Hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Doanh nghiệp đang điêu đứng trước những khó khăn dồn dập

DNVN - Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc giá xăng dầu tăng trong thời gian dài, tài xế bỏ việc nhiều, thủ tục hành chính không thuận lợi... đã gây khó cho các doanh nghiệp (DN) vận tải, đẩy ngành này vào tình trạng điêu đứng...

Grab tấn công mảng khách hàng doanh nghiệp, “miếng bánh” lớn của taxi truyền thống / Uber có thể chọn Nhật để thử nghiệm taxi bay

Thời gian qua, giá xăng dầu đã liên tục tăng và tăng ở mức cao đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, thưa ông?

Ông Bùi Danh Liên: Giá xăng tăng rõ ràng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành vận tải, làm cho ngành này điêu đứng. Cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Sau 2 năm đại dịch COVID-19, nhiều ngành đã khôi phục và phát triển nhưng ngành vận tải chưa kịp khôi phục lại chịu áp lực lớn bởi giá xăng dầu. Các DN vận tải chịu tác động nặng nề bởi giá xăng, bởi giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến giá đầu vào của DN.

Rất may, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành đã vào cuộc chỉ đạo giảm các loại thuế, từ đó làm giảm giá xăng. Theo đó, trong 5 lần điều chỉnh gần đây, giá xăng, dầu đã giảm. Đây là thông tin vui cho người dân và DN.

Tuy vậy, điều đáng tiếc và bất cập là giá cả thị trường chưa giảm theo giá xăng, thậm chí có mặt hàng còn tăng thêm. Chẳng hạn giá thịt lợn trước đây là 120.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 140.000 đồng/kg. Ngay cả trong siêu thị, giá cả cũng bị đẩy lên. Từ đó ảnh hưởng đến sức mua của người dân và cả thị trường thương mại, trong đó có thị trường vận tải.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Với riêng thị trường xe khách, theo ông đâu là những khó khăn nổi cộm của các doanh nghiệp?

Ông Bùi Danh Liên: Thời gian vừa qua, thị trường xe khách phải nói rằng rất khó khăn, đến giờ này mới khoảng 50% xe vào bến. Còn xe tải được khoảng 60% do hoạt động đường biển vận chuyển hàng hóa tốt.

Xe khách có nhiều vấn đề phát sinh khi có nhiều xe không vào bến mà bắt khách dọc đường hòng trốn thuế, thêm vào đó là kinh tế phát triển nên xe cá nhân cũng có nhiều. Xe khách tuyến cố định thất bại trong việc đón khách trong bến vì khách không vào bến mà bắt xe dọc đường.

 

Tôi cho rằng, việc xe không vào bến đón khách rõ ràng đã phá vỡ các tuyến xe cố định. DN vận tải cũng phải bỏ ra ngoài thành xe dù, phá vỡ sự quy củ lâu nay có được, tốn bao nhiêu công sức của người dân và DN.

Điều này bắt nguồn từ việc quản lý yếu kém của ngành vận tải. Tôi có thể khẳng định rằng, trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khi chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, củng cố và phát triển ngành vận tải, để ngành vận tải ngày càng điêu đứng. Rất nhiều DN phá sản, DN trở lại hoạt động rất ít.

Ngoài ra, thủ tục hành chính của Nhà nước đối với ngành vận tải cũng chưa phù hợp và vội vàng. Ví dụ từ ngày 1/7, Bộ Tài chính ra lệnh cấm sử dụng vé in sẵn, thay vào đó chuyển sang hoạt động theo hóa đơn điện tử.

Ngành vận tải không biết gì về hóa đơn điện tử, đến giờ này chưa ai phổ biến cho DN. Chúng tôi có làm văn bản gửi cơ quan Nhà nước đề nghị hướng dẫn thủ tục để làm. Chúng tôi không sử dụng vé in sẵn thì người dân không có vé để đi, Nhà nước thất thu thuế. Với những khó khăn dồn dập hiện nay, nhiều đơn vị đã ngừng hoạt động.

Theo như ông vừa nói thì các doanh nghiệp vận tải thực sự đang đứng trước nhiều khó khăn. Vậy giải pháp nào để hóa giải những thách thức này?

 

Ông Bùi Danh Liên: Bộ Giao thông Vận tải cần phải vào cuộc quyết liệt hơn. Chúng tôi nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến Bộ. Các quy định trong ngành giao thông vận tải cần phải được nhanh chóng thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, còn để như hiện nay thì DN vẫn khó khăn. Bản thân chúng tôi bất lực, chưa có giải pháp nào để "cứu" ngành vận tải trong tình trạng bi đát hiện nay.

Gần đây, xuất hiện tình trạng khó gọi xe taxi tại Hà Nội. Theo một số nguồn tin, rất nhiều lái xe đã ngừng hoạt động. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Ông Bùi Danh Liên: Trước đây Hà Nội có khoảng 2 vạn xe taxi chính thống, chưa kể taxi công nghệ, nhưng giờ chỉ còn khoảng 9000 xe.

Lý do của tình trạng này là tài xế nghỉ việc, bỏ về quê, tìm việc làm khác. Giá cước vận tải không tăng được nhưng giá xăng thì liên tục tăng. Do đó, số lượng xe taxi của các hãng taxi đã giảm đi một nửa.

 

Xe không thiếu nhưng giờ không có người lái. Giá xăng dầu tăng, trong khi giá cước vận tải không tăng nên kinh doanh bị lỗ. Các hãng taxi hiện nay hoạt động cầm chừng.

Không ít các doanh nghiệp taxi vẫn hoạt động theo lối truyền thống và rõ ràng họ đã gặp khó khăn khi xuất hiện các hãng taxi công nghệ. Theo ông, tương lai của ngành này sẽ thế nào? Có phải các doanh nghiệp truyền thống chậm đổi mới không?

Ông Bùi Danh Liên: Đúng là taxi truyền thống chậm đổi mới không theo kịp với thị trường nên khi Uber và Grab đưa công nghệ mới vào, thu hút được nhiều khách hàng.

Nhưng ngược lại, các hãng taxi công nghệ chưa tuân thủ theo luật pháp Việt Nam về quản lý giá, nâng giá, nâng phí, không công khai cho người dân biết theo quy định.

 

Thực ra taxi truyền thống cũng làm ăn bài bản nhưng không có khách. 80% lái xe ở Hà Nội là người các tỉnh. Họ nghỉ làm, về quê tìm việc khác nên giờ thiếu lái xe.

Thực tế, tại các sân bay, trong đó có sân bay Nội Bài, lượng khách ra - vào rất đông nhưng hiện xe cá nhân nhiều, xe dù bên ngoài càng nhiều hơn, nên rất khó cho DN taxi.

Một ví dụ đơn cử, Hợp tác xã Taxi Nội Bài có 300 đầu xe, nhưng giờ chỉ còn 30 xe. Không được cơ quan Nhà nước hỗ trợ nên các DN vận tải đã khó lại càng khó hơn.

Được biết nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư nghiên cứu và cho ra một số giải pháp gọi xe. Thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có sàn giao dịch vận tải Vinatrucking, ông có đánh giá gì về sàn giao dịch này tại thời điểm hiện nay?

Ông Bùi Danh Liên: Sàn giao dịch của Bộ Giao thông Vận tải hoạt động thiếu hiệu quả vì hiện nay không có khách, không có hàng, xe thì nhiều.

 

Trong bối cảnh khó khăn, chúng tôi chuyển sang thành lập nghiệp đoàn, hoạt động theo Luật Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động TP Hà Nội nhằm thu hút người lao động tự do, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Chúng tôi xây dựng kế hoạch triển khai 2 nghiệp đoàn, trong đó 1 nghiệp đoàn đã được thành lập, nghiệp đoàn còn lại sẽ hình thành vào tháng sau.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm