Tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển kinh tế ĐBSCL
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Quy hoạch tỉnh Hậu Giang phải đồng bộ, linh hoạt, kết nối vùng / Chuỗi sự kiện kỷ niệm 130 năm TP Đà Lạt: Kích cầu du lịch, thu hút đầu tư
Báo cáo năm nay ra mắt trong bối cảnh các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương; đồng thời, Vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt.
Các đại biểu tham dự Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023.
Từ những nghiên cứu trước, Báo cáo năm 2023 xác định “thể chế, quản trị và liên kết vùng” là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn.
Theo báo cáo, liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, một thể chế tốt và cơ chế quản trị hiệu quả sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện các cơ hội để phát triển kinh doanh, đầu tư.
Quá trình nghiên cứu cho thấy, 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL, bao gồm: điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực, kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư - kinh doanh và cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng.
Theo VCCI, trong những năm qua, ĐBSCL đang được quan tâm nhiều hơn, nhiều nghị quyết quan trọng đã được Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành để định hướng, quy hoạch và thiết lập cơ chế để vùng phát triển. Song các chủ trương chỉ định hướng về không gian, còn nội dung mang tính tổng thể, một số ban hành ở nhiều cấp khác nhau chưa có sự thống nhất cao hoặc thậm chí quy định và ràng buộc nhau, lại làm gia tăng lực cản.
Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác chính thức giữa các địa phương trong vùng hiện đang rất cần được hình thành để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực vốn có. Trước đây, nhiều mô hình quản trị và liên kết vùng được thiết lập nhưng hầu như chưa đạt được kết quả như mong đợi. Điều này dẫn đến sự phân tách hay trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương để giành lấy lợi ích và thành tích phát triển, đang làm cho ĐBSCL trở nên khó khăn hơn.
Cùng với cơ chế quản trị vùng chính thức, cơ chế phi chính thức được thiết lập từ cộng đồng, các tổ chức xã hội lập nên để kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp, chính quyền, thị trường… cũng chưa phát huy hiệu quả bởi thiếu sự quan tâm và nguồn lực còn hạn chế. Các mô hình hợp tác đã vận hành như cánh đồng mẫu lớn, liên kết “4 nhà” (Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học), hợp tác theo chuỗi giá trị… chỉ đạt được kết quả nhất định, không theo kịp phát triển của kinh tế, xã hội.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi lễ.
Ngoài ra, những cơ chế quản trị mang tính nền tảng khác như đất đai, nguồn nước, năng lượng, môi trường thích ứng biến đổi khí hậu… đang thiếu một cơ chế quản lý cấp vùng để khai thác, điều tiết sử dụng một cách hiệu quả. Phân bổ sử dụng đất còn bị ràng buộc đã làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, sự chồng chéo trong quản trị nguồn tài nguyên nước đang làm cho thách thức càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Năng lượng là một ngành tiềm năng lớn nhưng chưa có tuyên bố chính thức nào về mục tiêu phát triển, dẫn đến các địa phương đều mở rộng quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển trùng lắp nhau. Hệ thống thể chế quản lý vùng về môi trường thích ứng biến đổi khí hậu chưa thống nhất cao, các mục tiêu chính sách đang bị chồng chéo và mâu thuẩn, phân bổ ngân sách cho các dự án biến đổi khí hậu không đồng bộ, chia cắt giữa cắt địa phương.
Bên cạnh đó, các thể chế vi mô, kết nối các thành tố trong chuỗi, hợp tác sản xuất thiếu bền vững. Các chuỗi nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế, yếu kém ở một số khâu, liên kết hợp tác lõng lẽo dẫn đến khai thác lợi thế, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Hợp tác giữa các hộ sản xuất nhỏ chưa tìm ra mô hình nào mới ngoài các hợp tác xã hiện hữu, dù đang tương đối hiệu quả nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức về tiếp cận vốn, đất đai, quản lý, khai thác…
Theo VCCI, để giải quyết 6 nhóm nguyên nhân nói trên, hướng đến tháo gỡ một trong những mắc xích của 3 vòng xoáy kinh tế - xã hội - môi trường để tạo vòng xoáy đi lên, ĐBSCL đang cần nhận diện các điểm nghẽn hay nút thắt của thể chế, quản trị và mối liên kết hợp tác vùng. Có như thế, ĐBSCL mới có thể thành “điểm sáng” trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết 13-NQ-TW đề ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo