Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến nghị Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

DNVN - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Lâm Đồng đặt mục tiêu có 250 sản phẩm OCOP vào năm 2025 / Cần Thơ chuẩn bị các thủ tục để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc

Theo VINASME, hiện cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó có khoảng 13.000 DN nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu hoạt động trên toàn quốc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động. Với việc kinh doanh hiệu quả, ổn định trong nhiều năm nay, khu vực này có nhiều đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Trong bối cảnh năm 2022 thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động khó lường, giá lên xuống với biên độ lớn trong thời gian rất ngắn, tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh xăng dầu nói chung. Để giá xăng dầu ổn định ở mức cao nhất có thể, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã sử dụng nhiều công cụ hữu hiệu để điều hành thị trường xăng dầu trong nước. Nhờ đó đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều DN bán lẻ phản ánh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, DN đầu mối áp đặt trong chia sẻ chi phí định mức kinh doanh, chiết khấu bán lẻ thường xuyên ở mức thấp và rất thấp. Thậm chí có nhiều quãng thời gian dài chiết khấu bằng 0 tại kho đầu mối. DN bán lẻ phải tự bù chi phí vận tải từ kho về địa điểm bán hàng, dẫn đến kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong tình trạng thua lỗ kéo dài.
Dù vậy, DN bán lẻ vẫn phải hoạt động để giữ khách hàng và tồn tại. Trong nhiều trường hợp phải đối mặt với nguy cơ bị rút giấy phép hoạt động, do doanh nghiệp đầu mối không cung cấp đủ xăng dầu để bán.
Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, VINASME cho biết, ngày 21/9 vừa qua, VINASME phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức hội nghị "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu", qua đó tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội và nhiều địa bàn khác trên cả nước.
Theo đó, kiến nghị được các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đưa ra thành 5 nhóm sau:
Nhóm ý kiến thứ nhất: Kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối phải chia sẻ chi phí kinh doanh bán lẻ theo đúng tỷ lệ trong công thức tính giá cơ sở hiện hành. Các văn bản hiện nay chưa quy định cụ thể các chi phí bán lẻ phải chi trả trực tiếp cho đại lý bán lẻ mà tính chung trong tổng chi phí lưu thông.

Nhóm ý kiến thứ hai: Đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét tính đủ chi phí kinh doanh định mức cho chuỗi cung ứng xăng dầu, từ khâu tạo nguồn của doanh nghiệp đầu mối đến khâu bán lẻ của các đại lý. Riêng chi phí cho khâu bán lẻ xăng dầu đề nghị tách riêng, xác định tỷ trọng chi phí bán lẻ trên tổng số chi phí để dễ áp dụng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay, mức chi phí bán lẻ chưa tính đến lợi nhuận là từ 700-800 đồng/1lít. Mức chi phí này dao động do phụ thuộc sản lượng và các điều kiện kinh doanh khác, như sản lượng, vị trí địa lý vùng sâu, vùng xa.
Đề nghị chi phí bán lẻ tối thiểu tại đại lý bán lẻ xăng dầu phải ở mức 1.200 -1400 đ/1lít trong công thức tính giá cơ sở hiện nay (với điều kiện đầu mối giao hàng tại cửa hàng).
Nhóm ý kiến 1 và 2 các doanh nghiệp cho rằng nếu tiếp cận cách giải quyết vấn đề theo tinh thần và quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, có cơ sở, căn cứ để xem xét, điều chỉnh, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn để kịp thời hỗ trợ cho các DN bán lẻ.
Bởi, theo Điểm a, b, d Khoản 1 và Khoản 2, Điều 24 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa; tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ DN nhỏ và vừa; hướng dẫn DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Bộ Công thương có trách nhiệm hướng dẫn DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm.
Khoản 1, Điều 24, Mục 3, Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa quy định “Tiêu chí xác định chuỗi giá trị và lựa chọn DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị để hỗ trợ . Chuỗi giá trị được xác định khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây: Sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng; Có các DN đầu chuỗi trong chuỗi giá trị; có các DN nhỏ và vừa có tiềm năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho DN đầu chuỗi”.
Nhóm ý kiến thứ ba: Trong tình hình hiện nay cần thực hiện thời gian điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Trước mắt, tạm thời không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ vì điều này sẽ tạo độ trễ gây ảnh hưởng tới thị trường và hiệu quả điều hành thị trường xăng dầu.
Các DN cho rằng có cơ sở, căn cứ để Bộ Công thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho phép Bộ Công thương và Bộ Tài chính được chủ động hơn trong việc quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp với tình hình cụ thể.
Bởi, theo Khoản 3, Khoản 4, Điều 38, Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 1/11/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số: 83/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu: Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm bảo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.
Nhóm ý kiến thứ tư: Việc quy định tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn là không còn phù hợp với điều kiện và sự phát triển của thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay. Nếu cho rằng quy định về điều này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là không còn phù hợp. Vì xăng dầu hiện nay được sản xuất tại Việt Nam hay nhập khẩu đều phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Việt Nam, được kiểm soát với quy trình rất chặt chẽ dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Nhóm ý kiến thứ năm: Rà soát, cắt giảm một số thủ tục hành chính, các giấy phép con, gây phiền hà cho doanh nghiệp cùng các quy định không phù hợp. Các quy định hiện nay quá nhiều khâu trung gian trong chuỗi phân phối xăng dầu, dẫn tới nhiều thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, tăng chi phí tuân thủ.
Các DN cũng cho rằng, nhóm ý kiến thứ 4 và 5 đưa ra dựa trên căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện cải cách thủ tục hành chính và những vấn đề thực tế đặt ra về rà soát các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời để nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc kịp thời phát hiện và khắc phục những vướng mắc trong hệ thống pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước.
Trên cơ sở các nhóm kiến nghị trên, VINASME cho rằng, các doanh nghiệp rất cần Bộ Công Thương nghiên cứu, chủ trì tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của các DN bán lẻ để có nhiều hơn những thông tin từ thực tiễn cơ sở.
Qua đó, Bộ Công Thương sẽ có cơ hội giải đáp những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp và đây thực chất cũng chính là thực hiện hoạt động tuyên truyền mang tính tích cực và chủ động tạo thuận lợi cho các DN bán lẻ, hiểu rõ hơn về những nguyên tắc cơ bản quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, bộ cũng nắm bắt được nhiều thông tin hơn để cân nhắc các quy định, quyết định phù hợp với điều kiện xã hội hiện có.
Trước đây, nhiều nhóm DN xăng dầu tự phát có kiến nghị về những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nhưng đây là lần đầu tiên một tổ chức hiệp hội DN lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho các DN nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu, với mong muốn những khó khăn của DN được nhanh chóng tháo gỡ để phục hồi và ổn định hoạt động kinh doanh, phục vụ nhu cầu của người dân và DN.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm