Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng học tập mô hình cảng Rotterdam Hà Lan để hoàn thiện cơ chế quản lý cảng Liên Chiểu

DNVN - Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng) ngày 13/9 cho biết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết vừa dẫu đầu đoàn công tác của lãnh đạo TP sang thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư tại Hà Lan, trọng tâm là học tập mô hình cảng Rotterdam và đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào cảng Liên Chiểu của Đà Nẵng.

Nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Việt Nam – Hàn Quốc 2022 / Các hãng bay tăng chuyến đến Đà Nẵng dịp lễ 2/9

Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng), trọng tâm chuyến thăm và làm việc của đoàn lãnh đạo TP Đà Nẵng tại Hà Lan là trao đổi kinh nghiệm quy hoạch, vận hành cảng biển, môi trường với Ban quản lý cảng Rotterdam; đồng thời giới thiệu dự án, các hạng mục hạ tầng hàng hải để thu hút các nhà đầu tư Hà Lan tìm kiếm cơ hội đầu tư vào dự án cảng Liên Chiểu của Đà Nẵng.

Đoàn làm việc với Ban Quản lý Cảng Rotterdam và Công ty Boskalis International B.V

Đoàn công tác của lãnh đạo TP Đà Nẵng làm việc với Ban quản lý cảng Rotterdam và Công ty Boskalis International B.V (Hà Lan) - Ảnh do IPA Đà Nẵng cung cấp

Cảng Rotterdam được xem là cảng biển nước sâu lớn nhất ở châu Âu, là cảng lớn thứ sáu trên thế giới tính theo lượng hàng hoá được trung chuyển hàng năm qua cảng. Năm 2021, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng Rotterdam đạt gần 490 triệu tấn, với khoảng 154 triệu tấn hàng container và khoảng trên 283 triệu tấn hàng rời được xử lý tại cảng. Giá trị gia tăng trực tiếp và gián tiếp của cảng Rotterdam là 63 tỷ Euro, chiếm 8,2% GDP của Hà Lan.

Việc học tập các kinh nghiệm quản lý từ cảng Rotterdam đóng vai trò quan trọng để TP Đà Nẵng tham khảo, hoàn thiện cơ chế quản lý cảng Liên Chiểu. Đoàn công tác cũng đã chủ động kết nối, làm việc với Công ty Boskalis International B.V (thành viên Tập đoàn Royal Boskalis Westminster N.V) là công ty toàn cầu trong lĩnh vực xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng hàng hải như nạo vét, san lấp, trục vớt và cứu hộ các tàu biển hạng nặng.

Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm của Boskalis. Từ năm 2004, Boskalis đã hợp tác với ngành dầu khí của Việt Nam tại các mỏ như Bạch Hổ, Thiên Ứng, Nghi Sơn... Từ năm 2012, Tập đoàn này đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đoàn công tác của TP Đà Nẵng đã kêu gọi, đề xuất Công ty Boskalis International B.V nghiên cứu, quan tâm vào hạng mục nạo vét vùng biển, kêu gọi các đối tác đầu tư vào cảng Liên Chiểu.

Qua tham khảo thế mạnh và kinh nghiệm của Royal Boskalis Westminster N.V, đoàn công tác của lãnh đạo TP Đà Nẵng đề nghị Tập đoàn này phối hợp các công ty nội địa tại Việt Nam quan tâm nghiên cứu thêm về hạng mục nạo vét vùng biển của cảng Liên Chiểu cũng như cảng Tiên Sa (giai đoạn nạo vét, cải tạo luồng phục vụ chuyển công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch từ năm 2025 - 2030).

Theo thông tin được đoàn công tác của lãnh đạo TP Đà Nẵng công bố với Ban quản lý Cảng Rotterdam và Công ty Boskalis International B.V, dự án cảng Liên Chiểu đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư hợp phần A (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) tại Quyết định 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021.

Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết cảng biển Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu tại Quyết định số 1059/QĐ-UBND ngày 18/4/2022; phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 1672/QĐ-UBND ngày 22/6/2022. Dự kiến hợp phần A dự án cảng Liên Chiểu sẽ được khởi công vào tháng 11/2022, thời gian thực hiện hợp đồng 30 tháng, hoàn thành công trình vào dịp 29/3/2025.

Trong chuyến thăm Hà Lan lần này, đoàn công tác của lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng làm việc với chính quyền TP Rotterdam và Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan để xúc tiến nhiều chương trình hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của Hà Lan mà TP Đà Nẵng đang kêu gọi như logistics, nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững…

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm