Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ quốc gia nghìn tỷ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

DNVN - "Với dự thảo chương trình quốc gia hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị toàn cầu giai đoạn 2021 - 2025, chúng tôi sẽ huy động thêm các nguồn lực từ trong và ngoài nước để có thể triển khai chương trình mang tính bài bản và toàn diện, không bị cắt lát hay manh mún như hiện nay...".

Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Tồn tại khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi / Video: Thúc đẩy thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để bứt phá, phát triển

Đây là chia sẻ của bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam xung quanh dự thảo chương trình quốc gia hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị toàn cầu giai đoạn 2021 - 2025 mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý.

PV: Bộ KH & ĐT đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025. Có ý kiến cho rằng, những đề xuất trong dự thảo thực sự là tin vui với cộng đồng DNNVV và khởi nghiệp. Bà có đánh giá như thế nào về điều này?
Bà Bùi Thu Thủy: Trước đây, Chính phủ đã có một số chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV hoặc một số hỗ trợ về tài chính. Tuy nhiên, chương trình này hỗ trợ trọng tâm đối với 2 nhóm là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Đây là nhóm trọng tâm mà Chính phủ xác định trong thời đại Cách mạng CN 4.0 và khi Việt Nam hội nhập tham gia các hiệp định như CPTPP, EVFTA hay các hiệp định khác, thì hai vấn đề lớn nhất là DN đổi mới sáng tạo và phát triển theo chuỗi. Không thể mạnh ông nào ông ấy làm thì không thể ra được toàn cầu. Trong 5 năm tới Chính phủ sẽ hướng các nguồn lực vào hỗ trợ hai nhóm này.
Hiện Bộ KH & ĐT đang dự thảo chương trình này và dự kiến trình Chính phủ trong năm nay. Hiện bộ đang gửi đi các bộ, ngành để lấy ý kiến. Với chương trình này, điều lo lắng lớn nhất của chúng tôi là nguồn lực. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hi vọng chương trình sẽ thiết kế ra các chính sách hỗ trợ cho các nhóm DN ưu tiên.
Một phần nguồn lực sẽ là ngân sách Trung ương, và một phần là của ngân sách địa phương. Với chương trình mới như thế, chúng tôi sẽ huy động thêm các nguồn lực từ quốc tế và khu vực tư nhân để có thể triển khai chương trình mang tính bài bản và toàn diện, chứ không bị cắt lát hay manh mún. Hi vọng 5 năm tới hoạt động hỗ trợ DNNVV theo luật sẽ mang tính bài bản và tác động hơn so với giai đoạn hiện nay.
PV:Theo bà đâu là nguyên nhân khiến chương trình hỗ trợ DNNVV chậm đi vào cuộc sống?
Bà Bùi Thu Thủy:Luật Hỗ trợ trợ DNNVV có hai nhóm chính sách, đó là nhóm chính sách áp dụng cho tất cả các DNNVV, ví dụ chính sách thuế thu nhập DN. Nếu là DNNVV sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn mức thuế suất thông thường. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tiến trình triển khai còn chậm.

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam bên lề Diễn đàn "Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc, lần thứ XII"
.
Ví dụ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội kiến nghị áp dụng mức thuế cho DNNVV. Song, hiện nay Quốc hội cũng đang chỉ đạo phải đợi sửa Thuế Thu nhập DN. Chúng tôi không ban hành các quy định riêng để có tính đồng bộ trong pháp luật.
Sau 2 năm kể từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV được triển khai nhưng thực tế đi vào cuộc sống rất chậm. Theo tôi, một phần vì các bộ, ngành phải tập trung để hoàn thiện các văn bản pháp lý do Luật Hỗ trợ DNNVV phải có nguồn lực hỗ trợ từ NSNN và phải chi NSNN theo quy định để có các quy định pháp lý.
Hiện nay, sau khi ban hành Luật, các bộ, ngành đã ban hành 5 nghị định, trong đó có Nghị định về hướng dẫn luật, Nghị định hướng dẫn Quỹ Phát triển DNNVV - là cơ chế tài chính hỗ trợ cho các DNNVV với quy mô vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng. Nhưng cũng phải đến tháng 4/2019, thì mới được ban hành nghị định chi tiết để quỹ đó có cơ sở hỗ trợ DNNVV.
Ngoài ra, Quỹ Bảo lãnh tín dụng hay hỗ trợ pháp lý cho DNNVV cũng mới được ban hành vào năm 2018 và hiện nay các bộ, ngành mới đang xây dựng kinh phí để có nguồn lực hỗ trợ cho DN. Do đó, các DN vẫn đang cảm nhận rằng luật và các chính sách của Luật đưa vào thực tế cuộc sống quá chậm.
Tôi cho rằng, các chính sách đưa vào thực tiễn đều có độ trễ và phải có thời gian để các cơ quan quản lý đưa vào triển khai trong thực tế. Tuy nhiên, đến năm nay, về cơ bản các thể chế đã hoàn thành. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ sẽ được đẩy nhanh hơn trong năm 2020.
PV:Thiếu vốn và khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn là những rào cản rất lớn khiến DNNVV khó thành công. Thực tế, ngân hàng luôn e dè khi cấp vốn vay cho DNNVV do rủi ro cao. DNNVV thiếu tài sản để thế chấp vay vốn. Theo bà, đề xuất chi 5000 tỷ đồng hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trong dự thảo trên có phải là giải pháp đột phá để giải quyết vòng luẩn quẩn này?
Bà Bùi Thu Thủy: Chương trình dự kiến có thiết kế một số nội dung, trong đó vốn chỉ là một phần, còn tập trung nhiều vào tăng cường năng lực như tham gia chuỗi giá trị, hay nội dung hỗ trợ về đổi mới công nghệ. Theo đó, DN có thể thay đổi thiết bị, để làm sản phẩm "ngon" đã.
Vốn cũng là một nội dung lớn mà hiện nay chương trình sẽ có công cụ tài chính, đó là Quỹ Phát triển DNNVV. Quỹ này đã ra đời được mấy năm nay, có kinh phí 500 tỷ đồng mỗi năm do Nhà nước cấp nhưng hoạt động giải ngân hạn chế do cơ chế của quỹ đó chậm, thứ hai là chưa xác định được nhóm trọng tâm.
Sau chương trình này, nguồn vốn của quỹ sẽ tập trung vào nhóm DN khởi nghiệp sáng tạo hoặc tham gia vào chuỗi liên kết.
Ví dụ, DN nhỏ sẽ được hỗ trợ ban đầu là 1 tỷ đồng, được cho vay với lãi suất thấp. Theo đó, lãi suất của quỹ ngắn hạn chỉ vào khoảng 4,1% - tức là thấp hơn mặt bằng rất nhiều; và lãi suất trung - dài hạn cũng chỉ 6%.
Đấy là những chính sách và nghị định đã ban hành rồi. Hi vọng rằng cơ chế quỹ cũng như việc kết nối của các ngân hàng thương mại sẽ tháo gỡ khó khăn về vốn cho cộng đồng DN.
PV:Vậy gói 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho DN cụ thể sẽ như thế nào, thưa bà?
Bà Bùi Thu Thủy: 5.000 tỷ đồng không chỉ là tiền cho vay về tài chính. Như tôi trao đổi bao gồm nhiều chính sách hỗ trợ như tăng cường năng lực, khoa học công nghệ, hay nội dung hỗ trợ các địa phương hình thành các trung tâm khởi nghiệp để hỗ trợ các DN startup khởi nghiệp để được huấn luyện, tư vấn. Đây cũng là những chi phí hỗ trợ nhưng không phải là cấp tiền trực tiếp cho DN. Trong gói này, dự kiến có một phần kinh phí và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, đó là kinh phí hỗ trợ qua Quỹ Hỗ trợ phát triển DNNVV sẽ bao gồm các khoản tài trợ và cho vay với lãi suất ưu đãi theo quy định. Còn tài trợ với mức 1 tỷ đồng cho 1 dự án như một DN mới ra đời để thay đổi thiết bị hoặc hỗ trợ thêm. DN vẫn phải có kinh phí đối ứng và tiềm lực của mình. Quỹ sẽ hỗ trợ 30% đối với mỗi dự án khả thi trong nhóm ưu tiên.
PV:Bên cạnh thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm cũng là vấn đề rất lớn khiến nhiều DNNVV không thành công, nhất là DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, sự hỗ trợ dường như chưa quan tâm tới vấn đề này của DNNVV? Theo bà, sắp tới có nên mở các chương trình hỗ trợ DNNVV về phát triển kỹ năng quản trị, kinh nghiệm hoạt động, ứng phó với các tình huống khó khăn có thể phát sinh trong quá trình hoạt động?
Bà Bùi Thu Thủy: Theo kinh nghiệm đánh giá của chúng tôi, không chỉ Việt Nam hay Nhật Bản mà các nước khác trong khu vực đều xác định vấn đề đầu tiên chưa chắc phải là vốn. Cũng nhiều DN nói rằng giai đoạn này họ chưa cần vốn bởi vì nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo, các NĐT, các quỹ đầu tư nhìn vào DN chưa phải là DN đó có bao nhiêu tiền mà họ nhìn vào những CEO, những founder của DN đó có năng lực hay không, có trình bày được tốt các ý tưởng hay không. Đây gọi là kỹ năng.
Chính vì thế, trong mấy năm vừa qua, kể từ khi chưa có luật, mỗi năm Chính phủ đã dành 100 tỷ đồng vốn Trung ương và địa phương để hỗ trợ đào tạo cho các ông chủ DN về kỹ năng. Chẳng hạn bạn thành lập DN thì bạn phải ứng phó với vấn đề pháp lý như thế nào, hợp đồng phải làm như thế nào, chế độ kế toán phải theo những quy định nào?
Hàng năm, các bộ và địa phương đã làm rất tốt chương trình này. Và hiện nay, chúng tôi đang tập trung đào tạo một số nội dung mới như đào tạo về chuyển đổi số. APEC, ASEAN nhắc rất nhiều đến vấn đề chuyển đổi số. Nếu các DN ứng dụng chuyển đổi số thì sẽ giảm đi rất nhiều chi phí. Tất cả các vấn đề như quản trị nhân sự, lao động không theo cách truyền thống nữa. Theo đó, ông Giám đốc không ở nhà, nhưng tất cả các hoạt động chỉ đạo sẽ diễn ra trên phần mềm theo kiểu DN điện tử. Đây là nội dung mà thời gian tới các DN sẽ đẩy mạnh.
Thứ hai, các cơ quan quản lý cũng cập nhật và dự báo những khó khăn và lợi thế khi Việt Nam tham những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây cũng là nội dung mà chúng tôi muốn cập nhật trong các chương trình đào tạo cho DN để nâng cao kỹ năng và nhận thức cho DN, từ đó tận dụng được lợi thế và vượt khó khó khăn trong bối cảnh hội nhập.
Xin cảm ơn bà!
Nguyệt Minh (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm