Ngành logistics Việt Nam thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp
Cơ hội cho doanh nghiệp logistics và giáo dục khi Việt Nam tham gia RCEP / Nâng chất lượng nhân lực ngành logistics để tăng năng lực cạnh tranh
Ngày 26/3 tại Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ phương pháp đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Theo đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, mục tiêu cụ thể của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng của trường là trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp làm nền tảng vững chắc cho sự thành công.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Chủ tịch danh dự VALOMA, là cơ quan quản lý nhà nước chung về logistics, Bộ Công Thương hoan nghênh và đồng hành cùng Hiệp hội, nhà trường, doanh nghiệp để tạo ra nguồn nhân lực logistics phong phú, chất lượng, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của xã hội và nền kinh tế.
Cùng với nhịp độ phát triển của hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, hoạt động logistics trong những năm gần đây gia tăng mạnh mẽ, ước tính có tốc độ tăng trưởng trên 10%. Ngành logistics tăng trưởng mạnh trong khi nhân lực cho ngành còn thiếu, đặc biệt là thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực này.
Logistics cũng là ngành học đang được xã hội quan tâm cao, thể hiện ở số lượng đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng của ngành này tăng vọt và điểm chuẩn cũng vượt lên ở tốp đầu các ngành học tại một số trường.
Ông Tô Mạnh Linh, Phó Giám đốc Thị trường Vinacontrol Group cho biết: Vinacontrol Group được thành lập từ năm 1957, là đơn vị đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực giám định, thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận.
“Nguồn nhân lực của chúng tôi hiện nay vẫn đến từ nguồn tự đào tạo với đa phần chuyên ngành gốc là từ các khối ngành kỹ thuật của các trường Đại học Bách khoa, Đại học Hàng hải, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia… Tôi rất vui khi chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng của trường Đại học Công nghiệp có học phần mang tên là quản trị chất lượng.
Hy vọng đây có thể là nguồn nhân lực mà Vinacontrol Group tìm kiếm. Vinacontrol Group sẵn sàng cung cấp các chương trình thăm quan, thực tập để hỗ trợ nhà trường và các sinh viên có nhu cầu tìm hiểu thêm về thực tế hoạt động quản trị chất lượng”, ông Linh nói.
Phó Giám đốc Thị trường Vinacontrol Group cho biết hiện Vinacontrol Group đang cần những chuyên gia về công nghệ dệt may, công nghệ hoá học, công nghiệp ô tô, cơ khí.. Công ty đang là một trong những tổ chức tiên phong tham gia hoạt động kiểm định trang thiết bị y tế nên cần các chuyên gia về điện, điện tử, công nghệ thông tin. Ông Linh mong muốn Vinacontrol Group và Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác thời gian tới.
Tại tọa đàm, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược, Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), Trưởng Ban Nghiên cứu VALOMA chia sẻ: Viettel Post đang sử dụng các mô phỏng, đặc biệt là sử dụng phân tích dữ liệu lớn.
“Chúng tôi mong chờ lứa lớp sinh viên ra trường, sinh viên nhóm ngành tiềm năng về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, với những kiến thức bắt buộc liên quan đến kỹ thuật mô hình hóa mô phỏng, phân tích chuỗi cung ứng, kho và kênh phân phối… Trường Đại học Công nghiệp nên xây dựng một phòng, một trung tâm nghiên cứu và phát triển xây dựng robot AGV hay hệ thống băng chuyền, cơ khí điện tử có liên quan đến ngành logistics”, bà Cẩm Linh khuyến nghị.
Cũng theo Giám đốc Chiến lược Viettel Post, hoạt động nghiên cứu trên không chỉ là mô hình mà là mô phỏng đúng nghĩa. Làm sao tạo ra lứa lớp sinh viên thực sự là “thợ cả”. Khi đó, các công ty về chuỗi cung ứng, các công ty trong nước và nước ngoài đều có thể đặt hàng sinh viên chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Công nghiệp và họ có thể chăm sóc sinh viên ngay từ năm thứ hai.
Chủ tịch danh dự VALOMA cho biết:“Tọa đàm về hoạt động đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng do VALOMA phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức nhằm giúp các trường có thêm nhiều thông tin, gợi mở về phương pháp, chương trình đào tạo, định hướng phối hợp giữa các trường và hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Một số vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra như khung chương trình, chuẩn đầu ra, hoạt động mô phỏng - thực hành... sẽ là những mục tiêu Hiệp hội cần giải quyết trong thời gian tới”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo