Mô hình nào giải cứu doanh nghiệp Việt?
Central Retail tại Việt Nam trao tặng 4 phòng cách ly áp lực âm chống dịch Covid-19 / Dự án USAID LinkSME tìm nhà cung ứng hơn 80 loại sản phẩm XK ra nước ngoài
Các chuyên gia về thương mại trực tuyến của Innovative Hub cho rằng có 2 sự lựa chọn cho giới doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở Việt Nam giữa mùa dịch khi mà họ tạm hoãn mọi kế hoạch, lao đao tìm kiếm lối đi riêng.
Số hóa mô hình xuất khẩu
Sự lựa chọn thứ nhất là hoãn vô thời hạn và để mọi hoạt động đi vào trạng thái ngủ đông, cắt tối đa chi phí, trong đó có lương nhân viên, giảm giờ làm. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ tạo quá nhiều hệ quả sau khi khủng hoảng dịch bệnh đi qua.
Sự lựa chọn thứ hai là các DN cần tận dụng thời điểm dịch bệnh này để đào tạo, tập huấn, chuẩn hóa quy trình làm việc. Tiếp đến, DN sẽ chuyển đổi mô hình và tìm kiếm những lối đi mới hơn, sẵn sàng đương đầu với tình hình kinh tế ảm đạm sau dịch.
Và để các DN vừa và nhỏ của Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, đặc biệt là với những DN đang dành sự quan tâm đến hoạt động xuất khẩu (XK), giới chuyên gia khuyến nghị cần lập tức hướng đến mô hình XK trực tuyến (online) thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu giữa thời điểm nhạy cảm như hiện giờ.
Nhất là khi giữa mùa dịch Covid-19, trong lúc người mua trên thế giới có nhu cầu nhưng lại không thể tìm được nhà cung cấp do sự hạn chế đi lại. Ngược lại, các nhà cung cấp Việt lại khó tìm được đầu ra vì chưa thực sự kết nối trực tuyến với những người mua này.
Điều đáng nói, Việt Nam hiện có khoảng 700.000 DN đang hoạt động, nhưng chỉ khoảng hơn 1.000 DN, cá nhân kinh doanh tham gia hình thức XK qua các sàn TMĐT trên thế giới.
Rõ ràng, đây là một hạn chế lớn để giải cứu cho các DN giữa mùa dịch khi mà số DN Việt tham gia mô hình XK trực tuyến còn khá khiêm tốn và chưa tận dụng sức mạnh của TMĐT trong bối cảnh nền kinh tế bị nhiều ảnh hưởng như vậy.
Trong khi đó, chỉ tính riêng với thị trường châu Á, giới chuyên gia cho rằng việc tiếp cận người mua ở châu lục này trong mùa dịch Covid-19 thông qua việc số hoá mô hình XK là hoàn toàn khả thi với các DN Việt với nhiều mặt hàng lợi thế.
Bởi lẽ, người dân châu Á có thời gian tương tác với điện thoại di động nhiều nhất trên thế giới và trong mùa dịch thì hoạt động này càng thể hiện rõ. Đơn cử, tỷ lệ tham gia TMĐT tại Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) là hơn 50%; tỷ lệ người sử dụng internet tại Hàn Quốc, Nhật Bản tới 90-95%, còn ở Thái Lan là 84-88%...
Ngoài mô hình XK trực tuyến, vẫn đang có những khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế nhằm tìm mô hình phù hợp để giải cứu các DN trong lúc khó khó khăn.
Bài học từ nước Đức
Chẳng hạn, việc tiếp cận những gói cứu trợ, như đề xuất của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, cần ưu tiên những DN luôn thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ thuế trong những năm gần đây để xét cấp cứu trợ.
Dẫn bài học kinh nghiệm từ nước Đức, AHK cho biết giải pháp cứu trợ dành cho DN nhỏ là họ sẽ được chính phủ hỗ trợ tài chính trực tiếp. Các DN siêu nhỏ, người kinh doanh tự do, nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, các điều dưỡng viên… là những người không nằm trong diện được vay vốn, sẽ được nhận trực tiếp từ 9.000 – 15.000 EUR trong vòng 3 tháng.
Chính phủ Đức dành cho nhóm đối tượng này một khoản cứu trợ lên tới 50 tỷ EUR. Các thủ tục hành chính được tiến hành một cách nhanh chóng và đơn giản hóa. Nhóm đối tượng này chỉ cần chứng minh cuộc khủng hoảng Corona đã khiến họ mất khả năng thanh toán.
Đối với DN vừa và lớn, Chính phủ Đức dự định sẽ thiết lập một quỹ bình ổn kinh tế với quy mô hơn 100 tỷ EUR. Quỹ bình ổn này sẽ bao gồm một gói bảo lãnh chính phủ cho khoản vay ngân hàng lên tới 400 tỷ EUR. Ngoài ra, sẽ có các chương trình cho vay không giới hạn thông qua Ngân hàng tái thiết Đức KfW.
Các công ty lớn như Lufthansa nếu cần có thể được cứu bằng cách bán cổ phần cho Chính phủ Đức. Chính phủ liên bang sẵn sàng cung cấp cho họ các gói bảo lãnh giá trị hàng tỷ EUR và tiếp quản các khoản nợ hiện tại. Khi cuộc khủng hoảng qua đi, các DN này sẽ lại được tư nhân hóa. Các công ty tại Đức cũng được phép nộp chậm thuế thu nhập DN.
Ngoài ra, theo AHK, trong phương thức chống lại việc thất nghiệp hàng loạt, khi các DN không còn có công việc để giao cho nhân viên nữa có thể chuyển sang chế độ “rút ngắn thời gian làm việc” dành cho nhân viên của họ.
Khi đó, DN sẽ được hoàn trả các khoản tiền trợ cấp xã hội, nếu hơn 10% tổng số nhân viên bị buộc phải nghỉ việc. Điều này cũng được áp dụng với các DN hoạt động theo mùa vụ.
Có thể thấy những chia sẻ của AHK là rất đáng lưu tâm cho các nhà hoạch định chính sách. Với DN Việt, để đi tìm mô hình giải cứu phù hợp trước dịch Covid-19 là cực kỳ quan trọng. Trong thời điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng các DN cần tích cực tìm hiểu các gói hỗ trợ của Nhà nước.
Đặc biệt là DN cần xem lại sản phẩm của mình có nằm trong danh mục giãn thuế, miễn giảm thuế hay không. “Tự thân DN cần chuẩn bị phương án tốt nhất thì mới có thể tiếp nhận hiệu quả các gói hỗ trợ trong lúc này”, ông Dũng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo