Hỗ trợ doanh nghiệp

Nguồn tài trợ ‘xanh’ rất lớn: Doanh nghiệp làm gì để nắm cơ hội?

DNVN - Theo bà Nguyễn Mai - Trưởng đại diện Ban quốc tế Hội Quy hoạch Mỹ tại Việt Nam, nguồn tài trợ “xanh” từ các tổ chức quốc tế hiện rất lớn. Để nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp cần công bố báo cáo phát triển bền vững. Đồng thời, cần chú trọng duy trì đối thoại với chính quyền các cấp, các định chế tài chính…

Học giả Mỹ gợi ý 6 ưu tiên để các nước Đông Nam Á đạt được phát triển bền vững / Schneider Electric: 99% doanh nghiệp Việt có khát vọng phát triển bền vững

Bà Nguyễn Mai - Trưởng đại diện Ban quốc tế Hội Quy hoạch Mỹ tại Việt Nam cho biết, trong vài năm gần đây, đi cùng với tài chính “xanh”, các định chế tài chính bắt đầu ưu tiên thêm cho các sản phẩm thích ứng và giảm nhẹ tác động của rủi ro khí hậu.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu. Cùng với cam kết đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển “xanh” và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Năm 2023, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) dự kiến tăng mức đầu tư tại Việt Nam từ 2 tỷ USD lên tới 5 tỷ USD trong 2-3 năm tới. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới (WB) xem xét dành đến 7 tỷ USD cho các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Những khoản đầu tư này sẽ không thể thiếu những yếu tố, yêu cầu về phát triển “xanh” và thích ứng biển đổi khi hậu của Việt Nam”, bà Mai cho biết.

Doanh nghiệp cần công bố báo cáo phát triển bao vững để tiếp cận với nguồn vốn "xanh".

Tuy nhiên, theo Trưởng đại diện Ban quốc tế Hội Quy hoạch Mỹ tại Việt Nam, để tiếp cận được nguồn vốn này, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh trong một môi trường toàn cầu. Bởi vậy, doanh nghiệp cần phải chủ động nâng cao năng lực và hoạch định chiến lược phát triển bền vững cho các hoạt động kinh doanh của mình.

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong luôn nắm bắt được cơ hội mới và tận dụng chúng như chất xúc tác cho sự phát triển trong một môi trường cạnh tranh quốc tế đầy biến động. Một số doanh nghiệp Việt đã thực hiện rất tốt chiến lược bền vững và tiếp cận được nhiều nguồn vốn “xanh” từ các tổ chức quốc tế.

Bà Mai nhấn mạnh, trước tiên, doanh nghiệp nên rà soát lại các hoạt động để liệt kê những thành tựu “xanh” đã được thực hiện. Sau đó dựa trên kinh nghiệm của chính mình, tập trung đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động và thành tựu này.

Cùng với đó, doanh nghiệp nên công bố những thành tựu cũng như mục tiêu của mình có thể dưới hình thức báo cáo phát triển bền vững. Bằng cách này, doanh nghiệp chứng minh cho khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng thấy được những cam kết ban đầu đối với phát triển bền vững cũng như chứng tỏ năng lực và tinh thần không ngừng nghỉ trong phát triển bền vững.

Những chứng chỉ mang tính hướng dẫn nâng cao năng lực phát triển bền vững đã được phát triển bởi các tổ chức trên thế giới và đang lan tỏa rộng rãi tại Việt Nam. Mỗi ngành nghề sẽ có những công cụ thích hợp với bộ công cụ, ví dụ như Chỉ số khả năng chống chịu của công trình (BRI) của IFC. Doanh nghiệp nên chú trọng để đạt được các chứng chỉ này.

Đồng thời, cần tham gia tích cực và chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp vào cộng đồng doanh nghiệp bền vững. Doanh nghiệp cũng cần duy trì đối thoại với chính quyền các cấp, các định chế tài chính để có điều kiện thuận lợi hơn trong nỗ lực phát triển bền vững.


Hoa Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm