Ông Phạm Công Chính: Những hạn chế nêu trên cho thấy công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, giải pháp kết nối cung - cầu được xác định là khâu vô cùng quan trọng trong việc phát triển thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tập thể.

Với tham dự của đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và liên minh HTX 17 tỉnh, thành, cuộc tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể” do Liên minh HTX Đà Nẵng tổ chức trong khuôn khổ phiên chợ sản phẩm HTX lần 1 1à dịp để trao đổi, thảo luận, đánh giá đúng thực trạng tình hình về vai trò, vị trí của liên minh HTX các tỉnh, thành trong việc hỗ trợ kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể, HTX.

Theo ông, giải pháp nào để sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường?

Ông Phạm Công Chính: Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì một trong những giải pháp cơ bản là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu. Từ đó giúp các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (gọi chung là HTX) hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm mang lại hiệu quả lớn hơn, hướng đến sự phát triển bền vững.

Qua trao đổi với liên minh HTX các tỉnh, thành thì các đơn vị đã tích cực triển khai hỗ trợ các HTX tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nhằm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ. Đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực XTTM, phát triển thị trường; tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm; hỗ trợ cập nhật sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lên sàn giao dịch thương mại điện tử...

Một số liên minh HTX đã tổ chức được các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể; xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn. Một số liên minh HTX khác còn xây dựng được mối quan hệ liên kết để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của kinh tế tập thể, HTX.

Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác XTTM cho sản phẩm HTX còn gặp những khó khăn gì?

Ông Phạm Công Chính: Tuy đạt được một số kết quả những việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Nguồn lực phân bổ cho liên minh HTX để triển khai các chương trình hỗ trợ XTTM cho khu vực kinh tế tập thể còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các HTX. Hình thức hỗ trợ còn nghèo nàn, ý tưởng tổ chức các hoạt động hỗ trợ chưa đổi mới, chưa có tính đột phá; số lượng hỗ trợ còn ít.

Đặc biệt, mối quan hệ liên kết giữa liên minh HTX các tỉnh, thành để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho khu vực kinh tế tập thể còn rất hạn chế, chưa tạo thành mạng lưới đủ mạnh để tác động tích cực cho việc này. Số lượng kết nối giữa các mô hình kinh tế tập thể với nhau và giữa các HTX với các loại hình doanh nghiệp khác còn quá ít và không bền vững. Đó là chưa kể đến những bất cập, hạn chế từ những vấn đề nội tại của khu vực kinh tế tập thể.

Do vậy, liên minh HTX các tỉnh, thành cần thống nhất các phương thức liên kết hữu hiệu, thiết thực để thúc đẩy kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kinh tế tập thể nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Xin cám ơn ông!

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm