Hỗ trợ doanh nghiệp

Ngành chế biến gỗ "đón gió" hay "tránh báo" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

(DNVN) - Là một trong những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và chiếm đến 20% thị phần xuất khẩu sang Mỹ, ngành chế biến gỗ sẽ như thế nào trong bối cảnh Mỹ - Trung đang đối mặt với cuộc chiến thương mại?

VCBS: Nửa cuối năm, HBC có thể ký 16.000 tỷ đồng hợp đồng mới / Nhiều doanh nghiệp Nhật đang chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á

Từ ngày 6/7/2018, Mỹ bắt đầu thực hiện các quy định về áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc và những “trả đũa” tương tự từ quốc gia này đã đặt ra nhiều kịch bản tác động với nhiều nền kinh tế thế giới. Là một trong những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và chiếm đến 20% thị phần xuất khẩu sang Mỹ, ngành chế biến gỗ sẽ đón nhận những động thái trên là rủi ro hay cơ hội?
Hai thị trường lớn nhất
Theo số liệu từ Bộ Công thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm vẫn ổn định, đạt 1,6 tỉ USD, tăng 12,48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất sang Trung Quốc đạt 555,6 triệu USD, tăng không đáng kể.
Đến nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Forest Trend, hằng năm Mỹ nhập khẩu khoảng 18,5 tỉ USD đồ gỗ, trong đó Việt Nam chiếm 15-20% thị phần, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,08 tỉ USD, 95% là các mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ (mã HS94): ghế ngồi, nội thất phòng ngủ, nhà bếp, nội thất văn phòng… Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trị giá 250 triệu USD, chủ yếu là gỗ nguyên liệu (Sồi, Tần bì, Óc chó, Thông v.v.). Tương tự, năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam trị giá 1,08 tỉ USD nhưng 60% là mặt hàng dăm gỗ (650 triệu USD). Việt Nam nhập khẩu từ ngành gỗ Trung Quốc chủ yếu các loại ván nhân tạo (veneer, ván dăm, ván ép v..v).
Chế biến gỗ tại Nhà máy Công ty Scansia Pacific (KCN Nhơn Trạch – Đồng Nai). (Ảnh: Khoa Tư)

Chế biến gỗ tại Nhà máy Công ty Scansia Pacific (KCN Nhơn Trạch – Đồng Nai). (Ảnh: Khoa Tư)

Ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Trung Quốc là nước xuất khẩu nội thất lớn nhất thế giới với 35% tổng xuất khẩu thế giới, trong đó đồ gỗ chiếm 64% sản lượng. Là nhà cung cấp sản phẩm đồ gỗ nhiều nhất cho thị trường Mỹ. Vì vậy, những tác động xung quanh cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia này với ngành gỗ, về ngắn hạn chưa thể hiện rõ nhưng về lâu dài và tác động gián tiếp là có cơ sở.
Trước khi chính sách áp thuế của Mỹ diễn ra, ngành công nghiệp gỗ và nội thất thế giới đã nhận định Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành 1 trong 3 nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Tại phiên họp của Hội đồng đồ gỗ Đông Nam Á (AFIC) năm 2017, AHEC (Hiệp hội gỗ cứng Hoa Kỳ) đã trình bày báo cáo Trung Quốc sẽ chuyển hướng 80% sản lượng toàn ngành cho xuất khẩu trước đây thành phục vụ thị trường nội địa. Để thay thế vai trò này, các nước đều nhìn nhận chỉ Việt Nam mới có đủ tiềm lực thay thế. Như vậy, khả năng đơn hàng từ Mỹ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam là hoàn toàn có thể trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ông Lê Đức Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ An Cường nhận định: những rủi ro là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực lại có nhiều cơ hội. Khi đồ gỗ Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm, theo nhu cầu tiêu dùng, thị trường Mỹ sẽ phải “bù đắp” bằng lượng hàng hóa từ các nước khác và Việt Nam hoàn toàn có thể là quốc gia nhận được các đơn hàng từ thị trường này.
Kịch bản nào cho ngành gỗ Việt Nam?
Ngành gỗ Việt sẽ phản ứng ra sao trước những động thái thương mại của Mỹ với Trung Quốc? Ông Huỳnh Văn Hạnh phân tích: “thông báo số USTR-2018-005 của Văn phòng đại diện thương mại mỹ về “Danh mục các mặt hàng của Trung Quốc bị áp thuế trong gói 34 tỉ USD”, chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và sáng tạo, không đề cập đến nội thất gỗ ngoại trừ mã 9401 là mặt ghế ngồi dung cho máy bay và xe cộ. Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ không nên vui và cũng không phản ứng tiêu cực, do Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường lớn của Việt Nam, vấn đề sẽ nằm ở những ảnh hưởng xung quanh và lâu dài tác động đến ngành, cần đến sự nắm bắt tỉnh táo”.
Khi biết động bất lợi xảy ra, xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị tụt giảm về lượng và giá do nhu cầu của các DN tại đây giảm. Để tiêu thụ nguồn dăm, Việt Nam buộc phải tìm kiếm thị trường khác và rất dễ bị “bắt bài” để ép giá.Nếu sản xuất của Trung Quốc giảm thì nguồn nguyên liệu và ván nhân tạo xuất sang Việt Nam có khả năng tăng, nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, khả năng lớn là DN gỗ Trung Quốc sẽ dịch chuyển sản xuát sang Việt Nam bằng nhiều hình thức như đang làm để tận dụng mác “Made in Viet Nam” nhằm tránh các chính sách thuế của Mỹ áp dụng cho đồ gỗ Trung Quốc xuất sang. Các DN Việt Nam cần tỉnh táo không tham gia vào quá trình giúp “qua mặt” Mỹ. Nguy cơ lớn cho sản xuất đồ gỗ Việt Nam là nếu bị phát hiện, Mỹ sẽ điều tra và áp thuế với chính Việt Nam, tạo ra hiệu ứng xấu cho toàn ngành”.
Sản xuất ván sàn xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty Ván sàn Sao Nam - Bình Dương. (Ảnh: Khoa Tư)

Sản xuất ván sàn xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty Ván sàn Sao Nam - Bình Dương. (Ảnh: Khoa Tư)

Lượng gỗ tròn/xẻ thô từ Trung Quốc vào Việt Nam dù nhỏ nhưng ngày càng có xu hướng tăng và hầu hết là gỗ nhiệt đới (tropical wood) đều có nguồn gốc từ châu Phi vốn có độ rủi ro rất cao về tính pháp lý. Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT trong tương lai, việc nhập khẩu này càng trở nên phức tạp và gây khó khăn cho việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu này.
Các DN ngành gỗ nhận định, khi xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ bị tụt giảm, Trung Quốc buộc phải tìm thị trường tiêu thụ, trong đó có Việt Nam. Với đặc điểm giá rẻ, số lượng lớn, sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ đồ gỗ nội địa. Những khuyến cáo mà các Hiệp hội chế biến gỗ trong nước đưa ra là DN ngành cần tỉnh táo và theo dõi sát những diễn biến từ lệnh áp thuế của Mỹ để có chiến lược hợp lý vì Mỹ - Trung đều là hai bạn hàng lớn chứ không phải đối thủ. Để tăng cường bảo vệ, các DN cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư máy móc và thiết kế chứ không bán giá rẻ.
Trong khi đó, với tư cách là tổ chức phi Chính phủ thúc đẩy bảo tồn quản lý rừng bền vững bằng các phương thức nắm bắt thị trường, Forest Trends cũng nhận định chính sách thương mại của Mỹ nhằm bảo hộ nội địa có thể tạo ra 2 luồng tác động với ngành chế biến gỗ Việt Nam: Ngành gỗ Trung Quốc sẽ thay đổi theo hướng cân bằng lại cung – cầu và thị trường, chiến lược sản phẩm. Các DN Trung Quốc dịch chuyển đầu tư sang các quốc gia khác để tránh rào cản thuế từ chính sách của Mỹ. Việt Nam có thể là điểm đến lý tưởng của DN Trung Quốc, một mặt tạo ra cạnh tranh với chính DN ngành gỗ Việt ở thị trường trong nước. Mặt khác, dòng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành gỗ nước ta có thể làm tăng kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ, trở thành quốc gia có mối quan tâm đặc biệt với Mỹ khi thặng dư thương mại của ngành gỗ Việt Nam sang thị trường này vẫn đang ở mức cao.
Lạc Lâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo