Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Scuti - Vitalify bắt tay hợp tác nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết quy mô tín dụng đến nay đã đạt trên 8 triệu tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng, trong đó dư nợ đối với khối doanh nghiệp (DN) là trên 4 triệu tỷ đồng, chiếm trên 53%. Đặc biệt, DN nhà nước chỉ khoảng xấp xỉ 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho DN, trong khi khối DN tư nhân chiếm 43%, còn lại là hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 45,7%.
Cao điểm đẩy vốn ra thị trường
Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2020. Đây được coi là “thời điểm vàng”, sôi động nhất của các ngân hàng khi nhu cầu tiếp cận vốn tiêu dùng trả góp trung dài hạn, hay vay vốn ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ sẽ tăng cao trong tháng cuối âm lịch và đầu năm 2020.
Thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng cũng đã tung ra các chương trình tín dụng dành cho các nhóm DN nhỏ và vừa với nhiều ưu đãi hấp dẫn về tiếp cận vốn và lãi suất.
Điển hình như, từ ngày 13/11/2019, MB tung gói lãi suất cho vay ưu đãi với quy mô lên đến 2.500 tỷ đồng dành cho các DN nhỏ và vừa, lãi suất 6,25%/năm.
Trong khi đó, nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cấp vốn vay cho khách hàng trong thời gian cao điểm về kinh doanh cuối năm, với mức lãi suất ưu đãi từ 7%/năm đối với khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 7,5%/năm đối với khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng, BIDV cũng triển khai gói vay “Kết nối vươn xa” với tổng quy mô 10.000 tỷ đồng từ ngày 14/11/2019 đến 31/3/2020 với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
VietinBank cũng triển khai chương trình hỗ trợ cho các khách hàng cá nhân và DN siêu vi mô có thêm nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng dịp cuối năm. Đồng thời, chương trình mang đến lộc xuân may mắn cho khách hàng với nhiều giải thưởng giá trị với gói vay: “Lãi nhỏ vay ngay, vận may năm mới”, ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 7%/năm trở lên.
ABBank hiện có chương trình ưu đãi “Song hành bứt phá” với hạn mức 2.500 tỷ đồng dành cho DN nhỏ và vừa, lãi suất cố định trong 3 tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu từ 8,3%/năm, thời gian vay tối đa 12 tháng. Chương trình áp dụng đối với khách hàng là DN nhỏ và vừa có doanh thu năm gần nhất tối đa là 200 tỷ đồng, đang có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn cho các hoạt động kinh doanh, vào dịp cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Không chỉ có các gói vay ưu đãi cho khách hàng DN, nắm bắt xu hướng thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân tăng cao, các ngân hàng cũng đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho nhóm khách hàng này như: thanh toán bằng thẻ tín dụng, quẹt QR được trừ tiền, áp dụng lãi suất 0% cho khách hàng…
Kết nối ngân hàng – DN
Theo thống kê của NHNN, hiện nay, thực tế vốn trung dài hạn của nền kinh tế vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu là ngắn hạn, xấp xỉ 80% vốn huy động của nền kinh tế. Tuy nhiên, các TCTD bên cạnh việc quản trị rủi ro vẫn tiếp tục cung ứng xấp xỉ 50% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đầu tư cho trung dài hạn.
Trong một hội nghị mới đây, lãnh đạo NHNN khẳng định: “Có thể nói là nguồn tín dụng rất lớn đã tập trung vào cộng đồng DN, đặc biệt là DN tư nhân và cá nhân”.
Như vậy, có thể thấy, dù tăng trưởng tín dụng trong năm nay thấp hơn so với những năm trước, song khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn được đáp ứng đầy đủ. Theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính không chỉ trong NHNN mà trong các TCTD, đổi mới, đơn giản hóa thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn đối với DN. Đồng thời, ngành ngân hàng tăng cường đối thoại qua chương trình kết nối ngân hàng – DN với 6 hội nghị tại 3 thành phố lớn ở 3 khu vực kinh tế trọng điểm và hơn 300 cuộc đối thoại DN ở các chi nhánh tỉnh, thành phố để tăng cường khả năng tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn.
Về định hướng điều hành thời gian tới, NHNN sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định, linh hoạt phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường.
“Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả và tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và có biện pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó là tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, các địa phương, các hiệp hội DN để tháo gỡ, xử lý các kiến nghị, tạo điều kiện, tăng khả năng tiếp cận vốn của DN đối với hệ thống các ngân hàng”, đại diện NHNN cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Ngân hàng đẩy mạnh “kích cầu” tín dụng cuối năm