Hỗ trợ doanh nghiệp

Sau đại dịch, doanh nghiệp "ngấm" hơn về kinh doanh bền vững

DNVN - Qua 2 năm dịch bệnh COVID-19 dai dẳng, cộng đồng doanh nghiệp đã "chiêm nghiệm" rõ rệt hơn vai trò, xu thế tất yếu và tác động tích cực của mô hình sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững.

Lâm Đồng: Thành lập Câu lạc bộ sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương / Quy định nộp thuế thay người bán hàng làm tăng chi phí cho sàn thương mại điện tử


Nhiều doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững
Chia sẻ này đã được ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam - VBCSD đưa ra tại lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022 (CSI 2022). Sự kiện do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 26/5 tại Hà Nội.
Chương trình CSI 2022 nhằm đánh giá, tập hợp và biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm trên cả 3 khía cạnh toàn diện: kinh tế - xã hội - môi trường.
Ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định, phát triển bền vững đã không còn là những câu chuyện xa xôi, của những doanh nghiệp "giàu tiền, nhiều của" mà đã trở thành lợi ích sát sườn của tất cả doanh nghiệp và ngày càng được nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ theo đuổi.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI nhấn mạnh vai trò quan trọng của mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững.
Nếu không chuyển mình trong tư duy và hành động kinh doanh ngay hôm nay, rất có thể doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu và đào thải trên thương trường.
"Qua 2 năm dịch bệnh COVID-19 dai dẳng, cộng đồng doanh nghiệp đã "chiêm nghiệm" rõ rệt hơn vai trò, xu thế tất yếu và tác động tích cực của mô hình sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững. Đó không chỉ là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của doanh nghiệp trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò là “cái neo” để trụ vững và là “bánh lái” để doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với những “cơn sóng thần” khủng hoảng", ông Vinh nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tuân thủ chính sách pháp luật của các cơ quan quản lý, việc theo đuổi và thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp giờ đây được thôi thúc bởi chính nhu cầu thực tiễn của thị trường. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng thu nhập, dân trí và hội nhập quốc tế, người tiêu dùng Việt Nam đã có nhận thức và trách nhiệm cao hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ là kết quả của quá trình sản xuất, kinh doanh xanh. Do đó, kinh doanh bền vững chính là đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó mang lại lợi ích dài hạn cho chính doanh nghiệp.
Bà Robyn Mudie – Đại sứ Úc tại Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tôn trọng quyền tại các doanh nghiệp của mình và rộng hơn là trong cộng đồng. Đây là yếu tố thiết yếu để tạo dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, ổn định và bền vững.
Công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững
Giới thiệu chi tiết về chương trình cũng như những điểm mới của Bộ chỉ số CSI 2022, ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (SDforB) cho biết: Năm nay, Bộ chỉ số CSI tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững (PTBV) của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Với 130 chỉ số, Bộ chỉ số CSI 2022 được chia thành 5 phần: Tổng quan doanh nghiệp; kết quả hoạt động kinh tế - môi trường – lao động, xã hội chính; chỉ số quản trị; chỉ số môi trường và chỉ số lao động – xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững giới thiệu về chương trình cũng như những điểm mới của Bộ chỉ số CSI 2022.
Với 68% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, 32% chỉ tiêu liên quan đến các sáng kiến kinh doanh bền vững, Bộ chỉ số CSI được đánh giá là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững rất khoa học và thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. CSI có thể hỗ trợ hiệu quả công tác lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh, rà soát các lỗ hổng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn và nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh mới.
Năm 2022, Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực thông qua hình thức nộp hồ sơ trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Đây cũng là một điểm khác biệt so với các năm trước, việc quy định doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ trực tuyến giúp tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính minh bạch, khách quan cho cả doanh nghiệp và hội đồng xét duyệt trong quá trình kê khai và xét duyệt hồ sơ.
Ngoài việc đánh giá và công bố 100 doanh nghiệp bền vững, Chương trình CSI 2022 cũng xây dựng những hạng mục giải để biểu dương những doanh nghiệp có thành tích tốt trong thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc; kinh doanh có trách nhiệm về quyền con người và quyền trẻ em.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm