Thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị mức chiết khấu tối thiểu 5-6%
DNVN - Chịu cảnh thua lỗ kéo dài hơn 1 năm nay, hàng ngàn doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc kiến nghị Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đưa ra quy định mức chiết khẩu tối thiểu 5-6%/giá bán lẻ.
Trà Vinh chấn chỉnh hoạt động đấu giá tài sản / Đà Nẵng: Tiếp nhận đăng ký tham gia chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
2 phương án của Bộ Công Thương
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Ban soạn thảo Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án.
Phương án 1: Không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để các DN chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.
Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là bảo đảm sự chủ động trong mối quan hệ kinh tế giữa các DN kinh doanh xăng dầu trên thị trường; không làm tăng giá cơ sở mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng nhược điểm là khi kinh doanh gặp khó khăn, các đại lý sẽ tiếp tục kiến nghị về quyền lợi của họ dù các đơn vị cấp hàng đang bị lỗ.
Phương án 2: Quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cho rằng, ưu điểm của phương án này là bảo đảm lợi ích và được sự ủng hộ của các đại lý bán lẻ xăng dầu, là căn cứ để các đại lý bán lẻ xăng dầu yêu cầu các đơn vị cấp hàng duy trì chiết khấu cho khâu bán lẻ.
Phân tích nhược điểm, Ban soạn thảo cho rằng, để hài hòa lợi ích của các DN kinh doanh xăng dầu, phải đưa mức chiết khấu cho từng khâu của hệ thống phân phối xăng dầu sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán xăng dầu giữa các DN. Bên cạnh đó, để bảo đảm giá cơ sở mặt hàng xăng dầu phản ánh đủ các chi phí phát sinh cần đưa mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu này vào chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, việc này làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng xăng dầu. Khi hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, không có sự chia sẻ giữa các khâu trong hệ thống phân phối xăng dầu, các khó khăn sẽ được dồn hết đến DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và do đó ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung xăng dầu trong nước.
Nguy cơ doanh nghiệp bán lẻ phải dừng hoạt động
Tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/2 tại Hà Nội, vấn đề quy định mức chiết khấu được nhiều doanh nghiệp bán lẻ, cũng như doanh nghiệp đầu mối đưa ra bàn thảo và kiến nghị.
Ông Hà Thanh Tùng - đại diện Công ty TNHH Thương mại vận tải Hà Giang, thành viên của nhóm DN bán lẻ xăng dầu cho biết, nhóm có 950 DN thành viên với khoảng 9.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, chiếm khoảng 53% trên tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ trên cả nước.
Ông Hà Thanh Tùng - đại diện Công ty TNHH Thương mại vận tải Hà Giang.
Thời gian qua, ước tính số tiền thua lỗ của các DN bán lẻ xăng dầu thời điểm cao nhất lên đến 900 tỷ/tháng. Từ tháng 3 năm nay, con số thua lỗ lên đến 3.000 - 4.000 tỷ đồng - hệ quả từ công thức tính giá xăng dầu hiện nay.
"Nếu tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài thì 9.000 DN bán lẻ chúng tôi buộc phải xin ngừng kinh doanh, khi đó chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy. Việc trên 50% số DN này trên tổng số 17.000 DN bán lẻ trên toàn quốc dừng hoạt động sẽ tác động tới toàn bộ nền kinh tế", ông Hà Thanh Tùng nói.
Theo quy định xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lỗ hay lãi thì vẫn phải bán hàng, nếu không bán sẽ bị phạt. Thực tế, thời gian dài vừa qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng thậm chí là chiết khấu âm nhưng các DN bán lẻ xăng dầu vẫn phải duy trì kinh doanh.
"Cũng theo quy định hiện hành, DN bán lẻ chỉ được lấy hàng từ 1 nơi, sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép về chiết khấu vì nhà phân phối biết rằng nếu DN bán lẻ không lấy hàng của họ thì không thể lấy hàng của nhà phân phối khác. DN bán lẻ ở trạng thái bị kẹt và mọi sự cạnh tranh ở trạng thái bị triệt tiêu", đại diện Công ty TNHH Thương mại vận tải Hà Giang phản ánh.
Kiến nghị mức chiết khấu tối thiểu 5-6%
Với mong muốn chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, hài hòa và công bằng lợi ích, 9.000 DN bán lẻ xăng dầu kiến nghị Ban soạn thảo ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, để đảm bảo vốn và tài sản mà DN đã bỏ ra.
Theo đó, về chi phí kinh doanh định mức cần phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh. Gồm khâu nhập khẩu, khâu phân phối, khâu bán lẻ chi phí định mức dành riêng cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 3 - 3,5% nhân với giá bán lẻ trước thuế tại thời thời điểm bán ra.
Tương tư, lợi nhuận định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có lợi nhuận kinh doanh. Gồm khâu nhập khẩu, khâu phân phối, khâu bán lẻ lợi nhuận định mức dành riêng cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 2 - 2,5% nhân giá bán lẻ trước thuế tại thời thời điểm bán ra.
Hội thảo thu hút sự tham gia và góp ý của hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
"Giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục được các hạn chế nêu trên, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay", ông Hà Thanh Tùng nói.
Cùng góc nhìn, TS kinh tế Giang Chấn Tây - Giám đốc Cty TNHH một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, thời quan qua, doanh nghiệp bán lẻ luôn bị bỏ rơi tất cả dẫn đến thua lỗ kéo dài nặng nề. Trong khi doanh nghiệp đầu mối lãi hàng ngàn tỷ đồng thì doanh nghiệp bán lẻ lỗ kinh khủng và đang ở trong tình trạng kiệt quệ không lối thoát.
"Cần xem chiết khấu đây như là phí xăng dầu mà doanh nghiệp bán lẻ thu hộ, thay vì trước đây nộp cho Nhà nước thì nay giữ lại để hoạt động và xem đây là công cụ giúp cho doanh nghiệp bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới", ông Giang Chấn Tây nói.
Phần chiết khấu (thù lao) tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu được đề xuất khi trong công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng. Quy định chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6%/giá bán lẻ là cần thiết.
Ông Vũ Đức Cường - đại diện Công ty TNHH Cường Phú (Hà Giang) chia sẻ, trong hơn 1 năm nay, DN gặp rất nhiều khó khăn và đã lỗ gần 2 tỷ đồng.
Do đó, DN kiến nghị áp dụng mức chiết khấu tối thiểu cho DN bán lẻ ở mức 5 - 6%. Hiện không có sự thỏa thuận nào giữa DN bán lẻ với thương nhân phân phối và DN đầu mối. Thậm chí DN bán lẻ còn phải bỏ thêm tiền mới lấy được hàng. DN lỗ quá nhiều từ chi phí vận tải đến chi phí vận hành.
"Tôi cảm tưởng như chúng ta trở về thời bao cấp, thậm chí còn khó hơn thời bao cấp. Người dân phải gọi điện cho DN xin mua 1 can xăng. Lần đầu tiên các DN bán lẻ phải đứng lên giãi bày vì chúng tôi không thể chịu đựng được nữa. Nếu kéo dài thêm tình trạng này thì buộc chúng tôi buộc phải xin nghỉ, nếu không sẽ vỡ nợ", ông Vũ Đức Cường chia sẻ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo