Tạo đột phá thể chế, nâng tầm kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới
Hội thoại khoa học Việt Nam – Indonesia thúc đẩy hợp tác kinh tế / Chi phí không chính thức có dấu hiệu trở lại, Thủ tướng chỉ đạo 'nóng'
Hội nghị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì, được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), kết nối với hàng trăm điểm cầu tại các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước.
Theo chương trình đại hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề về nội dung trọng tâm và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề về Nghị quyết số 66-NQ/TW (ngày 30/4/2025) về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận, tiếp thu ý kiến chỉ đạo và định hướng công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, khả thi, với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển ổn định, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong môi trường pháp lý thuận lợi và minh bạch.

Theo đó, năm 2025 sẽ hoàn thành việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" pháp lý, đến năm 2027 hoàn tất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản phục vụ mô hình chính quyền ba cấp, và đến năm 2028 hoàn thiện hệ thống pháp luật đầu tư – kinh doanh, nâng cao vị trí của Việt Nam trong môi trường đầu tư ASEAN.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu sở hữu hệ thống pháp luật hiện đại, chất lượng cao, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực cao, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định rõ, đến năm 2030, kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ.
Nghị quyết đặt mục tiêu có khoảng 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp/1.000 dân, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55–58% GDP, 35–40% thu ngân sách, giải quyết việc làm cho 84–85% tổng số lao động. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10–12%/năm, năng suất lao động tăng khoảng 8,5–9,5%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân chiếm hơn 60% GDP, đạt trình độ cạnh tranh cao, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc Bộ Chính trị ban hành đồng thời hai nghị quyết chiến lược về thể chế pháp luật và phát triển khu vực tư nhân thể hiện quyết tâm chính trị cao trong cải cách và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hiện đại.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các nghị quyết này sẽ được cụ thể hóa bằng những chính sách thiết thực, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước bền vững, tự cường và thịnh vượng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo