Hỗ trợ doanh nghiệp

Tháo gỡ nút thắt để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển

DNVN - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực không chỉ phát triển về kinh tế cho cả nước mà có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Vì vậy, cần phải giải quyết nút thắt để du lịch vùng này phát triển.

Lâm Đồng: Doanh nghiệp tặng thiết bị flycam cho ban quản lý rừng / Doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng cao kỷ lục nhưng thiếu nhân công

Vùng đất “thiên thời, địa lợi”

Mới đây, tại TP Cần Thơ, hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng được tổ chức nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và quảng bá hình ảnh thương hiệu điểm đến du lịch của các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh, Bình Định và ĐBSCL, đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối từ đó phát triển du lịch của vùng, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Các địa phương ký kết hợp tác du lịch liên vùng.

Các địa phương ký kết hợp tác du lịch liên vùng.

Vùng ĐBSCL được hình thành từ những trầm tích phù sa, bồi dần qua thời gian và ảnh hưởng bởi sự thay đổi mực nước biển, qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những tiểu vùng đất phù sa phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thích hợp cho các sinh vật sinh trưởng và phát triển.

Nơi đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với những thủy, hải sản phong phú, đất phù sa tạo nên những miệt vườn với nhiều loại cây trái, vùng lúa phì nhiêu thích hợp cho du lịch sinh thái, miệt vườn,... ĐBSCL là vùng đất “thiên thời, địa lợi” cho sự phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch của vùng.

ĐBSCL có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết khí hậu hiền hòa, rất ít giông bão, một năm có hai mùa mưa, nắng rõ rệt, từ điều kiện tự nhiên đó tạo ra tính cách con người vùng sông nước này hào phóng, ôn hòa, thân thiện và nghĩa tình. Sự phóng khoáng ấy thể hiện qua sự hiếu khách, qua ẩm thực và qua cách mà người dân vùng sông nước Cửu Long gửi gắm trong những làn điệu dân ca, vọng cổ, đờn ca tài tử... khác biệt với các vùng miền trên đất nước Việt Nam.

Nhiều “điểm nghẽn”

Để du lịch ĐBSCL phát triển, trong thời gian tới cần giải quyết tốt các nút thắt giúp về cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch của vùng chưa phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại về đường bộ, đường thủy. Hiện tại, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ĐBSCL đang ngày càng hoàn thiện, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch trong tương lai. Tuy nhiên, do mức độ đầu tư thiết bị và tiện nghi chưa hiện đại, hệ thống dịch vụ bổ sung đơn điệu, nghèo nàn nên chưa đáp ứng nhu cầu du khách có thu nhập cao và khách quốc tế.

Vì vậy, ngành du lịch cần đa dạng hóa hình thức đầu tư thông qua khuyến khích xã hội hóa và các loại hình đầu tư BCC, BOT, BTO, BT, PPP. Đặc biệt, chú trọng khuyến khích đầu tư vào các địa bàn tiềm năng trong phát triển du lịch, đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết để hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

Các bạn trẻ thích thú với loại hình du lịch miệt vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Các bạn trẻ thích thú với loại hình du lịch miệt vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh đầu tư công các dự án: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau); Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nghiên cứu khả thi đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ… Đồng thời, xúc tiến các đường bay quốc tế trực tiếp đến sân bay quốc tế Cần Thơ và sân bay quốc tế Phú Quốc; đa dạng các tuyến đường bay nội địa giữa vùng ĐBSCL đến các vùng miền khác và ngược lại.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tiến trình phát triển du lịch vùng ĐBSCL chưa được đào tạo bài bản và thực chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và bền vững. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Khuyến khích các trường, trung tâm đào tạo và doanh nghiệp du lịch phối hợp xây dựng chương trình đào tạo gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện nay.

Chỉ khi có được những con người được đào tạo bài bản, am hiểu chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình,... mới có thể làm tiền đề, nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Mặc khác, do điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng giống nhau đã tạo nên sự trùng lắp về tài nguyên du lịch giữa các địa phương trong vùng. Chính vì thế, sự phát triển trùng lắp sản phẩm du lịch ở các địa phương là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu mỗi địa phương, mỗi điểm đến biết phát huy các “giá trị nhân văn” của địa phương, có thể là sự hiếu khách, cung cách phục vụ, nét văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng địa phương… sẽ góp phần thu hút và giữ chân du khách, định vị thương hiệu du lịch địa phương. Vì thế, việc cải thiện tư duy làm du lịch của cộng đồng và tầm nhìn của nhà quản lý du lịch địa phương là rất quan trọng.

Hiện, các sản phẩm du lịch của vùng chưa được đa dạng hóa bằng nhiều loại hình du lịch: Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch bằng nhiều hình thức, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cội nguồn, du lịch miệt vườn, du lịch tín ngưỡng, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng,… Trong thời kỳ công nghệ 4.0, cần tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông minh để quảng bá hình ảnh du lịch, vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả cao, khai thác các thế mạnh của vùng về du lịch, về tổ chức các lễ hội sông nước, đua ghe, chợ nổi, đờn ca tài tử, đấu bò.

Để triển khai tốt những vấn đề này, ngành du lịch cần phối hợp với các đơn vị truyền thông để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo vệ môi trường cho cộng đồng làm du lịch và du khách. Song song đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng làm du lịch về giá trị của tài nguyên tự nhiên, tài nguyên bản địa đối với nhu cầu trải nghiệm của du khách, không nên hiện đại hóa, bê tông hóa hệ thống phục vụ du lịch. Đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, cần yêu cầu thiết lập hệ thống kiểm soát chất thải, rác thải đảm bảo sự tác động tối thiểu đến môi trường xung quanh.

Đặng Xuân Yến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm