Hỗ trợ doanh nghiệp

Tận dụng hiệu quả lợi thế từ UKVFTA

DNVN - Trong khi dư địa để Việt Nam và Vương quốc Anh khai thác tiềm năng của Hiệp định UKVFTA còn rất lớn, để biến các tiềm năng trở thành lợi ích thực sự, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần tiếp tục đánh giá, xác định những khó khăn, vấn đề còn tồn tại và tìm ra các giải pháp khắc phục một cách hiệu quả nhất.

Sắp khởi công dự án Trung tâm tiếp vận ITL Logistics Đà Nẵng / Tập trung tháo gỡ rào cản xuất khẩu thủy sản vào thị trường Ả rập Xê út và Brazil

Tác động cộng hưởng
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021 và có hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021. Sau một năm thực thi, quan hệ thương mại, kinh tế, đầu tư giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu.
Tại hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA - Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới" do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức chiều 15/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương (Tên Thứ trưởng) cho biết, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng trưởng 17,2% so với năm 2020. Mức tăng trưởng 2 chữ số này đã giúp kim ngạch song phương chính thức phục hồi về mức kim ngạch năm 2019, sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng 16,4%. Ở chiều ngược lại Vương quốc Anh xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24%.
Trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ, duy trì mức đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam ở mức 4 tỷ USD. Hiện nay, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, thương mại song phương đã đạt nhiều kết quả sau 1 năm thực thi UKVFTA.
Thứ trưởng đánh giá, những kết quả tích cực qua 1 năm thực thi UKVFTA cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của hiệp định đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh.
Đánh giá sâu về hiệu quả thực thi hiệp định qua quan sát hoạt động thương mại của nhiều DN trong các lĩnh vực khác nhau trong thời gian vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho biết, nhìn từ góc độ thương mại, hiệp định đã mang lại kết quả tích cực. Nếu so với trung bình chung của Việt Nam trong xuất khẩu, có thể con số xuất khẩu sang Anh không cao lắm với mức tăng hơn 16%.
Tuy nhiên, phải nhìn ở góc độ khác. Nếu không có UKVFTA thì có kẽ không đạt được kết quả này. Hiệp định đi vào hiệu lực trong bối cảnh Việt Nam trải qua giai đoạn rất khó khăn do đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4. Có thể nói, tác động cộng hưởng từ hiệp định đã mang lại kết quả tích cực.
Hiệp định này có lợi thế tương đối mạnh so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã thực hiện. Thứ nhất, hiệp định có 1 khoảng thời gian chạy đà mà các FTA khác không có được. Trước thời điểm ngày 1/1/2021 khi UKVFTA có hiệu lực tạm thời, trước đó 5 tháng, hoạt động thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đã thực hiện theo EVFTA. DN và cơ quan quản lý Nhà nước đã có thời gian làm quen trong việc thực thi. Do vậy, đến lúc UKVFTA có hiệu lực chính thức trong năm 2021 thì rõ ràng đã có đà để chạy tốt hơn.

Các đại biểu thảo luận về việc tận dụng hiệu quả lợi thế từ UKVFTA.
Cũng theo phân tích của bà Trang, nếu như trong các quan hệ thương mại giữa Việt Nam và nhiều đối tác FTA, đâu đó có nhiều quan hệ cạnh tranh, nhưng riêng thương mại giữa Việt Nam và Anh gần như không có sản phẩm nào cạnh tranh trực tiếp đối đầu, thay vào đó là cơ cấu bổ sung cho nhau, thậm chí còn có những bổ sung gây ngạc nhiên.
"Ví dụ Việt Nam cần dược phẩm thì Anh lại mạnh về lĩnh vực này. Việt Nam xuất khẩu rất lớn về dệt may, Anh là nước cung cấp nguyên vật liệu dệt may rất tốt. Đây là lợi thế cho việc thực thi hiệp định này. Tất nhiên trong quá trình thực thi còn có một số vấn đề, những điểm tồn tại khắc phục để tận dụng hiệp định tốt hơn trong những năm tiếp theo", bà Trang nói.
Trên góc độ doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm tận dụng hiệu quả từ hiệp định UKFTA, ông Đinh Cao Khuê - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Vương quốc Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng rất ấn tượng. Cùng với các ngành hàng khác của cả nước, Vinafruit nói chung và các DN chế biến rau quả nói riêng trong những năm vừa qua đã chuẩn bị tư thế tham gia hội nhập rất lớn.
"Chúng tôi đã triển khai một loạt giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường Vương quốc Anh. Trước hết là xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư, máy móc thiết bị hiện đại. Tiếp đến là tập huấn cho cán bộ, công nhân, người lao động và đặc biệt là người nông dân để làm sao cung cấp được các sản phẩm bảo đảm yêu cầu của các nước NK nói chung. Ngoài ra là yêu cầu khắt khe về rau quả xuất khẩu vào Vương quốc Anh. Chính vì vậy, sau 1 năm kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Anh đã tăng 67%. Tôi tin rằng tương lai kim ngạch xuất khẩu sang Anh ngày càng tăng trưởng hơn nữa", ông Khuê cho hay.
Còn nhiều dư địa
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, dư địa để 2 nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn. Vương quốc Anh đang tích cực đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại sau khi hoàn tất Brexit cùng với việc Việt Nam đã và đang tham gia 15 FTA. Đặc biệt là cả 2 nước đang cùng thúc đẩy UKVFTA sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp 2 bên tăng cường hợp tác, tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó gia tăng hơn nữa giá trị gia tăng từ hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại.
Do đó, để biến các tiềm năng trở thành lợi ích thực sự, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và Vương quốc Anh cần tiếp tục đánh giá, xác định những khó khăn, vấn đề còn tồn tại và tìm ra các giải pháp khắc phục một cách hiệu quả nhất.
Cũng cho rằng dư địa xuất khẩu sang thị trường Anh còn rất lớn, ông Đinh Cao Khuê kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, vùng trồng, đặc biệt là tập huấn cho bà con về trồng trọt, trong đó lưu ý đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng nhu cầu của đối tác xuất khẩu. Các nhà máy chế biến đều phải tuân thủ các điều kiện về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hiệp hội, ngành hàng cần củng cố vị trí, vai trò cầu nối, hỗ trợ DN nhiều hơn nữa. Chính phủ và Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ ở Anh cũng như ở châu Âu để thâm nhập sâu hơn vào thị trường.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm