Hỗ trợ doanh nghiệp

Phát triển du lịch Bảy Núi, An Giang kỳ vọng đạt 10 triệu lượt khách

DNVN - Đến Cù lao Ông Hổ thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, rồi đi Châu Đốc thăm quần thể di tích Núi Sam, đi cáp treo lên núi ngắm thành phố vùng biên; trải nghiệm hồ Tà Pạ, hồ Soài So… chiêm ngưỡng những thắng cảnh vô cùng hấp dẫn của vùng Bảy Núi là lựa chọn của du khách thập phương hay người con An Giang về thăm quê trong dịp Tết này.

An Giang: Phải đưa hàng hóa vào bãi tập kết tư nhân, các doanh nghiệp tiếp tục phản ứng gay gắt / Chiều 6/9, UBND tỉnh An Giang họp nghe báo cáo về các vướng mắc tại cửa khẩu Khánh Bình

An Giang là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch. Trong những năm qua, các ngành chức năng ở An Giang tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, cùng nhiều khu vui chơi, giải trí hoàn thiện, góp phần đưa ngành du lịch phát triển lên tầm cao mới…

Du khách check-in bên hồ Tà Pạ.

Du khách check-in bên hồ Tà Pạ với dòng nước trong xanh.

Hội tụ khách thập phương

Được bạn dẫn về quê dịp Tết Nguyên đán năm nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (đến từ Bến Tre) cho biết, chỉ vỏn vẹn 2 ngày, chị cùng nhóm bạn đến Cù lao Ông Hổ thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, rồi đi Châu Đốc thăm quần thể di tích Núi Sam, đi cáp treo lên núi ngắm thành phố vùng biên; trải nghiệm hồ Tà Pạ, hồ Soài So… để tham quan du lịch.

"Lâu rồi tôi mới được chiêm ngưỡng những thắng cảnh vô cùng hấp dẫn của vùng Bảy Núi này. Phong cảnh nơi đây thiệt hữu tình, thích hợp cho giới trẻ check-in, người lớn nghỉ dưỡng mà khó nơi nào có được”, chị Yến nói.

Đi cùng nhóm với chị Yến, anh Hồng Ân là công nhân đi hợp tác lao động bên Đài Loan về thăm quê trong dịp Tết này chia sẻ, “hơn 3 năm mới có dịp trở lại An Giang, có quá nhiều thay đổi từ bộ mặt thành thị đến nông thôn khang trang, hạ tầng kết nối đi lại dễ dàng, người dân mến khách khiến bản thân vô cùng thích thú và sẽ về đây nhiều hơn trong thời gian tới”.

Theo người dân nơi đây, nhiều du khách khi đến An Giang cũng thích thú khi với những đặc trưng riêng biệt, mà không địa phương nào ở trong vùng có được. Còn theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh An Giang, là địa phương vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi, cùng với nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn nền văn hóa lúa nước cổ xưa; có nhiều cảnh quan thiên nhiên về sông nước, đồng lúa, núi non kỳ vĩ… tạo bức tranh sơn thủy, hội tụ trong không gian văn hóa độc đáo. An Giang còn là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng chung sống hòa thuận lâu đời, hình thành những giá trị văn hóa phong phú cùng các công trình kiến trúc độc đáo.

Ngoài ra, tính đa dạng về văn hóa là một trong những thế mạnh của hệ giá trị sinh thái nhân văn, tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc tại An Giang. Đây là điều kiện và lợi thế để An Giang phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đặc biệt là phát triển du lịch.

Lễ hội Vía bà chúa xứ Núi Sam thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Lễ hội Vía bà chúa xứ Núi Sam thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Với lượng lớn khách về Núi Sam, TP Châu Đốc hành hương mỗi năm, ông Lâm Quang Thi - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố này cho rằng, tại các hoạt động du lịch cũng được tổ chức, nhất là lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam thu hút rất đông du khách xa gần đến chiêm bái, vui chơi… “Thời gian qua, chúng tôi triển khai nhiều chương trình, nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút khách. Nhờ đó mà chỉ mới 9 tháng đầu năm 2022 đã có trên 3,6 triệu lượt du khách đến với Châu Đốc, tăng 2,95 lần so cùng kỳ, đạt trên 90% kế hoạch năm đề ra...”, ông Thi nói.

Lễ hội khinh khí cầu thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng trong đó có trẻ em rất thích thú

Lễ hội khinh khí cầu thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng, đặc biệt nhiều trẻ em rất thích thú.

Trong khi đó, là địa phương chủ động khai thác du lịch trong điều kiện bình thường mới, huyện miền núi Tri Tôn liên tục tổ chức các hoạt động. Theo đó, một trong những hoạt động hấp dẫn nhất là lễ hội khinh khí cầu Tri Tôn năm 2022 kết hợp dù lượn, diều lượn có động cơ, không có động cơ… quy tụ gần 20 khinh khí cầu các loại tham gia.

“Lễ hội khinh khí cầu là môn thể thao độc đáo được tổ chức tại vùng Bảy Núi với phong cảnh hữu tình, nhằm chào đón đông đảo du khách các nơi về đây tham quan, khám phá. Song song đó, huyện còn tổ chức chuỗi các sự kiện như đêm hoa đăng tại hồ Tà Pạ, lễ hội đua bò Bảy Núi… để du khách được trải nghiệm nhiều loại hình vui chơi thú vị”, ông Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết.

Mỗi địa phương là một điểm đến

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang cho biết, trong những năm qua, An Giang tăng cường triển khai hiệu quả chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch kết nối các khu du lịch trọng điểm, khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh ngành du lịch, mời gọi được nhiều nhà đầu tư vào Khu du lịch núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư... tạo thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ du khách.

Nhìn nhận du lịch là một trong những thế mạnh của địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, tỉnh luôn quan tâm và dồn sức phát triển du lịch. Theo đó, giai đoạn 2015-2020 An Giang triển khai các chương trình xây dựng hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch. Từ đó, tạo thuận lợi để mời gọi nhiều nhà đầu tư góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng số lượng du khách và doanh thu dịch vụ. Các hoạt động kết nối tour tuyến, công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, văn hóa và con người An Giang được chú trọng nhằm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

“Tới đây sẽ phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới, nhất là tại các vùng du lịch trọng điểm”, ông Bình nhấn mạnh.

Lễ hội đua bò Bảy Núi - An Giang luôn thu hút rất đông du khách.

Lễ hội đua bò Bảy Núi - An Giang luôn thu hút rất đông du khách.

Ông Bình cho biết thêm, song song với những định hướng trên, tỉnh sẽ phát huy thế mạnh đặc thù của du lịch An Giang, phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Rà soát, lập quy hoạch để kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch vùng Bảy Núi; khai thác đặc trưng riêng của từng địa phương để hình thành “mỗi địa phương là một điểm đến”.

Đồng thời, làm tốt công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển mạnh hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, những hoạt động văn hóa, giải trí về đêm nhằm thu hút và giữ chân du khách. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch và con người An Giang; tăng cường liên kết vùng, liên kết với các địa phương trong và ngoài nước, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh…

“Trong giai đoạn 2015-2020, có 22 dự án đầu tư vào du lịch, vốn đăng ký 6.416 tỷ đồng. Nếu như năm 2015, An Giang thu hút 6,25 triệu lượt khách du lịch, doanh thu 1.520 tỷ đồng, thì đến năm 2019 thu hút khoảng 9,2 triệu lượt khách, doanh thu 5.500 tỷ đồng. Mục tiêu phấn đấu của An Giang đến năm 2025 đón 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 7.000 tỷ đồng”, ông Bình cho biết.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm