Hỗ trợ doanh nghiệp

Quảng Trị phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

DNVN - Biến điều kiện khắc nghiệt của thời tiết thành lợi thế phát triển, tỉnh Quảng Trị xác định phải đi lên bằng nông nghiệp nhưng không phải là nông nghiệp truyền thống như trước đây mà phải áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Lần đầu tổ chức đấu giá cà phê đặc sản tại Vietnam Amazing Cup 2023 / 8 tỉnh Tây Bắc hướng tới phát triển du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long

Nông nghiệp là hàng đầu

Quảng Trị là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp không lớn so với các tỉnh thành khác trong nước. Tuy nhiên, sự đa dạng về đất đai và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng Quảng Trị có độ bức xạ mặt trời rất lớn và đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo cho nông sản Quảng Trị có chất lượng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại ở các địa phương khác.

phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch và coi nông nghiệp là bà đỡ cho các lĩnh vực kinh tế khác trong điều kiện chưa chuyển đổi một cách cơ bản cơ cấu kinh tế

Tỉnh Quảng Trị phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: “Gần 80% dân số Quảng Trị sống bằng nông nghiệp, với phương châm biến điều kiện khắc nghiệt của thời tiết thành lợi thế phát triển, tỉnh Quảng Trị xác định phải đi lên bằng nông nghiệp nhưng không phải là nông nghiệp truyền thống như trước đây mà phải áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch và coi nông nghiệp là "bà đỡ" cho các lĩnh vực kinh tế khác trong điều kiện chưa chuyển đổi một cách cơ bản cơ cấu kinh tế.

Chính vì vậy ngay từ những ngày đầu, Quảng Trị đã kết nối, mời gọi nhiều doanh nghiệp đến liên kết, sản xuất hữu cơ trên địa bàn. Để người nông dân gắn bó theo đuổi nền nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Quảng Trị đã có chính sách hỗ trợ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa hữu cơ nói riêng. Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân".

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị đã ưu tiên bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt bằng cho doanh nghiệp xây dựng các cơ sở phơi sấy, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, nghiên cứu khoa học, thử nghiệm các mô hình.

Doanh nghiệp chủ trì trong xây dựng, định hình và nhân rộng mô hình liên kết “5 nhà” trong sản xuất lúa gạo tại Quảng Trị. Đầu tư hệ thống thiết bị, nhà xưởng sơ chế, bảo quản, chế biến đáp ứng các yêu cầu để được cấp chứng chỉ sản phẩm hữu cơ, VietGAP đối với lúa gạo. Nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp – tổ chức tín dụng – người dân (hợp tác xã) để hỗ trợ người dân (hợp tác xã) thuận lợi trong vay vốn. Hình thành sàn giao dịch lúa gạo tại Quảng Trị. Hợp đồng thu mua sản phẩm lúa cho người dân, hợp tác xã thông qua hợp đồng dài hạn hoặc hàng năm. Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, nâng cao giá trị “đầu ra” cho lúa gạo Quảng Trị…

 

Lô gạo hữu cơ đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được xuất khẩu sang Châu Âu

Lô gạo hữu cơ đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được xuất khẩu sang Châu Âu

Chứng minh cho sự phát triển nông nghiệp tỉnh Quảng Trị là năm 2017 đến nay, tỉnh này đã liên kết với Công ty TNHH TM Đại Nam - Nhà máy phân bón Ong biển tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để sản xuất lúa hữu cơ. Theo công bố của Trường Đại học Hiroshima – Nhật Bản năm 2019, gạo hữu cơ Quảng Trị đã đạt tất cả 545 chỉ tiêu về chất lượng và đặc biệt hơn cả, trong gạo hữu cơ Quảng Trị có chứa 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B có tác dụng chống tiểu đường, gút, béo phì.

Nhờ đó, mặc dù mới chỉ có mặt trên thị trường trong thời gian ngắn nhưng thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị” đã trở thành thương hiệu mạnh, đã được đưa vào phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc như: 7Eleven, US Mart, Queensland, Farmers Market, Nông sản Việt… và đã được một số thị trường quốc tế quan tâm như: Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc…Điều này, đã giúp cho gạo hữu cơ Quảng Trị từng bước gây tiếng vang và có chỗ đứng ở thị trường trong nước cũng như quốc tế trong thời gian tới.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng

 

Nói về những định hướng trong tương lai, ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp không đóng góp lớn vào tốc độ tăng GRDP và tỉ trọng ngày càng giảm trong cơ cấu kinh tế nhưng trong dài hạn vẫn là lĩnh vực nền tảng về kinh tế xã hội. Ngoài ra, Nông - lâm - ngư nghiệp không chỉ cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường mà quan trọng hơn là cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến theo mô hình xây dựng các “cụm sản xuất nông - công nghiệp”.

Vì vậy, hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án “Khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai và đẩy mạnh cơ giới hóa để tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến 2030” để tạo điều kiện sản xuất hữu cơ trên địa bàn.

Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, Quảng Trị còn sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như tiêu, cà phê, ....

Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, Quảng Trị còn sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như tiêu, cà phê, ....

Đồng thời giao Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị xây dựng Đề án Phát triển vùng nguyên liệu lúa VietGAP, lúa hữu cơ theo hình thức liên kết “5 nhà” gắn với chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, năm 2021 – 2022 hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đầu tư trung tâm sấy lúa với quy mô 200 tấn/ ngày và kho chứa lúa khoảng 10.000 tấn/ vụ, thành lập sàn giao dịch lúa gạo Quảng Trị. Hợp tác với người dân trồng lúa hữu cơ, VietGAP trên đất của họ, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh Quảng Trị có trên 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2030 diện tích lúa hữu cơ lên trên 3.000 ha, diện tích lúa VietGAP trên 7.000 ha (chiếm 35% diện tích toàn tỉnh).

Đặc biệt, cần khai thác lợi thế của đất rừng, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến gỗ quốc gia, nâng cao giá trị sử dụng đất bởi Quảng Trị vẫn là hơn 285.000 ha đất lâm nghiệp (chiếm gần 70% diện tích đất nông nghiệp), nếu đầu tư và có chính sách đồng bộ về trồng và chế biến gỗ thì giá trị gia tăng của quỹ đất này vô cùng to lớn.

Ngoài ra, hỗ trợ việc nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, nhất là con giống, thu hút các nhà đầu tư trang trại trồng trọt công nghệ cao; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ; thu hút các nhà đầu tư là những “con sếu đầu đàn” trong lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản.


Anh Bình - Phan Tiến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo