Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập huấn, thúc đẩy hệ sinh thái phát triển nữ doanh nhân

DNVN - Sáng 11/7, tại Hà Nội đã diễn ra “Tập huấn xây dựng Khung giám sát đánh giá tình hình triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là doanh nhân nữ”, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái phát triển nữ doanh nhân Việt Nam.

Nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp nữ Việt Nam / Nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp nữ Việt Nam

Theo Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.

Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; khoa học công nghệ 7,3%.

Số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.

Trên thế giới, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cũng như chương trình hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) và nhiều các tổ chức quốc tế khác.

Tại Việt Nam, đây cũng là một định hướng chính sách quan trọng của Nhà nước.

Ngày 3/3/2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 , phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Thực hiện mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là doanh nhân nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tại Luật Hỗ trợ DNNVV (2017) đã quy định nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ cho DNNVV do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Đề án 939 Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 đã đặt mục tiêu tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Phát biểu tại buổi tập huấn, bà Trịnh Thị Hương, Cục phát triển Doanh nghiệp nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV và một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho nhóm đối tượng DNNVV do phụ nữ làm chủ đã góp phần tích cực khuyến khích các doanh nghiệp nữ thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mặt khác, tạo cho các DNNVV do nữ làm chủ có những nhìn nhận tích cực về hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước đối với các DN nữ chủ.

Hệ thống tổ chức làm công tác hỗ trợ các DN trong đó có doanh nghiệp nữ chủ từng bước hoàn thiện, đã hình thành mạng lưới khuyến công, các cán bộ các sở ban ngành, cộng tác viên các cấp trong đó có mạng lưới các cán bộ của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp.

“Tuy nhiên, tình hình triển khai các chính sách còn hạn chế, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thời gian qua chưa tiếp cận được đầy đủ các chính sách hỗ trợ; trong khi đó sức ép của cạnh tranh quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và DNNVV do phụ nữ làm chủ nói riêng”, bà Hương nói.

Bà Trịnh Thị Hương, Cục phát triển Doanh nghiệp phát biểu khai mạc buổi Tập huấn. (Ảnh: Hà Anh).

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và Chính phủ về hỗ trợ DNNVV, bao gồm các doanh nghiệp do nữ làm chủ, Cục Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế như ESCAP, UNWomen, ADB triển khai nhiều hoạt động đặt nền tảng cho việc xây dựng và thúc đẩy Hệ sinh thái Phát triển nữ doanh nhân Việt Nam, thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ DNNVV.

Trong khuôn khổ hoạt động năm 2022 của Dự án “Phát triển Doanh nhân nữ: Kiến tạo Hệ sinh thái Kinh doanh đáp ứng giới”, Cục Phát triển Doanh nghiệp và Ủy ban Kinh tế- Xã hội châu Á và Thái Bình Dương phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức khóa đào tạo cho các cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ các cấp và các bên liên quan về “Tập huấn xây dựng Khung giám sát đánh giá tình hình triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với trọng tâm là doanh nhân nữ”.

Thông qua khóa tập huấn này, bà Hương bày tỏ kỳ vọng các học viên được trang bị các kiến thức về kỹ năng giám sát, biết cách xây dựng bộ công cụ, thu thập thông tin và phân tích số liệu giám sát và vận dụng kiến thức đã học vào thực tế trong thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV đặc biệt là một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho nhóm đối tượng DNNVV do phụ nữ làm chủ trong quá trình công tác.

“Tôi mong rằng thông qua khóa đào tạo này chúng ta sẽ có những bộ công cụ quản lý, giám sát - đánh giá hiệu quả và phù hợp với từng cấp quản lý, giúp đánh giá, nhìn lại những nỗ lực hỗ trợ doanh nhân nữ trong những năm vừa qua đồng hỗ trợ nâng cao năng lực và kỹ năng cho các cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ các cấp và các bên liên quan hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái phát triển nữ doanh nhân Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV do phụ nữ trong tình hình mới”, bà Hương nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm