Đào tạo nguồn lực lao động: Cung vẫn chưa "khớp" cầu
Tăng tính cạnh tranh của hàng Việt: Những lời khuyên hữu ích cho DNNVV / Sản phẩm sữa đặc giúp Vinamilk giành giải thưởng DN xuất khẩu của châu Á
Lực lượng lao động dồi dào
Thời gian qua, công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho lực lượng lao động của tỉnh Vĩnh Long luôn được các Bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của địa phương quan tâm, chỉ đạo hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, nguồn lực kinh phí và các nguồn lực liên quan khác để đẩy mạnh thực hiện.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long thông tin, những năm qua tỉnh đã quan tâm chú trọng phát triển công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động tỉnh nhà.
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động là vấn đề mà tỉnh Vĩnh Long luôn chú trọng.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 122.290 lao động (gồm CĐ, trung cấp, sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên khác).
Quy mô đào tạo nghề nghiệp bình quân hàng năm của tỉnh khoảng 30.000 lao động. Giai đoạn 2016-2019, ước tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp gần 169 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Với nguồn nhân lực hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực triển khai nhiều giải pháp tăng cường tuyển sinh, điều chỉnh chương trình, tài liệu và phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại cơ sở.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải pháp gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để cho học sinh, sinh viên thực tập, thực hành nghề nghiệp tại doanh nghiệp; đồng thời giới thiệu cho các doanh nghiệp tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp đều liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đánh giá của một số cơ sở đào tạo thì thời gian qua tỷ lệ sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh học cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng có việc làm ổn định năm này luôn cao hơn năm trước.
Nguồn lao động chưa "khớp" nhu cầu của DN
Dù đạt được nhiều kết quả nhưng công tác đào tạo, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhưng tỉnh Vĩnh Long vẫn còn đó nổi lo về chất lượng nguồn nhân lực, như: tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có chuyên môn, tay nghề cao, kỹ năng mềm còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập...
Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động mới tốt nghiệp đa số chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của cơ quan, doanh nghiệp và do đó doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực đào tạo lại.
Sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung – cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp mặc dù cải thiện trong những năm qua nhưng vẫn còn lỏng lẻo trong việc xây dựng một chương trình đào tạo thực tế và thiết thực, để học viên được thực tập và trải nghiệm môi trường làm việc. Các thành tựu nghiên cứu khoa học chưa được doanh nghiệp biết đến và hệ số sử dụng, ứng dụng còn thấp.
Đại diện một doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại KCN Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trong thời gian qua.
"Doanh nghiệp chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng lớn về lĩnh vực cần tay nghề cao, tuy nhiên, việc tuyển dụng hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Bởi, chất lượng tay nghề của lực lượng lao động sau khi học nghề tại các cơ sở đào tạo còn thấp, chưa sát với nhu cầu thị trường lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào việc sản xuất sản phẩm như công ty chúng tôi", vị này cho hay.
Trước thực trạng này, ông Lữ Quang Ngời - Phó Chủ tịch Phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng để thực hiện tốt đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp cần có sự phối hợp, thông tin kịp thời giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp.
Song song đó, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quan tâm điều tra, khảo sát nắm bắt thực trạng nguồn nhân lực lao động, nhu cầu đào tạo các ngành nghề ở lĩnh vực ngành, địa phương mình.
Kịp thời tham mưu tỉnh ban hành chính sách về hỗ trợ các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tham gia đào tạo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, góp phần thu hút các nguồn lực cho phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Ông cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghê nghiệp cho học viên thì các cơ sở đào tạo cũng cần có giải pháp dự báo, nắm bắt nhu cầu, xu hướng phát triển ngành nghề, xu hướng của thị trường lao động; xác định ngành nghề đào tạo trọng điểm, mang tính đón đầu.
Các trường cũng cần xây dựng nội dung chương trình đào tạo phù hợp, linh hoạt thường xuyên cập nhật các kiến thức, công nghệ mới, hiện đại; đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; đồng thời tăng cường tiếp cận, phối hợp với các doanh nghiệp để tranh thủ khai thác trang thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại cho hoạt động thực tập, thực hành nghề của sinh viên, học sinh…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần quan tâm, có giải pháp tổ chức quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp để tại điều kiện tiếp nhận lực lượng sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo vào thực tập kỹ năng nghề nghiệp, góp phần tận dụng trình độ, kiến thức của lực lượng này và tạo nguồn lao động phù hợp cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
End of content
Không có tin nào tiếp theo