Hỗ trợ doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ: Khâu triển khai, thực thi "có vấn đề"

DNVN - Theo Chủ tịch Mạng lưới nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead), chính sách pháp luật của Nhà nước đều bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, việc thực hiện, triển khai có vấn đề nên không thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ.

Gỡ khó về công tác phòng cháy chữa cháy: Doanh nghiệp vẫn băn khoăn vấn đề thực thi / Xu hướng "tự động hoá" đào tạo nhân sự trong doanh nghiệp

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - nguyên Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead) cho biết, các nữ doanh nhân, đặc biệt là các nữ doanh nhân của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gặp rất nhiều khó khăn, rào cản mặc dù dhính sách pháp luật của Nhà nước hầu hết đều bình đẳng về cơ hội cho cả nam và nữ. Cơ hội đăng ký kinh doanh, tiếp cận tài chính, phát triển thị trường, tiếp cận các nguồn lực đều bình đẳng giữa nam và nữ. Tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ có 20% số DNNVV do phụ nữ sở hữu.
"Khi chính sách rất bình đẳng thì đâu đó trong việc thực hiện, triển khai có vấn đề. Do đó, chưa thúc đẩy được tinh thần của phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân khiến số DNNVV do phụ nữ sở hữu còn rất khiêm tốn", bà Nguyễn Thị Tuyết Minh nhìn nhận.
Tiếp cận về tài chính đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ vô cùng khó khăn. Theo Sách Trắng DNNVV do phụ nữ làm chủ do Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á) nghiên cứu, đa số phụ nữ vẫn gặp khó khăn về tiếp cận tài chính, bảo lãnh tín dụng. Các DNNVV do phụ nữ làm chủ có khả năng vay ngân hàng thấp hơn đến 10 điểm phần trăm so với những DN có hiệu quả kinh doanh tương tự do nam giới điều hành.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - nguyên Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead).
Phân tích sâu hơn về những rào cản, Chủ tịch WeLead cho biết, thông tin được phổ cập nhưng phụ nữ chưa chủ động tiếp cận các nguồn lực thông tin, cơ hội. Sách Trắng DNNVV do phụ nữ làm chủ chỉ ra rằng, quỹ thời gian của phụ nữ dành cho gia đình sau giờ làm việc nhiều hơn so với nam nên phụ nữ không có nhiều thời gian để cập nhật thông tin, tìm hiểu các chương trình hỗ trợ DN, doanh nhân. Đây là rào cản nội tại từ chính các nữ doanh nhân.
Thêm vào đó, khả năng phụ nữ viết dự án để tiếp cận nguồn lực hạn chế, không đáp ứng được các tiêu chí để dành được các nguồn kinh phí, hoặc nguồn tài chính ưu đãi. Các ngân hàng thương mại đang triển khai gói tài trợ ở trong nước cho rằng DN phải tuân thủ cơ chế kinh doanh, phải đáp ứng được các tiêu chí kinh doanh thì mới được vay.
Ngoài ra, cách trình bày đề án, đề xuất của các DNNVV do phụ nữ làm chủ không được rõ ràng, và độ tin tưởng từ những người cho vay có liên quan đến yếu tố giới. Từ đó tạo rào cản khiến các DNNVV do phụ nữ làm chủ tiếp cận về tài chính khó khăn hơn do DNNVV do nam giới làm chủ.
Liên quan đến tính khả thi của các đề án do các nữ doanh nhân đề xuất, bà Tuyết Minh cho biết, khi đề xuất đề án, ngân hàng thương mại giải ngân các gói hỗ trợ phải bám đuổi theo mục tiêu kinh doanh của ngân hàng, có chính sách cân đối tài chính. Khi ngân hàng phản biện thì khả năng bảo vệ của nữ chủ DN không được phía ngân hàng đánh giá mức độ khả thi cao. Để tránh rủi ro cho ngân hàng, rõ ràng ngân hàng sẽ cho nữ chủ DN vay ở tỷ lệ thấp hơn.
"Đây là điều mà các nữ doanh nhân cần cố gắng nhiều hơn, vượt qua rào cản từ chính bản thân bằng cách học tập, nâng cao năng lực trình độ của mình, đặc biệt là phải tiếp cận với những gói đào tạo, hỗ trợ cách bảo vệ dự án, cách trình bày dự án. Các nữ doanh nhân cần chủ động hơn nữa để tiếp cận các nguồn lực một cách tốt nhất", bà Nguyễn Thị Tuyết Minh khuyến nghị.
Về phía các ngân hàng, theo Chủ tịch WeLead, các định chế cũng nên có những chương trình đào tạo, cố vấn, hướng dẫn cho nữ doanh nhân. Khi nắm được rào cản của chính nhóm đối tượng mục tiêu và bản thân các DN do phụ nữ làm chủ là nhóm khách hàng có tín nhiệm rất cao thì tỷ lệ trả vốn vay rất tốt.
"Báo cáo của Học viện ASEAN cho thấy, các DN do phụ nữ làm chủ trong ASEAN có uy tín tín dụng rất cao. Đây là nhóm khách hàng mục tiêu mà tôi cho là các ngân hàng thương mại nên hướng tới và sẽ xây dựng chương trình riêng để hỗ trợ cho các nữ chủ DN tiếp cận nguồn lực. Các ngân hàng có thể thông qua đào tạo, cố vấn và thông qua hướng dẫn DN cách tiếp cận và vẫn đảm bảo được quản lý rủi ro của ngân hàng, tạo cơ hội cho các DN do PNLC tiếp cận được với nguồn vốn để họ khắc phục được hậu quả do COVID-19, từ đó trụ vững và phát triển.
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 thay đổi rất nhanh, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có bộ phận nghiên cứu và phát triển để nghiên cứu xu thế, đi trước đón đầu để tạo dựng được khuôn khổ pháp luật, đón cơ hội trong tương lai.
Còn bản thân các DN cũng phải tăng cường bộ phận nghiên cứu và phát triển để có thể tiếp cận được những xu thế mới. Một trong những tôn chỉ mục đích của WeLead là hỗ trợ phụ nữ hướng tới tính chuyên nghiệp, phát triển bền vững thông qua thay đổi, chủ động và tích cực, để đón nhận những xu hướng mới, công nghệ tiên tiến của thế giới.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm